(Báo Quảng Ngãi)- Đồng muối Xuân An (Tịnh Hòa, TP. Quảng Ngãi) từng bảo đảm cung cấp muối cho cả huyện Sơn Tịnh và vùng đông bắc TP. Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đồng muối này đang đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nguy cơ mất nghề truyền thống
“Không biết đồng muối này có từ lúc nào, chỉ biết từ thời xa xưa những truyền nhân của làng muối Sa Huỳnh đã lặn lội đến Xuân An này dạy nghề cho người dân”, nhiều người ở Xuân An nhớ lại nguồn gốc cái nghề truyền thống của làng. Nhờ nghề truyền thống này mà từ bao đời nay, người dân thôn Xuân An, nhất là ở các xóm Xuân Mỹ và Xuân Hòa có kế mưu sinh. Vào những lúc thời tiết thuận lợi, cùng với sự chăm chỉ, cần cù sản xuất của người dân, sản lượng muối ở đây đạt 50-55 tấn/năm.
Người dân sản xuất muối trên đồng muối Xuân An. |
Thế nhưng, nghịch lý đối với người làm muối là khi thời tiết càng nắng nóng, diêm dân bỏ ra nhiều công sức để làm muối đạt hiệu quả, thì điệp khúc “được mùa mất giá” lại xảy ra. Khi năng suất, công sức của người dân tỷ lệ nghịch với thu nhập mang về thì đồng muối càng trĩu nặng nỗi buồn.
Ông Nguyễn Dưỡng, trưởng thôn Xuân An cho biết, giá muối hiện nay tại ruộng chỉ còn 600-700 đồng/kg. Giá quá thấp không đủ chi phí sản xuất cho nên dù đang vào giữa vụ, nhưng nhiều ruộng muối đành bỏ trống. Từng là cánh đồng muối rộng 45ha với 312 hộ ngày đêm góp mặt trên các ruộng muối, đến nay chỉ còn chục hộ sản xuất trên khoảng 10ha ruộng muối. Còn lại, người dân bỏ ruộng đi làm thuê để kiếm thu thập trang trải cuộc sống.
Ông Nguyễn Công ở xóm Xuân Mỹ, thôn Xuân An năm nay đã 60 tuổi cho hay, từ lúc còn nhỏ, cứ độ 4 giờ sáng ông đã theo cha ra đồng thăm muối. Cái nghề làm muối dẫu cực nhọc, vất vả, thế nhưng cái vị mặn như đã bám vào người, khó bỏ lắm. Cả làng muối này từ xưa đến nay vẫn giữ thói quen canh tác thủ công truyền thống. Nhờ đó mà muối đạt độ mặn không nơi nào sánh bằng. Nhưng giờ làm muối khó khăn quá, người làng gánh đi bán từng thúng muối nhưng giá thấp, không đủ trang trải chi phí...
Giai đoạn 1996-2001, khi giá muối rớt thê thảm cùng với “cơn bão” nuôi tôm tràn qua, nhiều người Xuân An đổ xô phá ruộng muối, đào hồ nuôi tôm. Các kênh mương từng dẫn nước biển vào ruộng muối bị san lấp, nhường chỗ để nuôi tôm. Thế nhưng, khi con tôm chưa kịp mang niềm vui đến thì chỉ sau vài vụ, tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt. Môi trường bị ô nhiễm trầm trọng khiến người nuôi tôm điêu đứng. Hàng loạt hồ tôm trên cánh đồng muối Xuân An trở nên đìu hiu. Hậu quả, hiện nay nhiều hồ tôm bị bỏ hoang nằm xen lẫn trong các ruộng muối. |
Chính quyền lúng túng
Nhiều năm trước, UBND xã Tịnh Hoà định hướng củng cố phát triển nghề làm muối, nhằm góp phần ổn định đời sống diêm dân. Ông Huỳnh Tiến Lên, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Xuân An cho biết, sau khi gửi tờ trình lên cấp trên nhờ hỗ trợ phát triển làng muối, thế nhưng sau 5 lần cơ quan chức năng về lấy mẫu nước, đất, muối tại đây để kiểm tra thì cả 5 lần đều cho kết quả giống nhau, đó là không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Nguyên nhân, dù ngày trước chất lượng muối nơi này không đâu sánh bằng, nhưng khi cảng Sa Kỳ ô nhiễm nặng vì lượng tàu bè qua lại đông, các loại xăng, dầu nhớt cộng với đủ loại rác thải xuống biển ngày càng nhiều.
Trong khi đó, vùng cảng Sa Kỳ là nguồn nước biển chính cung cấp cho các ruộng muối Xuân An. Nước biển ô nhiễm, nhiễm chì, dẫn đến chất lượng muối làm ra bị ảnh hưởng theo. Do đó, địa phương không có định hướng gì đối với làng muối Xuân An nữa. Trong khi đó, người dân chỉ đơn thuần nghĩ rằng, vì nguồn nước không bảo đảm nên làng muối không được Nhà nước hỗ trợ làm kênh mương. Đa số người dân vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm của việc sử dụng sản phẩm bị nhiễm chì, nên vẫn sản xuất, hằng ngày sử dụng và buôn bán muối.
Về phía chính quyền địa phương, dẫu biết chất lượng muối bị ô nhiễm, việc sản xuất, sử dụng, buôn bán muối ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhưng vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết hợp lý, khả thi.
Theo ông Phạm Bách, Chủ tịch UBND xã Tịnh Hòa thì điều này rất khó. Bởi lẽ, nếu địa phương khuyến khích người dân phát triển nghề làm muối thì đi ngược lại với khoa học; nhưng cũng không thể buộc người dân ngưng làm muối. Vì nếu không làm muối, người dân Xuân An biết mưu sinh bằng nghề gì khi vùng đất mặn này không thích hợp cho các loại cây trồng khác.
“Địa phương đang tìm hướng chuyển vùng muối Xuân An qua nuôi cá thương phẩm. Tuy nhiên, vốn đầu tư cao chưa kể rủi ro lớn, trong khi đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nên người dân Xuân An hằng ngày vẫn mưu sinh bằng nghề làm muối”, ông Phạm Bách cho biết thêm.
Bài, ảnh: BẢO HÒA