(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ đối mặt với nạn thiếu nước tưới mà nắng nóng kéo dài còn làm cho lúa, rau màu bị các loại dịch hại tấn công. Do đó, nông dân trong tỉnh đang tập trung chống hạn và theo dõi, chăm sóc cây trồng...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lúa: “Lấy hè thu bù đông xuân”
Dù đám lúa đang xanh mướt, nhưng ông Nguyễn Bảy, ngụ thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) vẫn ra thăm ruộng ngày hai, ba lần. Lý giải sự chăm chỉ này, ông Bảy bảo rằng: “Cố gắng lấy hè thu bù đông xuân chứ không là hụt gạo ăn…”.
Hóa ra, vụ đông xuân vừa rồi đám lúa hai sào nhà ông Bảy đang bắt đầu kết hạt chắc, chỉ đợi vài ngày nữa là thu hoạch, thì trận mưa lũ hồi cuối tháng 3 làm cho ngã rạp, mất trắng. Vì vậy mà từ khi bắt đầu xuống giống hè thu, không ngày nào ông Bảy không ở ngoài đồng để chăm sóc lúa. Vì vậy, mỗi khi nghe tin nắng nóng kéo dài, hay trời chuyển lúc mưa lúc nắng là ông Bảy thấp thỏm, lo âu. “Phần lo thiếu nước, sâu chuột cắn phá; phần sợ ông trời không cho ăn, hại như vụ đông xuân thì khổ”, ông Bảy nói.
Người trồng bắp tận dụng các nguồn nước từ kênh, mương để tưới cho bắp. |
Dù không bị mất trắng như ông Bảy, nhưng mỗi khi nhìn đám lúa gần hai sào của mình, lão nông Đặng Quang Chiến, ngụ thôn Phước Toàn, xã Đức Hòa (Mộ Đức) cũng không khỏi ngậm ngùi. Bởi, “làm vất vả vậy mà vụ trước ông trời cũng hại tôi thất thu. Vụ này cố chăm kỹ hơn để lấy lại lúa kẻo lỗ”, ông Chiến cho hay.
Vụ đông xuân vừa rồi toàn tỉnh có đến hơn 3.000ha lúa giai đoạn đòng – trổ ở các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Bình Sơn và Ba Tơ bị thiệt hại, thậm chí mất trắng vì ảnh hưởng của đợt mưa, lũ hồi cuối tháng 3. Vì những lẽ đó, vụ hè thu này nông dân trong tỉnh nói chung, bà con các nơi bị thiệt hại nói riêng rất cẩn thận, tích cực trong việc thăm đồng chăm lúa ngay từ khi mới gieo sạ.
Chẳng thế mà dù hiện tại, mức độ gây hại của các đối tượng như chuột, dòi đục non, bọ trĩ, sâu cuốn lá... không nhiều, nhưng nông dân vẫn không hề chủ quan. Vậy nên, cùng với việc dùng bã sinh học, bẫy, hình nộm, bón phân, phun thuốc để diệt và xua đuổi chuột, sâu bệnh, thì việc nông dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra giữ nước trong ruộng cũng là biện pháp đảm bảo an toàn cho cây lúa.
Rau, màu: Vượt hạn
32.890ha lúa đang được nông dân tập trung chăm sóc và hơn 9.000ha rau, màu, đậu các loại cũng được người trồng quan tâm dù chúng là những đối tượng chịu hạn (trừ rau). Bởi nói như ông Trương Tài, người chuyên trồng bắp ở xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi): “Lúa hay bắp gì thì cũng phải có nước mới sống được. Có điều, cây bắp dễ tính hơn lúa, trễ nước vài ngày cũng không sao”. Tuy nhiên, vì năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài nên những người trồng bắp như ông Tài lo bắp dễ bị “khát”, rồi chậm lớn, ít trái. Khắc phục tình trạng này, ngoài việc đào rãnh sâu, bón lót phân chuồng khi làm đất, nhiều người thậm chí còn phủ bạt để giữ nước, chống sâu bệnh nhằm giúp bắp tốt cây sai quả.
Trái với bắp và các loại đậu, người trồng rau đang phải gồng mình tìm nước tưới. Lý do, “rau mà không có nước thì sẽ chết khô”, bà Trần Thị Thủy, người trồng rau ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức) chia sẻ. Hẳn thế nên mỗi ngày, vợ chồng bà Thủy lại hì hục gắn máy kéo dây lấy nước từ sông Vệ để tưới cho 4 sào rau cải, muống, mồng tơi, ớt...
Không may mắn như bà Thủy, ruộng rau nhà ông Cao Tri không nằm gần ven dòng sông Vệ nên phải kéo điện, đào giếng để tìm nước tưới. Dù đã tốn không ít tiền của, công sức nhưng lượng nước cũng chẳng đủ tưới cho 5 sào rau nhà ông mỗi ngày.
Với tiết trời oi nóng như hiện nay thì những trận mưa “vàng” là mong ước của nhiều nông dân. Có điều, trong khi trông đợi vào sự kỳ diệu ấy, nông dân trong tỉnh đang phải tìm mọi cách để chống hạn, phòng trừ các loại địch hại để cứu lúa và cứu rau màu.
Bài, ảnh: MỸ HOA