(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ giá xăng dầu, mà các chất đốt khác như củi, trấu… cũng không ngừng tăng cao trong vòng vài tháng trở lại đây, khiến nhiều làng nghề truyền thống gặp khó. Trăn trở khi giá cả nhiên liệu ngày một leo thang và không có dấu hiệu “hạ nhiệt” đã đặt ra cho người làm nghề truyền thống bài toán mới về việc thay đổi cách thức sản xuất để có thể hạn chế, hoặc thay thế củi, trấu… bằng nguồn nhiên liệu khác ổn định hơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Giá nhiên liệu tự do “nhảy múa”
Không giống như xăng dầu hay than đá, củi và trấu là hai loại nhiên liệu không được quy định mức giá rõ ràng. Cũng chính vì lẽ đó nên gần 200 hộ dân làm nghề ở làng nghề bánh tráng Hiệp Phổ Trung, xã Hành Trung (Nghĩa Hành)- làng nghề chỉ sử dụng củi và trấu làm chất đốt phải chấp thuận theo mọi mức giá mà thương lái đề ra. “Ban đầu, giá mỗi xe củi (7 khối/xe) chỉ khoảng 1 triệu đồng. Nhưng rồi theo từng năm, giá cả cứ nhích dần lên. Mới năm ngoái đây thôi, giá mỗi xe củi còn ở mức 1,8 triệu đồng thì tự dưng năm nay đã tăng vọt lên 2,2 triệu đồng. Giá nhiên liệu thay đổi liên tục, còn giá bánh tráng bán ra thì không đổi để giữ sức cạnh tranh nên chúng tôi phải tự “nhín lại” tiền lời”, ông Võ Bảo- một trong những hộ tiên phong ứng dụng máy móc vào sản xuất bánh tráng ở Hiệp Phổ Trung bày tỏ.
Giá nhiên liệu củi, trấu đang không ngừng “leo thang”, khiến người dân tại các làng nghề chật vật. |
Không sử dụng nhiên liệu củi đốt như gia đình ông Võ Bảo, hầu hết các hộ làm nghề khác của làng nghề bánh tráng Hiệp Phổ Trung chỉ có thể sử dụng trấu làm chất đốt, do vẫn còn sử dụng lò làm bánh thủ công. Nếu như những năm trước đây, trấu “rẻ như bèo”, thậm chí còn được các địa điểm xay xát “cho không, biếu không”, thì nay giá trấu cũng không ngừng tăng cao. “Trước đây trấu rẻ lắm, chỉ khoảng vài nghìn đồng/bao, thì nay mỗi bao đã lên 22 nghìn đồng, nếu mua từ thương lái. Riêng thời điểm từ tháng chạp đến tháng 2 âm lịch khi trấu khan hiếm thì giá trấu còn cao hơn nữa, có khi tăng gần gấp đôi”, chị Trần Thị Thủy, thôn Hiệp Phổ Trung cho biết.
Bình quân mỗi ngày, lò bánh thủ công của chị Thủy chỉ làm ra được khoảng 1.000 chiếc bánh. Với giá mỗi xấp bánh tráng (120 chiếc/xấp) bán ra vào khoảng 30 nghìn đồng thì chị Thủy thu về chưa đến 300 nghìn đồng mỗi ngày. Trong khi đó, chỉ tính riêng chi phí nhiên liệu, chị Thủy đã phải tiêu tốn đến 44 nghìn đồng nên sau khi trừ đi chi phí nguyên liệu, nhân công thì lợi nhuận thu về chẳng còn bao nhiêu.
Mức giá nhiên liệu tăng liên tục không chỉ người làm bánh tráng phải chật vật mà ngay cả những truyền nhân cuối cùng của làng gốm ở Phổ Khánh (Đức Phổ) và Mỹ Thiện, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) vốn phải khó khăn lắm mới giữ được nghề nay cũng không khỏi lao đao vì giá nhiên liệu. Ông Đặng Văn Trịnh- người duy nhất còn giữ nghề gốm ở làng nghề gốm Mỹ Thiện (Bình Sơn) cũng ngao ngán khi giá củi liên tục “leo thang”: Mới năm ngoái, giá mỗi khối củi còn ở mức 460 nghìn đồng, thì hiện tại đã lên đến 600 nghìn đồng/khối. Với mức giá này, nếu nung xong một mẻ gốm thì tôi mất gần 8 triệu đồng tiền nhiên liệu.
Loay hoay tìm giải pháp
Không thể cứ mãi phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu tự nhiên là củi và trấu, ông Võ Bảo hiện đang trăn trở tìm nguồn vốn vay để lắp đặt dây chuyền sản xuất khép kín có thể đảm đương cả việc “sấy” bánh tự động. Bởi theo ông Bảo, việc phơi, sấy bánh theo phương thức thủ công như hiện nay không chỉ khiến năng suất làm ra phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết mà ngay cả chi phí sản xuất cũng bị “đội” lên rất nhiều khi vào những tháng mùa mưa, ông Bảo luôn phải mua rất nhiều củi, than…phục vụ cho công đoạn sấy bánh. “Nếu không sớm lắp đặt được hệ thống máy móc sấy bánh tự động thì tôi sẽ ngừng làm bánh vào mùa mưa chứ không thể cứ xén lại lợi nhuận để bù vào chi phí nhiên liệu ”, ông Bảo cho biết.
Trong khi đó, nghệ nhân Đặng Văn Trịnh lại chia sẻ niềm mong ước chuyển đổi được công nghệ nung gốm từ các lò than truyền thống sang lò gas cải tiến vừa thân thiện với môi trường lại vừa giảm thiểu tỷ lệ tiêu hao năng lượng như làng gốm Bát Tràng (Hà Nội). Mong ước là thế, nhưng nghệ nhân Trịnh lại trầm ngâm: “Nói thế thôi chứ công nghệ ấy gần cả tỷ làm sao mình đủ lực để chuyển đổi. Giờ chỉ mong có được nguồn củi dồi dào với giá cả hợp lý là vui rồi. Chứ hiện tại, loại củi lâu năm chuyên dùng cho lò nung gốm khan hiếm lắm. Giá đắt mấy cũng chấp nhận, vậy mà tìm không ra nguồn cung”…
Bài, ảnh: Ý THU