Ứng phó với hạn - Kỳ 2: Điệp khúc... đến "hạn" lại lo

09:06, 04/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ diện tích sản xuất phụ thuộc vào “nước trời” đang phải đánh cược với thời tiết, khi mực nước tại các hồ chứa đang giảm nhanh do nắng nóng kéo dài, mà 10.000ha lúa và hoa màu nằm trong vùng được hưởng nước từ thủy lợi Thạch Nham cũng không nằm ngoài “danh sách” có nguy cơ hạn.

TIN LIÊN QUAN

Trong vùng tưới vẫn “khát”

Vụ hè thu này, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) tỉnh “đảm nhiệm” cung cấp nước tưới cho khoảng 22.000ha lúa và hoa màu. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết nắng nóng liên tục như những ngày qua, ông Đặng Huy Lâm - Phó Giám đốc Công ty KTCTTL cho biết: “Nếu tình hình thời tiết tiếp tục nắng nóng gay gắt và không có mưa, thì từ giữa vụ hè thu trở đi, sẽ có hơn 10.000ha nằm trong vùng tưới của Thạch Nham đối mặt với nguy cơ thiếu nước. Nhất là những vùng ở cuối kênh, nằm cách xa nguồn nước”.

Do cao trình kênh không phù hợp, nên cuối tuyến kênh N1,  xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành thường xuyên thiếu nước.
Do cao trình kênh không phù hợp, nên cuối tuyến kênh N1, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành thường xuyên thiếu nước.

Không chỉ riêng năm nay mà đã thành “điệp khúc”, hầu hết các vùng sản xuất nằm ở các điểm cuối kênh đều là những khu vực chịu hạn trước tiên. Các vùng sản xuất cuối kênh S18, S18-1, S18-2, S22B của huyện Mộ Đức, cuối kênh B3-16, B7 của Bình Sơn, cuối kênh N6-19, VC2 KCN, N8, N8-10 của Tư Nghĩa và TP. Quảng Ngãi… luôn nằm trong danh sách khu vực có nguy cơ hạn vụ hè thu hằng năm.

Chẳng hạn như tại huyện Nghĩa Hành, do kênh chính Thạch Nham không đảm bảo tưới tự chảy về các tuyến kênh N1 (xã Hành Dũng), VC-52 (xã Hành Phước) nên có khoảng 100ha lúa, hoa màu của nông dân ở hai vùng cuối kênh N1, VC-52 thường xuyên thiếu nước tưới vào cuối vụ đông xuân và hè thu. Ông Trương Quang Sinh - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hành Dũng cho biết: “Do cao trình của kênh quá cao nên khi có hạn cục bộ xảy ra, nước từ kênh chính không tự chảy về kênh N1 được, vì vậy kênh N1 luôn bị thiếu nước đầu tiên”.

“Khả năng hạn hán trong vụ hè thu 2015 là rất lớn”
Đó là nhận định của ông Nguyễn Mậu Văn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT. Theo ông Văn, hiện mực nước tại các hồ chứa đang xuống thấp, còn khoảng 50-60% dung tích hồ, dòng chảy tại các sông cũng đang xuống thấp. Trong khi đó, theo dự báo, từ cuối tháng 5 đến tháng 8 năm nay, lượng mưa sẽ ít hơn hẳn so với trung bình các năm. Còn nền nhiệt độ thì sẽ cao hơn hẳn so với trung bình các năm. Vì thế, nguy cơ hạn hán trong vụ hè thu là rất lớn.
 
Để khắc phục tình trạng trên, HTX Nông nghiệp Hành Dũng đã phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng xây dựng trạm bơm để “ứng cứu” kịp thời cho cây trồng. Tuy nhiên, theo ông Sinh, hằng năm, việc vận hành trạm bơm đã tiêu tốn của HTX khoản kinh phí không nhỏ: “Bình quân mỗi vụ hè thu, HTX  phải chi hơn 20 triệu đồng cho trạm bơm này. Cao điểm nhất là vụ hè thu 2010, HTX đã bỏ ra 30 triệu đồng để bơm nước từ kênh chính Nam về kênh N1”.

Ngoài vùng tưới Thạch Nham… thấp thỏm

Theo ông Trần Công Hiệp-Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh, nếu tình hình nắng nóng gay gắt tiếp tục kéo dài, vụ hè thu năm nay hơn 93% (489/523ha) diện tích nằm ngoài vùng Thạch Nham của huyện sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước. Tập trung ở các xã Tịnh Thọ, Tịnh Trà và Tịnh Bình, do hồ chứa nước Hóc Khế, Hóc Cơ, Sơn Rái, Hố Đèo, Đá Chồn tại các xã này đều đã xuống cấp.

Không như các vùng sản xuất nằm ở vùng tưới Thạch Nham, dù hạn cục bộ xảy ra nhưng vẫn có thể sử dụng phương pháp tưới luân phiên và trạm bơm để “cứu vãn”, những vùng sản xuất nằm ngoài vùng tưới Thạch Nham phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn “nước trời”. Vụ hè thu năm 2014, trên địa bàn tỉnh, đã có khoảng 800ha bị mất trắng do nắng nóng kéo dài, thiếu nước tưới ở những chân ruộng cao.

“Chiếc phao” duy nhất của các ruộng lúa nằm ngoài vùng tưới Thạch Nham là các hồ chứa nước. Nhưng phần lớn các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng từ trước năm 1990, giờ đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng nên khả năng chứa nước rất hạn chế. Hồ chứa nước Đập Làng, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), dung tích hồ chứa chỉ còn 20% do thẩm thấu qua cống lấy nước, hồ chứa nước Hóc Khế (xã Tịnh Bình), Hóc Cơ (xã Tịnh Trà)... không còn khả năng giữ nước là nguyên nhân chính khiến các địa phương trên năm nào cũng có gần cả trăm hecta lúa và hoa màu bị ảnh hưởng năng suất trong vụ hè thu do thiếu nước. Trong số 119 hồ chứa nước đã được đưa vào khai thác và sử dụng, hiện có 32/119 hồ chứa nước bị hư hỏng xuống cấp nặng cần được đầu tư nâng cấp sửa chữa và 44/119 hồ chứa nước hiện đang xuống cấp.

Loay hoay với bài toán nước tưới vào mỗi vụ hè thu, thậm chí có vụ, người dân phải cắt lúa “cháy khô” về làm thức ăn cho bò. Vậy phải làm gì để tình trạng “thiếu nước - mất mùa” trong vụ hè thu không tái diễn? “Chỉ có chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho các vùng thường xuyên bị hạn mới có thể giảm thiểu nguy cơ mất mùa vì hạn hán cho bà con nông dân”, ông Nguyễn Mậu Văn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định.
                  

Bài, ảnh: Ý THU

 

*Kỳ 3: Chuyển đổi cây trồng vẫn còn loay hoay

 


.