Ứng phó với hạn - Kỳ 1: Nặng gánh kinh phí chống hạn

07:06, 04/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tình hình khô hạn dự báo đến khoảng tháng 8-9 mới dần được cải thiện. Vì thế, bằng nhiều cách, ngành nông nghiệp và các địa phương đang dồn sức chống hạn, song vẫn còn đó không ít nỗi lo.

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 1: Nặng gánh kinh phí chống hạn


Đập nước, kênh mương nội đồng… bị hư hỏng, cuốn trôi trong đợt mưa lớn bất thường vào tháng 3 vừa qua, khiến công tác đảm bảo nước tưới cho vụ hè thu năm nay thêm nặng gánh. Nhất là khi một số công trình thủy lợi lớn vì thiếu kinh phí nên đến nay vẫn chưa thể sửa chữa kịp thời, trong khi vụ hè thu đã chính thức bắt đầu…d.

 


“Chạy nước rút” cho vụ hè thu

Xác định sẽ ưu tiên sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng sau đợt lũ tháng 3 để đảm bảo nguồn nước tưới cho người dân trong vụ hè thu, nên ngay khi chuẩn bị bước vào vụ, huyện Minh Long đã gấp rút đôn đốc các đơn vị thi công khẩn trương tiến hành nạo vét, tu sửa hai công trình: Đập Rọ Đá- Nước Hoen và kênh Bờ Hữu- Suối Lớn, xã Long Hiệp. Bởi đây là những công trình thủy lợi trọng yếu cung cấp, điều tiết nước tưới cho các diện tích lúa ở xã Long Hiệp. Ông Lê Minh Chí, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Minh Long cho biết: “Đợt lũ từ ngày 23-27.3 vừa qua khiến một số công trình thủy lợi của địa phương bị hư hại, sạt lở nặng. Vì thế, huyện đã ưu tiên trích 740 triệu đồng để sửa chữa, tu bổ các công trình, nhằm đảm bảo nước tưới cho người dân yên tâm sản xuất”.

Huyện Minh Long đang “chạy nước rút” sửa chữa đập Rọ Đá- Nước Hoen, xã Long Hiệp, công trình thủy lợi bị hư hỏng trong đợt lũ tháng 3.2015.                                                                                                                                       Ảnh: Ý THU
Huyện Minh Long đang “chạy nước rút” sửa chữa đập Rọ Đá- Nước Hoen, xã Long Hiệp, công trình thủy lợi bị hư hỏng trong đợt lũ tháng 3.2015.


Không chỉ các công trình thủy lợi tại huyện Minh Long, mà hiện nay, các địa phương trên toàn tỉnh cũng đang khẩn trương cân đối ngân sách để ưu tiên sửa chữa các công trình thủy lợi, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ thiếu nước tưới trong vụ hè thu. 110 điểm sạt lở, hư hỏng tại các tuyến kênh mương do Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi phụ trách về cơ bản đã được sửa chữa xong. Theo ông Nguyễn Nhung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi thì, Công ty đã phải trích kinh phí hơn 10 tỷ đồng để sửa chữa, hoàn thiện các điểm kênh mương hư hỏng, sạt lở nhằm đảm bảo sẵn sàng cung ứng nước tưới cho người dân trong vụ hè thu.
 

Trong đợt mưa lớn kéo theo lũ vào cuối tháng 3 vừa qua, chỉ tính riêng về thủy lợi, đã có 5 đập nước bị hư hỏng, 11.500m kênh mương bị bồi lấp, 110 điểm kênh mương do Công ty Khai thác công trình thủy lợi quản lý bị hư hỏng, sạt lở, 84 đập bổi bị cuốn trôi.  Tổng thiệt hại ước tính lên đến 18 tỷ đồng.
Riêng 84 đập bổi bị trôi, 11.500m kênh mương bị bồi lấp tại các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà, thì các địa phương đều đã huy động sức dân nạo vét, xây dựng lại. Ông Bạch Hùng, Phó Chủ nhiệm HTX NN Bình Dương (Bình Sơn) cho biết: “Tháng 3 vừa rồi, do lũ lớn quá nên đập ngăn mặn bị cuốn trôi cả 3 bờ. Vì vậy, vào cuối tháng 5 vừa qua, sau gần nửa tháng triển khai thi công, với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng, đập ngăn mặn đã kịp thời hoàn thành, trước khi bà con bước vào gieo sạ vụ hè thu”.

Công trình chờ vì thiếu vốn

Với tổng thiệt hại hơn 18 tỷ đồng, lũ tháng 3 đã khiến nhiều địa phương phải nặng gánh kinh phí sửa chữa, khắc phục nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới kịp thời trong vụ hè thu này.
 
Là một trong 5 công trình bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa đạt mức kỷ lục vào tháng 3 vừa qua, đập Đá Giăng- đập đảm nhận cung ứng nước tưới cho gần 100 ha lúa và hoa màu của xã Bình Minh (Bình Sơn) hiện đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ đập khi phần thân đập đã bị hư hỏng nặng nề. “Kinh phí sửa chữa ước tính lên đến 1,5 tỷ đồng, nhưng trước tính cấp thiết của dự án, nên địa phương đã ưu tiên bố trí vốn để sớm hoàn thành việc tu sửa trước mùa mưa bão”, ông Ngô Văn Dụng- Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Bình Sơn cho biết.
 
Xã Bình Dương (Bình Sơn) đã chi hơn 300 triệu đồng để tu sửa lại đập ngăn mặn.
Xã Bình Dương (Bình Sơn) đã chi hơn 300 triệu đồng để tu sửa lại đập ngăn mặn.


Còn tại huyện Trà Bồng, đến thời điểm này, địa phương tuy đã khắc phục được hầu hết các công trình thủy lợi bị hư hỏng trong đợt lũ bất thường vào tháng 3 vừa qua, nhưng riêng công trình đập nước Sen Bay Trên, thị trấn Trà Xuân phải chờ vì thiếu vốn. “Do tình trạng hư hỏng, sạt lở nặng, kinh phí dự kiến để sửa chữa đập lên đến hơn 1,5 tỷ đồng nên địa phương hiện vẫn đang chờ đợi sự hỗ trợ từ cấp trên”, ông Võ Sỹ Phi, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng, cho biết.

 Đập Sen Bay Trên nhận nhiệm vụ điều tiết, cung cấp nước tưới cho khoảng 70ha lúa thuộc nhiều xứ đồng của xã Trà Sơn và thị trấn Trà Xuân. Đối với một huyện miền núi, thì đây là diện tích lúa nước tương đối lớn nhưng vụ hè thu này, vì đập nước bất ngờ bị hư hỏng nên địa phương đành kêu gọi người dân đắp đập bổi và khơi dòng mới theo cách thủ công để dẫn nước về ruộng…

Công trình thủy lợi hư hỏng nhưng phải “bỏ ngỏ” vì thiếu kinh phí. Trong khi tình hình thời tiết nắng nóng vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” khiến công tác phòng, chống hạn, đảm bảo nguồn nước tưới cho vụ hè thu năm nay tại một số địa phương hết sức bị động.

 

Bài, ảnh: Ý THU

*Kỳ 2: Điệp khúc... đến "hạn" lại lo

 


.