(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2015 sẽ đầy thời cơ và thách thức khi nước ta ký kết và thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp chưa chủ động tiếp cận thông tin để xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Doanh nghiệp chưa chủ động
Theo ông Lương Hoàng Thái- Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) thành viên của Đoàn đàm phán quốc gia, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang tham gia đàm phán, ký kết và đang triển khai thực hiện 8 FTA, gồm: Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), FTA ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN - Ấn Độ, FTA ASEAN-Australia/New Zealand, FTA ASEAN - Hàn Quốc, FTA ASEAN - Nhật Bản và FTA Việt Nam – Chi Lê. Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán 7 FTA nữa, bao gồm: Hiệp định đối tác kinh tế khu vực RCEP (hay ASEAN+6), FTA ASEAN – Hồng Công (Trung Quốc), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam với các nước thuộc khối EFTA (Na Uy, Thụy Sỹ, Ai-xơ-len và Lich-ten-xtai), FTA với liên minh thuế quan Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-tan và FTA song phương với Hàn Quốc.
Doanh nghiệp rất cần thông tin hội nhập để xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp. |
Trong số 7 FTA này, 2 FTA (với liên minh thuế quan Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-tan và FTA song phương với Hàn Quốc) đã kết thúc quá trình đàm phán và đi vào rà soát pháp lý trước khi ký kết chính thức, 2 FTA (với EU và TPP) đang đi vào giai đoạn cuối cùng của tiến trình đàm phán.
Cùng một lúc, nước ta hội nhập với rất nhiều đối tác khác nhau, từ Châu Mỹ tới Châu Âu, Châu Á. Việc đàm phán đã khó, nhưng quan trọng hơn là chuẩn bị thế nào để tận dụng được cơ hội mới mở ra, cũng như ứng phó hiệu quả những thách thức nảy sinh. Do đó, quá trình chuẩn bị (như chọn đối tượng hợp tác, chọn thị trường nào…) sẽ ảnh hưởng quan trọng đến sự thành công của hội nhập.
Trong khi tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng với nhiều FTA đã và sẽ được thực thi, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh chưa chủ động tiếp cận thông tin. Thực tế, mặc dù Sở Công thương Quảng Ngãi đã tổ chức một số cuộc giới thiệu chính sách hội nhập, nhưng số người đi dự mỗi cuộc cũng chỉ vài chục người. Thậm chí không ít doanh nghiệp chỉ cử nhân viên đi dự. Trong khi đó, vai trò hiệp hội cũng chưa nổi bật trong việc làm cầu nối để doanh nghiệp hội viên tiếp cận thông tin.
Chính việc thiếu thông tin nên doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng hết những lợi thế về ưu đãi thuế quan do các FTA mang lại và đang bỏ lỡ nhiều cơ hội. Tại Quảng Ngãi, việc tận dụng lợi thế trên để xuất khẩu còn hạn chế. Thống kê của Ban quản lý các KCN tỉnh cho thấy, mỗi năm các doanh nghiệp trong các KCN chỉ làm khoảng hơn 100 giấy chứng nhận C/O mẫu D (Chứng nhận xuất xứ hàng hoá ASEAN của Việt Nam) cho hàng hóa xuất khẩu vào thị trường ASEAN. Nguyên nhân có thể là do doanh nghiệp nhận định chưa cần thiết hoặc chưa đến mức phải tìm hiểu những điều này. Họ cho rằng không được hưởng lợi ích mà là nhà nhập khẩu được hưởng…
Cần nỗ lực từ nhiều phía
Theo nhiều chuyên gia kinh tế thì, sự chuẩn bị trong nước chưa tương xứng với tình hình mới mẻ mà Việt Nam sắp phải đối mặt. Không ít doanh nghiệp chưa biết được các tình tiết cụ thể trong các hiệp định nên không biết chuẩn bị như thế nào. Một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của tỉnh cho hay, cho đến thời điểm này họ vẫn chưa nắm được lộ trình giảm thuế và những ưu đãi khi vào những thị trường mới mà Việt Nam đã ký kết.
Với các FTA, trọng tâm trong tự do hóa thương mại hàng hóa là việc đàm phán cắt giảm thuế nhập khẩu. Trong tất cả các FTA, các nước và các tổ chức đều hướng tới việc đưa ra cam kết với tất cả các mặt hàng trong biểu thuế. Cùng với đó là mở rộng thị trường dịch vụ, đầu tư và không phân biệt đối xử (giữa các nước với nhau và giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài). Do đó, đây là những thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong nước.
Ở góc độ của mình, nhiều doanh nghiệp cho rằng Nhà nước cần chủ động và linh hoạt hơn trong việc phổ biến các thông tin và lộ trình thực hiện các FTA để doanh nghiệp có các điều chỉnh hợp lý trong chiến lược sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu hiện nay, ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh, xây dựng những thương hiệu mạnh thì rất cần mở rộng cơ chế toàn diện về thông tin hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là những cơ hội, thách thức của những FTA mà Việt Nam đã, đang và chuẩn bị ký kết từ đó giúp doanh nghiệp và địa phương xây dựng chiến lược và giải pháp đối phó, chủ động hội nhập.
Ông Lương Hoàng Thái chia sẻ, nếu như trước đây cơ quan quản lý nhà nước là người cung cấp thông tin hội nhập cho các địa phương và doanh nghiệp về những yêu cầu của hội nhập, thì bây giờ với kinh nghiệm mà chúng ta đang chủ động đàm phán các FTA, để đạt hiệu quả cao nhất thì cơ quan quản lý nhà nước cũng rất cần thông tin từ phía doanh nghiệp và địa phương nhằm xác định những lợi thế, thế mạnh của từng vùng, khu vực và sản phẩm có lợi thế để đưa vào đàm phán đối với những thị trường xuất khẩu mà Việt Nam hướng đến, từ đó đảm bảo lợi ích cao nhất của chúng ta.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những khó khăn, nhưng chúng ta đã trải qua quá trình tập dượt, đã qua quá trình hội nhập WTO. Từ khi bắt đầu hội nhập, đến nay chúng ta đã có những bước tiến và kinh nghiệm nhất định. Thời gian chuẩn bị không còn nhiều. Vì thế, cần có biện pháp để cung cấp thông tin đầy đủ, có biện pháp hỗ trợ cần thiết để doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng được tốt các cơ hội do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.
Bài, ảnh: Hoàng Hà