"Phú nông" thời hội nhập

01:01, 10/01/2012
.

(QNg)- Bằng sự nhạy bén, năng động, mạnh dạn đưa những vật nuôi mới, xây dựng nhiều mô hình sản xuất phù hợp với nền kinh tế thị trường, những lão nông đã thành công và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Họ là điển hình của những "phú ông" thời hội nhập.  

Làm giàu từ nuôi "Con đặc sản"

Đến xóm 7, thôn An Bình, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) hỏi ông Bùi Tá Lợi nuôi nhím và heo rừng thì ai cũng biết. Bởi lẽ, ông không những là người biết làm giàu cho bản thân mình, mà còn giúp đỡ nhiều nông dân địa phương cùng thoát nghèo bằng cách hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cung ứng con giống…

Bên ấm trà nóng, câu chuyện làm giàu của lão nông 65 tuổi này thực sự cuốn hút tôi. Như khơi đúng mạch nguồn, câu chuyện về chăn nuôi nhím, heo rừng được ông Lợi nói một cách say sưa và cuốn hút: Chăn nuôi nhím, heo rừng không tốn công lao động, lại dễ nuôi, dễ bán, lợi nhuận cao. Đành rằng đầu tư ban đầu là hơi lớn so với mức thu nhập của những người nông dân.

 

Mô hình nuôi heo rừng của gia đình ông Bùi Tá Lợi.
Mô hình nuôi heo rừng của gia đình ông Bùi Tá Lợi.

Năm 2007, sau khi đi tham quan, học tập các mô hình kinh tế trang trại hiệu quả từ các địa phương trong và ngoài tỉnh, nhận thấy việc đầu tư chăn nuôi nhím và heo rừng phù hợp với điều kiện của gia đình và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên ông mạnh dạn lặn lội vào tận huyện Củ Chi (TP. HCM) để mua 3 con nhím giống (2 cái, 1 đực) với giá hơn chục triệu đồng. Riêng việc chọn mua heo rừng giống, ông cũng mất nhiều ngày ra tận Đà Nẵng tìm kiếm mới mua được 3 con heo giống ưng ý. Dành một khoảnh đất sau nhà, ông ngăn chuồng xây gạch, lợp mái che. Tận dụng vườn rộng, ông trồng các loại rau xanh, củ để tạo nguồn thức ăn cung cấp cho nhím, heo rừng.

Ông Lợi cho biết, lúc đầu ông không dám nuôi nhiều, chỉ dám mua về nuôi thử, bởi vốn ban đầu đầu tư khá lớn. Sau một thời gian ngắn đã thu lại được vốn và bắt đầu có lãi, có "đồng vào, đồng ra" ông mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm chuồng trại. Từ những con giống ban đầu ông bắt đầu nhân giống và bán con giống cho bà con. Giờ đây, gia đình ông Lợi là nơi cung cấp nhím giống, lợn rừng giống cho bà con trên địa bàn trong và ngoài huyện. Ông Lợi nhẩm tính, bình quân heo rừng giống giá từ 2,5 triệu - 3 triệu đồng/con; nhím giống từ 12 triệu- 13 triệu/cặp. Hằng năm từ số tiền bán con nhím giống và heo rừng gia đình ông thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.  

Ngoài việc phát triển chăn nuôi heo rừng, nhím, gia đình ông còn chăn nuôi heo sinh sản, nuôi cá... Hiện ông Lợi đang có kế hoạch, tìm hiểu để nuôi chồn hương.

“Lên hương” nhờ... chồn hương

Sau 4 năm bỏ công sức nuôi, đến nay số lượng chồn hương anh Hồ Duy Trung, ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) sở hữu hơn 50 con lớn nhỏ, trị giá hơn nửa tỷ đồng. Hỏi thăm mới biết giá bán một cặp chồn hương giống không dưới 15 triệu đồng. Thời gian gần đây, đã có rất nhiều người đến hỏi mua nhưng anh không bán.

Nói về cơ duyên đến với nghề nuôi chồn hương, anh Trung không giấu giếm: Đầu năm 2007, trên đường đi làm rẫy về, tình cờ mua được 2 con chồn hương con của một người dân tộc Hrê bắt được. Hơn 1 năm sau, cặp chồn này đẻ được 4 con. Thấy việc nuôi chồn khá dễ, anh quyết định gầy đàn. Anh Trung đầu tư xây dựng chuồng trại với quy mô lớn hơn. Sau hơn 4 năm, đàn chồn hương của anh không ngừng tăng lên, vào thời điểm cao nhất trên 60 con, với trọng lượng con nặng nhất trên 4 kg. Chồn hương đẻ một năm 2 lần vào mùa nắng ấm. Nuôi chồn hương rất dễ vì chúng ít bị dịch bệnh. Do ăn tạp nên chồn hương thường bị bệnh đường ruột, chỉ cần dùng thuốc thú y trộn với thức ăn cho chồn ăn là khỏi bệnh ngay. Bình thường thì chồn hương ăn thịt và quả tươi. Để chồn sung sức sinh sản, anh Trung cho ăn cháo trắng, chuối, lâu lâu cho ăn dặm cá và thịt tươi. "Lúc trước anh bán bớt 6 cặp với giá 15 triệu đồng mỗi cặp, chứ nếu như thời điểm bây giờ thì giá mỗi cặp phải 17-20 triệu đồng" Anh Trung bộc bạch.  

Biết đến mô hình nuôi chồn hương của anh, một số doanh nghiệp chế biến cà phê tìm đến anh Trung, để  tham quan và đặt vấn đề  làm cà phê chồn. Qua bàn bạc, anh đã nhận lời và tập cho 6 con chồn hương ăn trái cà phê. "Bình thường chúng chỉ ăn khoảng 15 đến 20% lượng cà phê cho ăn. Mỗi đêm chồn hương thải ra khoảng 0,5kg khô/con, anh thu được 28 kg phân cà phê chồn nguyên chất. Toàn bộ phân chồn thu được đem phơi khô và doanh nghiệp mua lại với giá cao không dưới 1 triệu đồng/kg"- anh Trung cho biết.

Với mô hình tiền tỷ của mình, nói về dự định sau này, anh Trung tâm sự: Với những kinh nghiệm đã tích lũy được anh sẽ phát triển đàn chồn hương, xây dựng thành trang trại cung cấp giống, thịt và sản xuất cà phê chồn.

Mô hình nuôi chồn hương của anh Trung đã và đang được nhiều hộ trong và ngoài tỉnh tới tham quan, học tập và làm theo. Điều đáng quý là anh luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm quý tích lũy được và tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho tất cả những người có nhu cầu tìm hiểu để cùng nhau phát triển kinh tế.


 Ngọc Đức

 


.