Vùng cao được mùa trà lúa sớm

08:04, 09/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các huyện miền núi Quảng Ngãi đã vào mùa gặt. Trà lúa đầu mùa được mùa đã mang đến niềm vui lớn cho những nông dân một nắng hai sương. Năng suất trà lúa đầu mùa đạt hơn mong đợi. Lúa đầy chòi. Nỗi lo giáp hạt vơi đi trong mỗi nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN

Lúa trong chòi nhiều hơn mùa trước

Sáng sớm, cánh đồng Làng Rê, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) rộn ràng đón ngày mới với hình ảnh từng đoàn người khiêng máy suốt, thúng, mủng, bạt… ra đồng gặt lúa.    

Vừa phải trải qua cơn lũ nghịch mùa nên nhiều mặt ruộng ở Sơn Kỳ còn sũng nước. Đàn bà nhanh tay gặt. Đàn ông vác lúa lên cao để suốt. Lúa cứ rào rào nhả hạt. Vơ những cọng lúa sát bờ hạt mọng như muốn cong cả lưỡi hái, bà Đinh Thị Vờ, thôn Làng Rê, xã Sơn Kỳ cho biết: “Lúa được mùa, nhà mình mừng lắm! Cái nồi không sợ thiếu gạo nấu nữa rồi”.
Với người nông dân Hrê, lúa là “ngọc”. Bởi thế dù một hóc nhỏ nếu có nước tưới thì người Hrê nhiều nơi cũng cố công khai hoang để gieo sạ lúa nước. Và cũng chính vì quý cây lúa nước mà trận lụt lịch sử 2013 dù sa bồi, đất đá phủ dày mặt ruộng cả mét mà nông dân vẫn hì hục cải tạo để gieo sạ. Cải tạo một mùa không xong, những mùa sau lại tiếp tục làm, để không thể mất ruộng, mất đi hạt lúa khi mùa gặt về.

Theo lịch thời vụ thì còn non tháng nữa mới vào mùa gặt lúa đông xuân. Thế nhưng với những chân đồng gieo ăn nước trời, bà con vùng cao Quảng Ngãi thường sạ sớm hơn lịch thời vụ. Vậy nên, khi lúa đồng bằng vẫn đang ngậm sữa thì nơi sơn cước mùa gặt đã bắt đầu. Gặt đến đâu, rạ rơm được phơi khô, chuyển về chất thành cây làm thức ăn cho trâu, bò đến đó. Còn lúa được sàng sảy sạch sẽ, phơi khô đưa về chòi cất giữ.

Niềm vui được mùa lúa của đồng bào Hrê thôn Làng Rê, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà).
Niềm vui được mùa lúa của đồng bào Hrê thôn Làng Rê, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà).


Với đồng bào Hrê, lúa được mùa không tính bằng tạ/ha mà cứ đám ruộng ấy mùa trước lưng chòi mùa này đầy ắp là được mùa hơn.

“Mùa trước đám ruộng này lúa chưa đầy chòi. Mùa này chòi đầy ắp mà vẫn dư ra ngoài 2 bao. Như thế là biết lúa được mùa hơn vụ trước rồi” – ông Đinh Cà Méo, thôn Làng Bung, xã Sơn Kỳ bộc bạch.

Giống lúa mới và kỹ thuật canh tác mới

Cả xã Sơn Kỳ vụ đông xuân gieo sạ hơn 250ha. Ông Đinh Xuân Bắc – Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ ước lượng: Năng suất bình quân khoảng 40 – 50 tạ/ha. Nhiều chân ruộng đạt năng suất đến 60 tạ/ha. Diện tích có phần bị thu hẹp hơn vụ đông xuân năm trước, do ruộng thiếu nước đã chuyển sang trồng mía, mì. Thế nhưng, sản lượng nhìn chung không giảm vì năng suất lúa vụ này khá cao.

“Nhờ tập huấn canh tác lúa nước nên bà con đã biết chọn giống năng suất, chất lượng để gieo sạ. Quá trình cây lúa sinh trưởng đảm bảo nước tưới, bón phân đúng cách nên năng suất ngày càng cao. Nhiều nông dân trình độ thấp vẫn thuộc lòng quy trình sản xuất lúa nước theo hướng cải tiến đấy” – ông Đinh Xuân Bắc hồ hởi cho biết.

Tại huyện Sơn Tây, vụ đông xuân này dù có nhiều cảnh báo thiếu nước, sâu bệnh nhưng năng suất trà lúa sớm vẫn vượt ngoài mong đợi. Một số chân ruộng đạt năng suất hơn 42 tạ/ha. Cánh đồng bậc thang triền sông Xà Lò thuộc xã Sơn Tinh, Sơn Màu đạt năng suất cao nhất huyện, với gần 50 tạ/ha.  

Ông Nguyễn Văn Chuyên- Phó Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây cho biết: Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp huyện đã cử cán bộ xuống tận ruộng hỗ trợ người dân kỹ thuật canh tác. Lúa giống cũng được cán bộ chọn giúp cho từng chân ruộng. Vì vậy rủi ro trong sản xuất lúa nước được hạn chế rất nhiều. “Nông dân thấy cán bộ hướng dẫn chọn giống, bón phân đúng cách lúa đạt năng suất cao. Giờ thì người Ca Dong Sơn Tây mê giống mới, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa nước lắm rồi!” – ông Chuyên nói.

Thành công của canh tác lúa nước ở vùng cao Quảng Ngãi có nhiều yếu tố tạo thành, nhưng trên hết là sự nhiệt thành của cán bộ nông nghiệp và mưu cầu no đủ của nông dân. Cứ mỗi trà lúa qua mùa gặt năng suất tăng lên lại đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nhận thức, ý thức về cuộc sống mới của người dân miền núi Quảng Ngãi.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.