Chủ động phòng trừ dịch bệnh cho lúa

03:02, 18/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, trong thời gian tới thời tiết sẽ tiếp tục có mưa, trời lạnh. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại sinh vật gây hại cho lúa đông xuân phát triển. Vì vậy, để tránh tình trạng chuột, sâu bệnh hoành hành trong dịp nghỉ Tết, ngành nông nghiệp đã cùng với nông dân chủ động các biện pháp phòng trừ.

TIN LIÊN QUAN

Sử dụng nhiều biện pháp diệt chuột

Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Trên khắp các cánh đồng, nông dân đã chủ động be bờ, bón phân, phun thuốc và sử dụng nhiều biện pháp diệt chuột để tránh các dịch hại cho lúa trong những ngày Tết. Bà Nguyễn Thị Nga, thôn An Điềm 2, xã Bình Chương (Bình Sơn) chia sẻ: “Tôi tranh thủ mua bạt khoanh mấy đám ruộng lại. Ở đây gần núi nên chuột nhiều lắm. Mọi năm không khoanh, ăn Tết xong ra thăm ruộng thì mấy đám lúa đã bị chuột cắn phá hết. Vì vậy bắt đầu từ năm ngoái, tôi mua bạt về khoanh. Năm nay 6 sào lúa tôi cũng đều khoanh bạt hết. Tuy mua bạt có tốn kém, nhưng thà mất một mà giữ được mười còn hơn là mất trắng”.

Nhiều nông dân dùng bạt khoanh ruộng để phòng chuột cắn phá lúa.
Nhiều nông dân dùng bạt khoanh ruộng để phòng chuột cắn phá lúa.


Thấy cách làm của bà Nga mang lại hiệu quả nên nhiều người xung quanh cũng làm theo. Trung bình một sào ruộng tốn 2kg bạt (khoảng 100 nghìn đồng). Ngoài dùng bạt để khoanh ruộng thì nông dân còn sử dụng nhiều biện pháp diệt chuột khác để bảo vệ ruộng lúa của mình như dùng bả sinh học, dùng bẫy...

Ông Phan Diệp-Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn cho hay: “Nhằm hạn chế thiệt hại do chuột gây ra đối với vụ sản xuất đông xuân 2014 - 2015, ngay từ đầu vụ các địa phương trong huyện đã phát động phong trào toàn dân ra quân diệt chuột bằng nhiều biện pháp thủ công kết hợp với dùng bả sinh học, nhằm hạn chế chuột tích lũy nguồn gây hại về sau. Đồng thời, tuyên truyền các địa phương duy trì phong trào diệt chuột liên tục bằng nhiều hình thức nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra đối với sản xuất”.

Chủ động phòng trừ sâu bệnh

Ông Dương Văn Tô-Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Năm nay thời gian nghỉ Tết dài. Tình hình thời tiết dự báo là tiếp tục có mưa, nhiệt độ có những ngày xuống thấp. Do đó, để tránh tình trạng sâu bệnh hoành hành, gây thiệt hại cho lúa, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời bơm thuốc cho lúa. Ngoài ra, những ngày lạnh bà con cần giữ nước trên mặt ruộng từ 2 - 3cm để lúa ấm chân, tăng khả năng chống lạnh.

Ông Tô cho biết thêm, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con không nên vì để an tâm ăn Tết mà bón phân hoặc phun thuốc phòng bệnh khi chưa đúng kỳ hoặc lúa chưa có dấu hiệu sâu bệnh. Bởi không phải giống lúa nào cũng có chu kỳ bón phân hay bơm thuốc giống nhau. Đặc biệt, nếu việc bơm thuốc, bón phân không đúng quy trình sẽ vô tình làm cho một số vi sinh vật có lợi cho sự phát triển của cây lúa bị tiêu diệt, trong khi đó sâu bệnh thì bùng phát thêm.

Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện nay, một số sâu bệnh gây hại chủ yếu là sâu cuốn lá, sâu năn và bệnh đạo ôn. Đây là các đối tượng gây hại đặc thù trong vụ đông xuân. Đặc biệt, từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2.2015, khi trà chính vụ đang giai đoạn đẻ nhánh – đứng cái, bệnh đạo ôn lá có khả năng phát sinh gây cháy lá trên diện rộng. Để phòng trừ tốt bệnh đạo ôn lá, bà con nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Khi phát hiện thấy có vết bệnh đạo ôn chớm xuất hiện trên lá lúa thì ngừng bón tất cả các loại phân, giữ nước thường xuyên trong ruộng 3 -4cm và dùng một trong các loại thuốc Beam 75WP, Tridozole 75WP, Fuji one  40EC, Ninja 35EC... để phun trừ. Nếu bệnh nặng thì cần phun kép lần thứ hai cách lần thứ nhất từ 7-10 ngày.

Ngoài ra, trong giai đoạn đầu vụ đông xuân 2014 - 2015 còn có các đối tượng sâu bệnh khác như bọ trĩ, dòi đục nõn, sâu cuốn lá nhỏ, tuyến trùng rễ, bệnh vàng lá sinh lý… phát sinh gây hại cục bộ trên các trà lúa. Vì vậy, các địa phương và bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi các dự báo tình hình sâu bệnh hại cây trồng 15 ngày/lần của Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi để chủ động phát hiện và phòng trừ kịp thời, không để sâu bệnh lây lan ra diện rộng, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của cây lúa.  

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.