Trồng rau trên đất quế

07:04, 12/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có một gia đình ở nơi heo hút giữa đại ngàn đã tự tay trồng gần 2 sào rau xanh, vừa để phục vụ bữa ăn trong gia đình, vừa bán kiếm tiền trang trải cho cuộc sống, đồng thời hướng dẫn cho người dân cùng trồng rau. Đó là câu chuyện trồng rau trên đất quế của vợ chồng bà Huỳnh Thị Kim Mai ở thôn Quế, xã Trà Bùi (Trà Bồng).

TIN LIÊN QUAN

Từ vườn rau cung cấp cho gia đình…

Lên thôn Quế, xã Trà Bùi (Trà Bồng) lập nghiệp hơn chục năm nay, vợ chồng bà Huỳnh Thị Kim Mai làm nghề buôn bán tạp hóa. Thôn Quế chỉ cách đường lớn chừng 5km, nhưng đường đi khá xấu, chủ yếu là dốc đứng, đá lởm chởm, không mấy thuận tiện cho việc đi lại. Vì thế việc giao thương rất khó khăn, mua bán thức ăn hằng ngày là chuyện khó, các chợ “di động” cũng không thể lên tới tận thôn. Giá thành cho thịt, cá, rau xanh lên đến thôn cũng khá đắt đỏ. Mong muốn có thêm rau xanh trong bữa ăn hằng ngày, bà Mai đã nảy ra ý định tự trồng rau. Rồi từ những lần đi lấy hàng, bà nhờ chồng mua thêm ít hạt giống. Ban đầu, vợ chồng bà tự vỡ mảnh đất nhỏ để trồng thêm vài loại rau như xà lách, rau lang, một số loại rau thơm… Bà Mai bảo: “Đất ở đây tốt lắm, trồng cây nào cũng xanh mướt, ban đầu mình chỉ trồng đủ phục vụ nhu cầu của gia đình thôi”.

Bà Mai thu hoạch bắp sú trong vườn nhà.
Bà Mai thu hoạch bắp sú trong vườn nhà.


Ấy thế mà suy nghĩ của bà Mai lại không dừng ở đó, cuối năm 2013 bà “khởi xướng” việc trồng bắp sú giữa đại ngàn. “Trên này mùa đông – xuân có khí hậu lạnh như trên Đà Lạt ấy, nên tôi nghĩ là có thể trồng bắp sú được. Trước giờ chưa ai trồng thì mình trồng thử, được thì có ăn, đỡ tốn tiền mua, dư thì bán cho bà con”, bà Mai cho biết. Nghĩ là làm, bà Mai mua hạt giống bắp sú về gieo trên vài chục mét vuông đất, sau mấy tháng, những cuộn bắp sú chắc nịch, tươi xanh hình thành dưới bàn tay chăm bón của vợ chồng bà. Khác với những nơi trồng rau xanh thường hay sử dụng các loại thuốc tăng trưởng hay thuốc trừ sâu, vườn bắp sú của bà Mai duy nhất chỉ có sử dụng phân chuồng để bón. “Mục đích chính là trồng để ăn nên mình không phun thuốc làm gì, chăm bón phân, bắt sâu là được, rau lại sạch sẽ”, bà Mai giải thích.  

Từ vụ mùa đầu tiên bội thu, năm nay vợ chồng bà Mai quyết định vỡ thêm đất trồng rau. Vụ bắp sú vừa qua ngoài việc dùng để ăn trong gia đình, còn lại bán trong dịp Tết. Bắp sú được bán với giá 10.000 – 12.000 đồng/kg, chỉ tính riêng tiền bán bắp sú vụ này bà Mai thu về trên 5 triệu đồng.  

Mô hình cần nhân rộng

Trong vườn ngoài trồng bắp sú, vợ chồng bà Mai còn trồng nhiều loại rau khác như: Đu đủ, đậu cô ve, thơm, bắp, gừng... Nhờ khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, lại chịu khó chăm sóc nên vườn rau của gia đình bà Mai phát triển rất tốt. Nhiều hộ đồng bào dân tộc Cor ở thôn Quế cũng đã “học tập” theo mô hình trồng rau của vợ chồng bà Mai. Một số hộ tận dụng đất vườn nhà, giăng lưới rào lại, cải tạo đất để trồng rau xanh, bắp sú… Hiện vườn rau của bà con bước đầu cũng đã cho kết quả khá tốt. Ông Hồ Ngọc Lâm - Trưởng thôn Quế cho biết: "Trước đây bà con ở đây không biết trồng rau, nguồn rau chủ yếu là hái trong rừng để phục vụ bữa ăn hằng ngày, thông thường bà con chỉ trồng thêm mướp, bí thôi. Thấy chị Mai trồng đủ các loại rau hiệu quả nên giờ cũng có một số bà con đã làm theo".

Bà Mai cho biết, bà sẽ tiếp tục nghiên cứu để trồng thêm nhiều loại rau, củ, quả nữa. “Tôi sẽ hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại rau cho bà con trong thôn nếu tôi “thử nghiệm” thành công”, bà Mai chia sẻ. Trồng rau sạch ngoài việc để sử dụng trong bữa ăn hằng ngày của gia đình, còn góp phần thay đổi tập quán trong ăn uống của đồng bào dân tộc thiểu số theo chiều hướng tốt hơn.

Đồng thời, nếu biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật và mở rộng diện tích thì đây cũng sẽ là hướng phát triển kinh tế giúp các hộ gia đình có thêm thu nhập, đặc biệt đối với các hộ đồng bào nghèo. Với thời tiết, khí hậu phù hợp với những loại cây trồng có đặc tính chịu lạnh như câp bắp sú thì ở thôn Quế có thể đưa thêm những giống cây tương tự về trồng và nhân rộng mô hình trên vùng đất núi này.  

Bài, ảnh: Xuân Hiếu
 


.