(Báo Quảng Ngãi)- Từ con số không về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đến nay Quảng Ngãi đã có gần 40 dự án đăng ký đến từ nhiều nước trên thế giới, với tổng vốn hơn 4 tỷ USD. Một kết quả ngoài mong đợi đối với một tỉnh nghèo như Quảng Ngãi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kết quả đạt được là rất khả quan, nhưng với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp thì Quảng Ngãi cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư để có thêm nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp sản xuất kinh doanh…
Tạo đột phá
Sau tái lập tỉnh (7.1989), xuất phát điểm về thu hút FDI đối với Quảng Ngãi hầu như không có gì. Nền kinh tế nghèo nàn, thiếu thốn và phụ thuộc phần lớn vào sản xuất nông nghiệp. Công nghiệp chưa phát triển. Thu hút FDI còn nằm trong mục tiêu... Đến năm 1995, toàn tỉnh có một doanh nghiệp FDI với vốn đầu tư chỉ 0,42 triệu USD. Điều này cho thấy, nền kinh tế nói chung vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong thu hút FDI.
Các sản phẩm công nghiệp “Made in Việt Nam” của doanh nghiệp FDI tại Quảng Ngãi xuất sang các nước trên thế giới. |
Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996 được ban hành thay thế cho Luật năm 1987, Quảng Ngãi có thêm hai dự án FDI được cấp phép, nhưng quy mô cũng thuộc diện nhỏ với tổng vốn đăng ký 3,78 triệu USD và hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, chế biến thủy sản. Chỉ từ năm 2005 đến nay, mới thực sự là giai đoạn thăng hoa trong thu hút đầu tư đối với Quảng Ngãi. Trong đó, giai đoạn 2006 - 2010, thu hút được 16 dự án mới, với tổng vốn đăng ký gần 3,8 tỷ USD. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu trong giai đoạn này là công nghiệp chế biến - chế tạo, dịch vụ hỗ trợ, vận tải kho bãi. Giai đoạn 2011 - 2014, tỉnh Quảng Ngãi thu hút được 18 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 320 triệu USD. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghiệp chế biến – chế tạo.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 35 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD. Hiện có 13 dự án đã đi vào hoạt động, 20 dự án đang triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư. Trong đó, KKT Dung Quất chiếm phần lớn nguồn vốn đầu tư với 24 dự án, tổng vốn đăng ký gần 4 tỷ USD. Phần còn lại là từ các KCN tỉnh có 7 dự án với vốn đăng ký gần 57 triệu USD. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp FDI đầu tư làm ăn bên ngoài các KCN, KKT với 4 dự án đầu tư cùng 28,24 triệu USD.
Chắp cánh cho “tỉnh công nghiệp”
Thành quả đạt được trong thu hút FDI đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh thu hút vốn FDI cao trong khu vực miền Trung, góp phần đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh trong những năm qua. Chỉ riêng trong ba tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp FDI đang hoạt động đã tạo ra hơn 22 triệu USD và nộp ngân sách gần 2 triệu USD.
Khu Công nghiệp- Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi. Ảnh: P.D |
Ngoài việc tạo nguồn thu lớn thì các doanh nghiệp FDI đang trở thành trung tâm giải quyết việc làm của tỉnh với hơn 8 nghìn lao động làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Đồng thời, đây cũng là nơi góp phần đào tạo cho tỉnh về nguồn nhân lực kỹ thuật; nhất là quá trình chuyển giao khoa học công nghệ để người Việt tự vận hành các nhà máy. Trong đó, đi đầu là Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan Vina, đang giải quyết khoảng 2.500 lao động và đào tạo các công nhân, kỹ sư Việt Nam tiếp cận công nghệ để sau này vận hành nhà máy mà hầu hết là con em Quảng Ngãi.
Theo ông Nguyễn Cao Phúc - Giám đốc Sở KH&ĐT, các doanh nghiệp FDI đã và đang đầu tư làm ăn tại Quảng Ngãi góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ cả về máy móc, thiết bị, tri thức và kinh nghiệm quản lý; góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Quảng Ngãi đang từng bước chuyển mình với những thành tựu hết sức lớn lao. Đặc biệt là đóng góp của các doanh nghiệp FDI. Cũng theo ông Phúc để đạt được những kết quả trên là nhờ tỉnh ta triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ mà Chính phủ đề ra cũng như tỉnh có những chính sách mời gọi, xúc tiến thu hút đầu tư. Đồng thời, có những ưu đãi lớn đối với các doanh nghiệp từ mặt bằng, thuế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, môi trường văn hóa xã hội lành mạnh để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Không chỉ tạo nguồn thu cho tỉnh mà các doanh nghiệp FDI còn đang trở thành kênh quảng bá hiệu quả cho Quảng Ngãi trong thu hút đầu tư cũng như tạo ra những sản phẩm “Made in Viet Nam” xuất đi khắp thế giới. Đây được xem là bước “lấy đà” quan trọng để các sản phẩm công nghiệp ra đời sau này trên quê hương núi Ấn sông Trà được nhiều bạn hàng trên thế giới biết đến. Mới đây, sự hiện diện của nhà đầu tư Singapore đầu tư Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP, thực sự đã tạo ra cho Quảng Ngãi một thương hiệu riêng trong thu hút đầu tư nước ngoài ở miền Trung và cả nước. Sau gần 2 năm khởi công, đến nay VSIP đã mang về cho tỉnh 9 dự án FDI và 1 dự án trong nước với vốn đầu tư lên đến hơn 164 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Cao Phúc, trải qua 25 năm, những thành quả đạt được trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thực sự là “đôi cánh” đưa Quảng Ngãi bay xa hơn trong tiến trình trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại trong tương lai.
Lê Đức