Có lợi thế vẫn khó thu hút FDI vào nông nghiệp

10:11, 06/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương phải đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, đến nay, việc thu hút nguồn vốn này vẫn còn bỏ ngỏ, dù có điều kiện…

TIN LIÊN QUAN


Quảng Ngãi là một tỉnh thuần nông và công nghiệp chỉ mới phát triển trong những năm gần đây. Do đó, ngành nông nghiệp vẫn còn chiếm một tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong đó, các loại cây lương thực như lúa, bắp, lạc, đậu... với diện tích, sản lượng hằng năm tương đối lớn. Còn hai loại cây nguyên liệu chủ lực phục vụ công nghiệp chế biến là mía và mì cũng tương đối ổn định với diện tích lên đến 28 nghìn ha. Điều này cho thấy, diện tích đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp là tương đối lớn và đủ cơ sở để chúng ta có một nền nông nghiệp phát triển bền vững cũng như thu hút được dòng vốn FDI từ các nhà đầu tư.

Nông dân xã Tịnh Châu, TP. Quảng Ngãi chăm sóc cây ớt.
Nông dân xã Tịnh Châu, TP. Quảng Ngãi chăm sóc cây ớt.


Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, các nhà đầu tư chủ yếu thường tập trung vào các dự án thu hồi vốn nhanh, nên đến nay dù tích cực mời gọi nhưng vẫn chưa có dự án FDI nào đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn còn sản xuất một cách giản đơn, chưa có sự bứt phá.

Theo ông Nguyễn Cao Phúc, Giám đốc Sở KH&ĐT, lợi thế của ngành nông nghiệp là có. Thế nhưng, Quảng Ngãi là một địa phương  thường xuyên bị tác động bởi các điều kiện tự nhiên gây thiệt hại lớn như bão, lũ, lốc xoáy; quy mô sản xuất, chăn nuôi trong lĩnh vực nông nghiệp còn ở mức nhỏ lẻ; phương thức sản xuất theo truyền thống, kỹ thuật giản đơn; các vùng sản xuất chưa được chuyên môn hóa với kết cấu hạ tầng đồng bộ… là nguyên nhân chính dẫn đến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại.

Ngoài ra, việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến còn lỏng lẻo, thiếu chế tài hữu hiệu quản lý các vùng sản xuất tập trung nên đã tạo ra sự cạnh tranh tùy tiện và cả độc quyền làm cho thị trường nguyên liệu nông sản không ổn định, dẫn đến không tạo được vùng nguyên liệu phát triển ổn định.

Bên cạnh đó, còn có những “nút thắt” khiến cho nông nghiệp – nông thôn trở thành “khu vực hẻo lánh” đối với FDI. Đó chính là chúng ta chưa có chiến lược, định hướng rõ ràng. Sản xuất nông nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro, trong khi lợi nhuận tương đối thấp so với các ngành công nghiệp. Cơ sở hạ tầng và tay nghề ở khu vực nông thôn chưa đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Quỹ đất tại các địa phương hạn chế, thiếu quy hoạch đồng bộ, không đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Chính sách thuế, thủ tục đầu tư và các chế độ ưu đãi trong nông nghiệp của các địa phương chưa rõ ràng…

Song song với phát triển công nghiệp, hướng đến tầm nhìn vào năm 2020 tỉnh ta cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, thì các cấp ngành cũng cần phải quan tâm đến việc tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo tiền đề ổn định cho nông nghiệp phát triển bền vững. “Bởi  nguyên nhân do hơn 2/3 dân số trên địa bàn tỉnh ta vẫn sống bằng nghề nông. Việc thu hút được các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ là bàn đạp hữu hiệu để trong tương lai không xa hai nền công nghiệp và nông nghiệp sẽ song hành” – ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ.

Cũng theo ông Tô, để làm được điều này trước tiên chúng ta cần chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản gắn với các hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ nông dân sang nhà đầu tư; quy hoạch việc sử dụng các loại đất của các dự án FDI trong nông nghiệp và xác định kế hoạch sử dụng đất lâu dài cho từng dự án. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các nhà đầu tư tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn đội ngũ lao động  cả về kiến thức ngoại ngữ, chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; phát triển hệ thống đào tạo nghề ở nông thôn, hệ thống khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, kiến thức kinh tế và kiến thức về thị trường cho người lao động tại chỗ, trong đó có lao động làm việc cho FDI...   

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.