(Báo Quảng Ngãi)- Xác định du lịch là một trong 2 ngành kinh tế mũi nhọn nên trong những năm gần đây, huyện Lý Sơn đã huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư hạ tầng, dịch vụ, vận động nhân dân làm du lịch cộng đồng... Cùng với đó là giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường một cách căn bản, nhằm hướng đến sự chuyên nghiệp, đưa Lý Sơn trở thành một điểm du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
Từ hạ tầng, phong cách phục vụ…
Theo thống kê của Phòng VHTT huyện Lý Sơn, trong 3 tháng đầu năm nay có 15.884 lượt khách đến tham quan đảo, tăng hơn 475% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng khách quốc tế đến đảo cũng tăng đáng kể, với 178 khách, trong khi những năm trước chỉ vài chục người. Điều này chứng tỏ, Lý Sơn đã và đang là một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Là địa chỉ bán vé tàu cao tốc tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn duy nhất tại TP. Quảng Ngãi (số 34 Nguyễn Nghiêm), những ngày gần đây, Công ty TNHH du lịch Thiên Phong đón rất nhiều khách đến đặt mua vé. Ông Lê Hồng Phong- Giám đốc điều hành công ty cho biết: “Vé những ngày này luôn trong tình trạng khan hiếm, vì nhu cầu khách đi tham quan đảo quá lớn, đặc biệt là dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 sắp đến”. Ngoài việc bán vé, công ty này còn khảo sát, liên kết với các chủ nhà nghỉ, khách sạn và dịch vụ trên đảo để xây dựng tour tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. “Những ngày cuối tuần gần như công ty không đáp ứng hết nhu cầu của khách. Tour du lịch khám phá Lý Sơn đang rất “hot”, vì thế chúng tôi đã đặt văn phòng đại diện ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để phục vụ du khách”, ông Phong nói.
Ngày càng có nhiều du khách chọn Lý Sơn làm điểm đến trong hành trình khám phá thiên nhiên. Ảnh: LÊ DANH |
Được khai trương chỉ cách đây gần một tháng, nhưng khách sạn Centrel Lý Sơn luôn trong tình trạng “cháy” phòng. Ông Trần Thành Đãi - Giám đốc khách sạn chia sẻ: “Nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu du khách, tôi đã đầu tư gần 25 tỷ đồng để xây khách sạn này. Đây là khách sạn đầu tiên trên đảo đạt tiêu chuẩn 3 sao, có thể đáp ứng tốt nhu cầu của những khách hàng khó tính”. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Lý Sơn có tổng cộng 17 khách sạn, nhà nghỉ và 20 hộ làm du lịch cộng đồng, giải quyết được nhu cầu lưu trú gần 1.000 người. Hiện nay, nhiều nhà nghỉ, khách sạn tiếp tục đầu tư xây dựng mới. Đáng chú ý là khách sạn tiêu chuẩn 4 sao của Tập đoàn Mường Thanh đang trong quá trình triển khai.
Vừa đặt chân lên đảo, anh Nguyễn Hữu Chung (40 tuổi), quê Nam Định, phấn khởi, nói: “Đây là lần thứ ba tôi đến Lý Sơn và thực sự vui khi thấy nơi đây thay đổi từng ngày. Hạ tầng, dịch vụ du lịch ngày càng bài bản hơn”. Một trong những nỗ lực nhằm hướng đến sự chuyên nghiệp của du lịch Lý Sơn là trong tháng 4 này, gần 40 người là chủ nhà nghỉ, khách sạn, người làm du lịch cộng đồng, nhân viên phục vụ, xe ôm…sẽ được tham gia lớp học về nghiệp vụ du lịch do các giảng viên chuyên ngành giảng dạy trong thời gian 2,5 tháng. Bên cạnh đó, UBND huyện Lý Sơn còn hình thành một đường dây nóng 24/24 giờ để kịp thời lắng nghe những phản ánh của du khách, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.
…Đến đảo xanh- sạch
Với lợi thế và tiềm năng du lịch biển, đảo nên Lý Sơn đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan. Tuy nhiên, để phát huy thế mạnh này, Lý Sơn đang gặp khó khăn trong vấn đề giải quyết môi trường. Với mật độ dân cư đông đúc (trung bình 2.000 người/km2) và hoạt động của các ngành kinh tế trên đảo đã nảy sinh những vấn đề về môi trường. Đó là, tình trạng khai thác cát trắng ven bờ để trồng hành tỏi, làm tăng khả năng xâm thực mặn, xói lở bờ biển.
Việc khoan giếng để lấy nước tưới cho nông nghiệp ngày càng nhiều cũng ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm và có nguy cơ nhiễm mặn cao. Chất thải sinh hoạt và các hoạt động kinh tế trên đảo chưa được thu gom, xử lý triệt để... gây ảnh hưởng không nhỏ đối với ngành du lịch, tạo ấn tượng không đẹp đối với du khách.
Vì thế, công tác xử lý, bảo vệ môi trường đã và đang được chính quyền ở huyện đảo quan tâm bằng nhiều giải pháp. Ông Trần Ngọc Nguyên – Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, thời điểm này, địa phương đang thống kê các hộ nghèo để đầu tư hỗ trợ nhà vệ sinh cho họ. Theo đó, có khoảng 300 hộ sẽ được hỗ trợ xây nhà vệ sinh. Ngoài ra, huyện còn xây dựng 3 nhà vệ sinh công cộng tại các điểm có đông người đến tham quan. Nguồn kinh phí đầu tư gần 10 tỷ đồng, từ nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước cho Quỹ phát triển Lý Sơn. Việc đầu tư theo hình thức trao tay, người dân trực tiếp giám sát và nhận công trình khi hoàn thành. Dự án sẽ hoàn thành trong quý III năm nay. “Chúng tôi xác định đây là sự hỗ trợ cần thiết, vừa giúp đỡ các gia đình khó khăn, vừa tuyên truyền cho nhân dân địa phương có ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác xuống biển, góp phần tạo cảnh quang sạch đẹp, thu hút khách du lịch đến tham quan”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Một giải pháp được xem là lâu dài và căn cơ nhất là đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân có ý thức bảo vệ môi trường. Huyện đang nỗ lực tuyên truyền cho người dân về cách phân loại rác thải ngay từ hộ gia đình nhằm thu gom rác có hiệu quả. Mục tiêu có 100% hộ gia đình trên đảo có nhà vệ sinh; tiến hành trồng cây xanh trên đảo, đầu tư nước sạch. Để chuẩn bị vận hành Nhà máy xử lý rác thải, ngành chức năng đã tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng phân loại rác thải cho 1.000 người dân trên đảo, đồng thời cấp phát 1.000 thùng đựng rác mini cho các hộ gia đình.
Huyện Lý Sơn đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 trở thành một huyện đảo phát triển, trở thành trung tâm kinh tế biển, với hai ngành mũi nhọn là thủy sản và du lịch. Xây dựng một Lý Sơn xanh, sạch, đẹp, trở thành một điểm du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn của tỉnh Quảng Ngãi và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
THIÊN-DANH