Mùa đót

11:04, 05/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến hẹn lại lên, vào tháng 2 âm lịch, đót trổ bông, đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi lại “vào mùa” kiếm thêm thu nhập.

TIN LIÊN QUAN

Có được “mùa vui”

Những ngày này về huyện Trà Bồng, đâu đâu chúng tôi cũng thấy bóng dáng của cây đót. Dừng chân tại cầu bắc qua sông Trà Bồng, dù buổi trưa nắng gắt, nhưng có hàng chục người lớn, trẻ nhỏ phơi đót. Anh Hồ Văn Lia (ở xã Trà Sơn) tay thoăn thoắt trải đót thành hàng thẳng tắp, hồ hởi nói:  “Thời tiết năm nay thuận lợi nên đót có thân đều, bông nhiều. Muốn cắt    được 50kg đót, phải đi từ sáng sớm, chiều tối mới về. Vất vả lắm nhưng bù lại kiếm được hơn 200 nghìn đồng để mua thức ăn cho cả nhà”.   

Đót được mùa, tạo thu nhập đáng kể cho người dân ở vùng cao.
Đót được mùa, tạo thu nhập đáng kể cho người dân ở vùng cao.


Đót là loại cây chống xói mòn tốt và cũng là cây góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào ở miền núi. Ngoài việc đi cắt đót rừng tự nhiên, nhiều hộ đồng bào người Cor tận dụng đất rẫy để trồng đót, đến kỳ thu hoạch kiếm tiền trang trải cuộc sống. Anh Hồ Văn Chung (ở thôn 3, xã Trà Thủy) đã  có gần chục năm hành nghề thu mua đót. Anh Chung cho biết: “Năm nay đót được mùa, nhưng giá thì như năm ngoái chứ không tăng. Mỗi mùa như vậy, tôi thu mua hàng chục tấn đót để phơi khô, chủ yếu cung cấp cho các cơ sở sản xuất chổi đót dưới các huyện đồng bằng”.

Người đi chặt, đi mua, người đi phơi đót thuê… Vùng cao trở nên đông vui khi vào mùa đót. Mọi người đều tranh thủ để kiếm thêm thu nhập. Tuy mang lại thu nhập thời vụ đáng kể cho bà con vùng cao, nhưng để có được những bó đót đẹp, những hộ đồng bào nơi đây phải nếm trải nhiều vất vả. Bởi đót mọc thành từng bụi ở nơi có độ dốc cao nên việc thu hoạch hết sức khó khăn. Những bàn tay rớm máu vì bị lá đót cứa, những vết trầy xước do trượt chân hay tay chân bị sưng vù do côn trùng cắn, là những trường hợp tôi bắt gặp người dân trên đường bứt đót trở về khi mặt trời đã khuất núi. Thế mới biết, có được “lộc rừng” này, bà con phải đánh đổi mồ hôi, công sức, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng mới có được “mùa vui”.

“Hái lộc” rừng, nhưng không bỏ học

Khác với một số huyện vùng cao khác, tình trạng học sinh các cấp học của huyện Trà Bồng vắng học sau Tết năm nay giảm hẳn. Theo số liệu của Phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng,  trong ngày 2.3 (ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại sau Tết) có 29 học sinh không đến lớp. Thế nhưng nhờ nỗ lực vận động của giáo viên và chính quyền, đoàn thể địa phương nên hầu hết học sinh đã đi học trở lại.

Gia cảnh khó khăn nên nhiều học sinh ở các xã vùng cao Trà Bồng tranh thủ thời gian sau buổi học, lặn lội lên rừng chặt đót để trang trải cuộc sống. Đội nắng giữa trưa để phơi đót, nhưng đối với em Hồ Văn Thanh (học sinh lớp 8 Trường THCS Trà Sơn) đã quá quen với việc này. Quệt mồ hôi đang chảy trên khuôn mặt, Hồ Văn Thanh bảo: “Em đi học buổi sáng. Còn từ trưa em đi bẻ đót đến chiều, tranh thủ buổi tối em mới ôn bài”. Thanh cho biết  mỗi ngày, ngoài thời gian học, em lên núi chặt khoảng 20kg đót, kiếm được 80 nghìn đồng”. Đây là số tiền mơ ước của nhiều học trò vùng cao để trang trải cho việc học.

Theo chân Thanh, đi dọc các bờ sông, chúng tôi tận mắt chứng kiến cả chục em ở lứa tuổi học sinh phơi đót giữa trưa nắng. Có em thân thể gầy nhom, vã mồ hôi vác bó đót trên vai mà vẫn nở nụ cười tươi. Dù cuộc sống khó khăn vất vả, nhưng các em vẫn tiếp tục đến trường để kiếm cái chữ với ước vọng thoát nghèo.

Ông Trần Minh Điệp- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng cho biết: Những năm trước, sau Tết học sinh thường nghỉ học ở nhà đi chặt đót. Nhưng năm nay đáng mừng là nhiều gia đình đã ý thức hơn đối với việc học của con em. Tình trạng vắng học sau Tết giảm hẳn. Có được kết quả trên ngoài nỗ lực trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào, để đảm bảo sĩ số học sinh ra lớp, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường học chủ động nắm chắc số học sinh có nguy cơ bỏ học để thường xuyên quan tâm, giúp đỡ. Bên cạnh đó cũng tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh, chính quyền các xã để có biện pháp huy động kịp thời. Mùa đót năm nay đã mang đến nhiều niềm vui cho người dân ở vùng cao Trà Bồng. Học sinh đi chặt đót nhưng vẫn không quên nhiệm vụ cắp sách đến trường.
      

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.