(Báo Quảng Ngãi)- Mới chớm hạ mà hạn đã khiến những dòng sông, con suối nơi đầu nguồn Tây Trà khô cạn. Cuộc sống của người dân ở đây đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ruộng hạn
Giữa tháng 3, cánh đồng thôn Trà Nga, xã Trà Phong lúa đã đỏ quạch vì thiếu nước. Khe suối, con mương đã không còn dẫn nước về đồng nữa bởi đầu nguồn đã bị “đứt mạch” rồi. Hạn làm cho những nông dân nơi đây thực sự lo lắng. Bà Hồ Thị Oi, thôn Trà Nga bảo: “Nhà cấy được có 2 đám lúa. Thế mà hạn nặng, lúa héo rồi. Chắc không hy vọng thu được lúa nhiều như mọi năm đâu!. Mình muốn kiếm nước cho lúa, nhưng chẳng biết làm sao cả”. Mỗi ngày bà Oi đều ra ruộng, nhưng chỉ đứng nhìn một lát rồi lại về…
Người dân Trà Nga, xã Trà Phong tự làm đường ống dẫn nước từ núi cao về làng nhưng nước yếu, không đủ dùng. |
Cả huyện Tây Trà chỉ có khoảng 510ha lúa nước, nhưng đến thời điểm hiện tại đã có hơn 80ha bị khô hạn nặng. Ông Trần Văn Mẹo – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Trà cho biết: Nắng nóng kéo dài cộng với nguồn nước dự trữ không có, rồi hệ thống kênh mương hư hỏng không có kinh phí khắc phục, sửa chữa nên khó có cách xoay xở giúp dân cứu lúa và cây trồng. “Huyện cử cán bộ về tận các khu dân cư bị hạn nặng hướng dẫn nhân dân dùng ống lồ ô, ống nhựa tìm nguồn nước mạch các khe suối để dẫn về cứu lúa, nhưng chỉ là giải pháp tình thế mà thôi” – ông Trần Văn Mẹo nói.
Hiện nay, trà lúa đông xuân ở Tây Trà đang vào giai đoạn đứng cái làm đòng. Việc thiếu nước tưới đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của lúa. Tất yếu năng suất lúa sẽ giảm sút đáng kể. Ông Trần Văn Mẹo cũng băn khoăn: “Đất đai ngày càng bạc màu, tập tục canh tác lạc hậu, cộng với hạn hán, việc đảm bảo an ninh lương thực trong vùng có thể khó đảm bảo”.
Huyện Tây Trà mặc dù đã được thành lập hơn 10 năm, song cả huyện đến nay vẫn chưa có cửa hàng phân bón, thuốc trừ sâu, vì một lẽ nông dân không có nhu cầu sử dụng các loại vật tư nông nghiệp này cho đồng ruộng. Ông Trần Văn Mẹo cũng cho rằng, nếu tình trạng hạn hán kéo dài thì năng suất vụ đông xuân của huyện sẽ không đạt kế hoạch đề ra. Còn vụ hè thu, sẽ có nhiều diện tích không cấy sạ được. Đối với một số diện tích cấy sạ được thì do không đảm bảo nước tưới cũng sẽ rơi vào tình trạng mất trắng.
Người thiếu nước
Theo tính toán của huyện Tây Trà, tình trạng hạn năm nay trên địa bàn sẽ gay gắt hơn những năm gần đây. Ngoài nguyên nhân khách quan là do biến đổi khí hậu, thì còn có nhiều nguyên nhân khác. Đó là các công trình thủy lợi do suất đầu tư thấp, công trình tạm bợ, nhiều công trình đến nay hư hỏng, không còn phát huy tác dụng nhưng chưa được đầu tư duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời. Đồng thời, tình trạng phá rừng nên nguồn nước đầu nguồn cũng bị cạn kiệt theo.
Ông Trần Văn Mẹo: Nắng nóng đã làm cho nguồn nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn thiếu hụt nghiêm trọng. Nhiều vùng, người dân phải đi cả nửa ngày đường để tìm khe suối, khơi thông, hứng nước về dùng. Hiện tại cả huyện có gần 950 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt. Việc đi tìm nguồn nước khó khăn, người dân phải cắt giảm tối đa nhu cầu nước sinh hoạt mặc dù phải bỏ nhiều công sức hơn cho việc tìm kiếm nguồn nước.
Trước tình trạng hạn hán bao vây cây trồng và cuộc sống thường nhật của rất đông người dân, nhưng khi hỏi về giải pháp nào để giúp dân ứng phó với tình trạng này, ông Trần Văn Mẹo cho biết: “Vẫn chủ yếu là vận động người dân tự xoay sở. Còn các giải pháp hỗ trợ khắc phục hệ thống nước thì mới chỉ lập, chứ khó lòng thực hiện được vì chưa có kinh phí”.
Dự lường trước tình trạng hạn hán trong mùa khô này sẽ nghiêm trọng hơn, huyện đã lập tờ trình gửi cơ quan có thẩm quyền xin kinh phí chống hạn cho cây trồng và đảm bảo nguồn nước cho người, gia súc. Trong đó, chống hạn là 3,8 tỷ đồng và đảm bảo nước sinh hoạt là 1,6 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay huyện vẫn chưa nhận được câu trả lời về việc này.
Bài, ảnh: THANH NHỊ