Làm giàu từ nuôi thỏ trên vùng đất khó

08:03, 31/03/2015
.

(Baoquangngai.vn)- An Hội Bắc 1 là thôn nghèo nhất của xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). Đất đai nơi đây cằn cỗi, chỉ độc canh cây lúa, nhưng với anh Nguyễn Văn Việt, nhờ ý chí và khao khát làm giàu, đã tìm được hướng đi mới. Nguồn thu nhập hơn trăm triệu đồng mỗi năm từ trại thỏ hàng trăm con giúp cuộc sống gia đình anh ngày một khấm khá.

TIN LIÊN QUAN

Tốt nghiệp trung cấp điện, anh Nguyễn Văn Việt (1979) vào Vũng Tàu mưu sinh. Gắn bó với nghề thợ cơ khí hơn chục năm, kinh nghiệm dày dạn giúp cho anh có được nguồn thu nhập khá cùng một cuộc sống ổn định. Nhưng cách đây 5 năm, cha anh bị tai biến. Nhà neo người, anh phải bỏ việc về quê chăm sóc cha già.

Hằng ngày, những công việc như đưa cha đi khám bệnh, nấu thuốc, tập vật lý trị liệu… chiếm hết thời gian của anh. Được khoảng một năm, khi đã quen dần với liệu trình điều trị của cha, anh mới bắt đầu có thời gian rảnh rỗi để suy nghĩ về hướng làm ăn của mình.

 

Mô hình nuôi thỏ của anh Việt mở ra hướng đi mới cho người dân nghèo thôn An Hội Bắc 1.
Mô hình nuôi thỏ của anh Việt mở ra hướng đi mới cho người dân nghèo thôn An Hội Bắc 1.


Mặc dù có trong tay nghề cơ khí nhưng anh không thể đi làm thuê bởi còn chăm sóc cha già. “Nhưng quanh đi quẩn lại, nhìn mảnh đất cằn cỗi trong vườn, chỉ có cây dại mới mọc nổi, không đêm nào tôi chợp mắt được”, anh Việt nhớ lại. Rồi anh xác định, trồng cây gì trên mảnh đất này quả thực là một bài toán quá khó, khi đất đai nơi đây không những bạc màu mà nguồn nước còn khan hiếm. Vậy là anh quyết định khởi nghiệp với việc chăn nuôi. Và con vật được anh lựa chọn là gà, một vật nuôi quen thuộc và được xem là dễ nuôi nhất.

Đã có lúc số gà anh Việt nuôi lên đến vài trăm con. Tưởng chừng nắm chắc trong tay thắng lợi, vậy mà chỉ sau một đợt dịch, anh lại trắng tay. “Nhưng thất bại không làm mình nản chí, mà chỉ xem đó là bài học kinh nghiệm. Nuôi gà tuy đơn giản nhưng lại phụ thuộc may rủi. Mình muốn tìm một vật nuôi mà nuôi đâu phải trúng đó”, anh Việt kể về quyết tâm lúc đó của mình.

Hỏi thăm nhiều mô hình chăn nuôi, một lần anh được bạn bè giới thiệu mô hình nuôi thỏ tại huyện Sơn Tịnh. Sau khi biết được thỏ là loài dễ nuôi, có đầu ra ổn định và quan trọng hơn cả là chúng chỉ cần ăn rau cỏ dại, điều này anh có thể tận dụng được lợi thế là mảnh vườn hoang hóa cỏ dại mọc um tùm của gia đình, anh Việt bắt tay vào nuôi ngay.

Chỉ với 10 con thỏ giống ban đầu, đến nay anh đã phát triển được đàn 50 con thỏ sinh sản. Sau mỗi lứa thỏ sinh sản, chăm sóc, trại thỏ của anh xuất ra thị trường khoảng 400 con thỏ thịt, mỗi con có trọng lượng trung bình 2kg.

Anh Việt cho biết, mặc dù xuất ra thị trường với số lượng tương đối lớn, nhưng anh vẫn không đáp ứng đủ đơn hàng của thương lái. Ngoài ra, đã nuôi được ba năm nhưng giá thịt hơi thương lái thu mua tại trại không hề giảm, luôn giữ ở mức 80 ngàn đồng/kg.

Về kinh nghiệm nuôi thỏ của bản thân, Anh Việt tận tình chia sẻ: “Thỏ có thể đẻ 1 tháng 1 lứa. Nhưng nếu đẻ dày quá sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thỏ mẹ, nên tôi cho thỏ đẻ 1 tháng rưỡi một lứa. Thỏ hay mắc bệnh tiêu chảy vì vậy cần lưu ý chăm sóc, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Thỏ mới đẻ từ một đến hai ngày cần được tiêm kháng sinh”.

Gắn bó với việc nuôi thỏ ba năm nay thành công, anh Việt đã tìm ra cho mình một hướng đi đầy triển vọng. Cũng nhờ đó, anh có thể sống yên vui bên cạnh gia đình, phụng dưỡng cha già, gắn bó với mảnh đất quê hương. Điều mà hơn chục năm trước anh chưa thể thực hiện được.

Đánh giá về mô hình nuôi thỏ của anh Nguyễn Văn Việt, ông Vũ Thành Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Kỳ cho biết: “Anh Việt là người có ý chí phấn đấu trong lao động, tích cực học hỏi các mô hình để phát triển kinh tế. Mô hình nuôi thỏ của anh Việt khá phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Chúng tôi đã  tổ chức cho bà con thăm quan, học tập cách làm của anh Việt, để từ đó có thể nhân rộng trên địa bàn. Hiện nay đã có 2 hộ học theo anh Việt nuôi thỏ và bước đầu đã có được thu nhập ổn định, đời sống bớt khó khăn”.
 

Bài, ảnh: T.HIỀN – H.THU
 


.