(Báo Quảng Ngãi)- Nuôi tôm chân trắng trên cát từng được kỳ vọng giúp người dân nghèo ở các xã bãi ngang ven biển của tỉnh “đổi đời”. Nhưng đến nay, sau nhiều năm thả nuôi đã mang đến cho người dân cảnh nợ nần chồng chất vì tôm nuôi nhiễm bệnh chết hàng loạt mà chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trên diện tích 43,5ha nuôi tôm dọc ven biển hơn 2km ở xã Đức Phong (Mộ Đức) lưa thưa một số người đang canh tác, diện tích hồ bỏ hoang ngày một tăng dần. Còn những đại lý bán thức ăn nuôi tôm một thời sôi động người ra, kẻ vào giờ cửa đóng, then cài. Ông Nguyễn Văn Tiền, ở xã Đức Phong- một trong số ít những người nuôi tôm còn trụ lại thở dài ngao ngán khi tôm nuôi trong hồ đã gần 2 tháng cứ chết dần, có ngày số lượng tôm chết đã lên đến gần chục kilôgam. Ông Tiền bảo: Tôm nuôi thả đâu chết đó, đìa nào cũng như đìa nấy. Ở đây bây giờ một trăm người chưa có một người nuôi được, bỏ ra tiền giống 30 triệu đồng cộng với tiền mua cả tấn thức ăn cho tôm mà chỉ thu được 2 tạ tôm, lỗ bảy, tám chục triệu đồng...”.
Trước khi thả tôm, người dân Đức Phong đã cải tạo hồ rất kỹ, nhưng tình trạng tôm chết hàng loạt vẫn thường xuyên xảy ra. Ảnh: PV |
Nuôi tôm trên cát từng là ước mơ làm giàu của gia đình ông Nguyễn Khắc Thọ, ở xã Đức Chánh nhưng hôm nay ông thực sự bế tắc khi nhìn thấy tôm chết liên tục mà không biết nguyên nhân. Ông Thọ cho biết: Trước khi thả tôm ông đã xử lý hồ nuôi đúng như quy trình bên kỹ thuật hướng dẫn, nhưng thả vào được 5 ngày là tôm chết sạch. “Và cũng may là nó chết sớm, chứ nuôi được một tháng trở lên mà chết thì nợ thêm tiền thức ăn, công chăm sóc...”, ông Thọ bảo.
Ông Đinh Văn Bé - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong cho biết: Nhiều năm qua, những hộ nuôi tôm và chính quyền cấp xã mong chờ các ngành chức năng vào cuộc nghiên cứu, hỗ trợ, giúp đỡ về mặt khoa học để vực dậy ngành nuôi trồng chủ lực của địa phương. Nhưng cho đến nay chưa có biện pháp, khuyến cáo nào có hiệu quả.
Hiện nay số người nuôi tôm đã giảm đáng kể, điển hình như xã Đức Phong có 117 hộ nuôi, nay chỉ còn 30 hộ. Xã Đức Minh trước đây có 100 hộ nuôi nay chỉ còn 10 hộ; các xã khác một số người dân đã đoạn tuyệt với con tôm, số lượng hồ bỏ hoang thì rất nhiều.
Giải thích cho nguyên nhân dẫn đến tôm nuôi chết hàng loạt, khiến người nuôi tôm điêu đứng, ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết có nhiều nguyên nhân như: Con giống do các đơn vị cung cấp không được kiểm định về chất lượng. Có thể trước khi thả nuôi, tôm đã bị nhiễm và ủ bệnh; việc chấp hành của người nông dân trong thực hiện quy trình kỹ thuật, thời vụ nuôi chưa được tốt.
Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho nghề nuôi tôm ở một số địa phương bị thất bại, đó là môi trường nuôi tôm bị suy thoái. Trước mắt, Sở NN&PTNT khuyến cáo bà con phải thay đổi quy trình nuôi bằng cách nuôi thưa, thả tôm đúng thời vụ, thực hiện việc canh tác theo cộng đồng, hạn chế tình trạng người này đang thả nuôi, người bên cạnh thu hoạch; đồng thời chuyển đổi thử nghiệm nuôi trồng xen canh một số loại thủy sản khác để thay đổi môi trường. Về lâu dài, phải cải tạo lại hạ tầng nuôi tôm, có hệ thống thủy lợi cung cấp nước ngọt, hệ thống xử lý nước thải nuôi tôm...
KHÁNH TOÀN