Mùa tết- mùa bán keo non

02:01, 31/01/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Cận Tết, người dân ở các huyện miền núi bước vào mùa thu hoạch keo rầm rộ. Đằng sau niềm vui có khoản tiền để lo tết là nỗi buồn bán đổ bán tháo keo non và nhiều hệ lụy khác.

TIN LIÊN QUAN


Bán keo non ăn Tết

“Keo còn nhỏ mà sao bán sớm vậy?”. “Sắp đến Tết rồi, bán kiếm tiền tiêu tết”- đó là câu trả lời rất vô tư của hầu hết người dân đang thu hoạch non các rừng keo nguyên liệu mà chúng tôi có dịp chuyện trò.

Dọc theo các tuyến đường từ miền xuôi lên miền ngược dễ thấy hình ảnh người dân rầm rộ thu hoạch keo non nguyên liệu trên các đồi núi. Nhiều cánh rừng mới hôm qua bạt ngàn xanh thẳm thì nay trơ trọi không còn một bóng cây.

Trò chuyện với một nhóm người đang khai thác keo ở bìa rừng đoạn qua xã Long Môn, huyện Minh Long chúng tôi được biết họ đang khai thác cho chủ rừng tên Lâm. Chủ rừng tên Lâm hớn hở khoe gia đình có 3 ha keo trồng chưa đầy 4 năm, thấy keo cũng lớn lớn nên thuê người thu hoạch kiếm tiền tiêu Tết. Anh Lâm đã bán được hơn 1 ha được 50 tấn với giá hơn 1 triệu đồng/tấn trừ mọi chi phí còn được một nửa.

“Nhà nước bảo 6-7 năm, tối thiểu là 5 năm hãy thu hoạch nhưng mình nghĩ 4 năm cây cũng lớn rồi. Rút ngắn thời gian để quay vòng nhanh vừa giải quyết được công lao động”- anh Lâm nói. Nhìn vào đống keo mà anh Lâm cho rằng đất tốt keo lớn rất nhanh chỉ bằng cổ tay thật xót.

 

Những đống gỗ
Những đống gỗ keo có đường kính chưa đầy 10 cm đã được người dân khai thác.


Không chỉ anh Lâm mà dọc đường ở các huyện Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Hà chúng tôi có dịp trò chuyện nhiều chủ rừng. Hầu hết bà con cho hay thu hoạch keo 4 năm tuổi để bán cho thương lái lấy tiền tiêu tết. Thiếu tiền trang trải cho sinh hoạt gia đình, nhiều hộ trồng rừng sẵn sàng bán rừng non dẫu biết rằng nếu để 2 năm nữa rừng keo này có thể cho họ thu nhập gấp 3 lần.

Tại thời điểm này, thương lái mua cho người dân hơn 1 triệu đồng. Mỗi ngày chủ rừng trả cho lao động từ 100 đến 120 nghìn đồng. Chủ rừng phấn khởi vì được khoản tiền lớn, người lao động cũng vui lây vì có công ăn việc làm. Người dân vừa thu hoạch keo xong đã đốt thực bì, dọn đất, xuống giống vụ tiếp theo.

Làm giàu cho thương lái

Ông Nguyễn Văn Thuần- Chủ tịch UBND huyện Minh Long phân trần: Nhà nước chỉ tuyên truyền, vận động chứ không thể buộc người dân thu hoạch đúng năm tuổi rừng. Theo người dân thì thu hoạch keo mùa này dân được lợi vì lượng nước trong keo cao nên keo được trọng lượng.

Mặc dù họ biết rất rõ lợi ích kinh tế sẽ tăng nếu kéo dài đúng chu kỳ, nhưng vẫn không ngần ngại bán rừng non. Ông Nguyễn Nị- Chủ tịch Hiệp Hội Dăm gỗ xuất khẩu Quảng Ngãi cho biết: Nếu rừng keo trồng đúng thời gian thu hoạch có thể cho đến 150 tấn/ha, còn cây non bán vào các nhà máy chất lượng thấp chỉ làm dăm gỗ chứ không thể làm nguyên liệu sản xuất.

Tại thời điểm này, giá keo tại các nhà máy thu mua 1,2 triệu đồng/tấn, còn thương lái thu mua hơn 1 triệu đồng. Người bán ung dung nghĩ mình được lợi nhưng thực chất cái lợi lớn hơn về túi tư thương.

Tôi có người quen là tài xế chở keo cho tư thương hơn 10 năm kinh nghiệm cho hay: Có hai cách mua mà các tư thương áp dụng hiện nay đó là khoán hoặc tự thu hoạch. Với kiểu khoán thì tư thương thường định khối lượng rất thấp, nếu không chủ rừng tự thu hoạch, chất lên xe cứ thế quy ra khối lượng. Một chiếc xe 10 tấn có thể chở đến 15 đến 20 tấn là chuyện bình thường nên chủ rừng không thể nào kiểm soát được. Cũng có người lấy hóa đơn của nhà máy làm chứng từ thanh toán.

 

Người dân đua nhau bán rừng non vô tình mang lại cho tư thương món hời lớn.
Người dân đua nhau bán rừng non vô tình mang lại cho thương lái món hời lớn.


Và nhiều hệ lụy

Không thể phủ nhận hiệu quả của cây keo mang lại cho công cuộc xói đói giảm nghèo, cũng nhờ cây keo mà hàng nghìn gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu, nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc hưởng lợi từ rừng chưa dự lường hết những tác hại ghê gớm.

Tình trạng khai thác rừng non bán cho các nhà máy dăm đã làm cho hiệu quả trồng rừng đạt thấp. Song việc phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ trồng keo rồi khai thác đồng loạt theo kiểu “tận diệt” đã gây ra nhiều hệ lụy đáng báo động như hạn hán, lũ lụt.

Chỉ sau một trận mưa lớn, những con đường khai thác keo trở thành đường dẫn lũ về làng, hàng trăm nghìn tấn đất đá bồi lắp ruộng đồng. Không có rừng giữ nước, các dòng sông lớn đã cạn dòng, nhiều nơi đã thiếu nước uống dù mới bước qua mùa xuân.

Nói như ông Trần Văn Sương- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, mấy chục năm sống ở Trà Bồng chưa bao giờ chịu cảnh thiếu nước uống mà mấy năm gần đây cứ đến mùa khô “điệp khúc” thiếu nước lại diễn ra.

Chuyện lũ lụt tàn phá vào mùa mưa, thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô đã thành vấn nạn của người dân nơi đây. Thiết nghĩ, trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu thì việc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng có chế tài quản lý, bảo vệ môi trường rừng gắn với đảm bảo quyền lợi của người trồng và an sinh xã hội là điều nên làm.



Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.