Làng bánh, mứt vào mùa

01:01, 23/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với người Việt, bánh, mứt truyền thống là những thứ không thể thiếu trong những ngày Tết. Trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm hòa quyện cùng mùi thơm lừng của mứt gừng, mứt dẻo, bánh nổ, bánh xốp… càng làm cho không khí Tết thêm ấm cúng. Những ngày này, về các làng bánh, mứt trong tỉnh không khí nhộn nhịp hẳn lên. Tất cả đều tất bật để cho ra những mẻ bánh, mứt phục vụ ngày Tết.

TIN LIÊN QUAN

Ông Tạ Minh Thuận ở xã Hành Phước (Nghĩa Hành) đã có thâm niên 30 năm làm nghề bánh mì xốp. Mỗi ngày ông Thuận xuất khoảng 3 – 4 nghìn chiếc bánh. Tháng giáp Tết thì số lượng tăng lên gấp đôi.

Làm mứt.
Làm mứt. Ảnh: NGÔ THANH BÌNH


Làm bánh mì xốp cũng giống như làm bánh thuẫn, phải đúng đường, đúng trứng, đủ lửa thì bánh mới nở.

Theo ông Thuận thì năm nay việc làm bánh truyền thống hoạt động sớm hơn mọi năm nửa tháng. “Thông thường mọi năm thì đầu tháng Chạp, gia đình tôi mới làm bánh bỏ Tết. Vậy mà năm nay mới giữa tháng 11, các mối hàng đã gọi điện đặt hàng nên tôi phải thuê thêm vài nhân công nữa để làm cho kịp”. Lý giải về điều này, ông Thuận cho rằng, tuy bánh truyền thống không đẹp, không đa dạng nhưng được cái thật, lại đậm chất truyền thống của người Việt.

Còn không khí tại lò làm bánh thuẫn của ông Bùi Đình Phùng, thôn Đông Thuận, xã Bình Trung (Bình Sơn) vào những ngày này cũng nhộn nhịp hẳn lên. Không chỉ có người lớn mà cả những đứa trẻ con trong xóm cũng tham gia vào việc làm bánh.

Thường thì gia đình ông Phùng chỉ làm khoảng 6 nghìn chiếc bánh, nhưng những ngày gần Tết thì số lượng tăng lên hơn 10 nghìn cái. Ông Phùng chia sẻ: “Để bánh được giòn và giữ được mùi thơm lâu, ngoài gừng, gia đình tôi sử dụng công thức cứ 2 trứng gà và 1 trứng vịt, đặc biệt dùng dầu phụng để xoa khuôn chứ không dùng mỡ động vật”. Chính vì thế, sản phẩm bánh Ba Phùng được rất nhiều người ưa chuộng. Bánh của ông được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước, Quảng Nam…

Các cung đoạn làm bánh mì xốp.
Các cung đoạn làm bánh mì xốp.


Không nhộn nhịp như những nơi khác, nhưng lò làm bánh mè cây của chị Võ Thị Thúy ở tổ dân phố Phú Vinh Tây, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) cũng luôn đỏ lửa.

Chị Thúy là người duy nhất ở Nghĩa Hành còn giữ được nét truyền thống của loại bánh này. So với các loại bánh truyền thống khác thì bánh mè cây được xếp vào hàng khó làm và tốn nhiều công nhất. Vì vậy dù rất muốn, nhưng chị Thúy vẫn không thể làm nhiều hơn 2 tạ nếp mỗi năm.

Mặc dù không làm thường xuyên nhưng bánh mè cây của chị Thúy đã được người dân nhiều nơi biết đến. Do vậy khách hàng thân thiết của chị ở khắp mọi nơi. Những người ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không có điều kiện về quê ăn tết cũng gọi điện để đặt hàng với số lượng lớn.

 Hiện bánh mè cây có giá tương đối cao, khoảng 130 nghìn đồng/kg nhưng vẫn luôn “cháy hàng”. Có những người tuy ở gần nhưng sợ đến Tết không có bánh để mua nên cũng vội đặt tiền cọc trước. Chị Thúy chia sẻ: “Làm gì cũng phải có cái tâm thì mới thành công được”.

Để có được những chiếc bánh mè cây thơm lừng, giòn, chỉ cần nhai nhẹ là bánh tan ra trong miệng quả thật rất khó. Bởi loại bánh này rất khó tính, chỉ cần sai sót một chút là chiếc bánh sẽ bị chai, cứng hay bị nát vụn.

Ngoài bánh mè cây thì chị Thúy còn làm thêm mứt gừng, mứt dẻo. Đây là những loại mứt được ưa chuộng trong những ngày Tết. Tuy thấy đơn giản, nhưng muốn có những mẻ mứt thơm, ngon, để được lâu, đặc biệt là không sử dụng chất tẩy trắng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là điều không dễ. Chỉ có những người có tâm và muốn giữ được nét truyền thống theo đúng nghĩa của nó thì mới làm được.


Bài, ảnh: HỒNG HOA




 


.