Baoquanngai.vn - Anh Huỳnh Ngọc Thành (43 tuổi) ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng từ lâu đã nổi tiếng ở địa phương khi chọn cách làm giàu từ đặc sản quê hương. Với hương liệu quế nức tiếng gần xa, anh đã tự mày mò nghiên cứu, thổi hồn vào những vật dụng anh làm ra và chắp cánh để những sản phẩm ấy vươn xa trên thị trường.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đến xưởng chế tạo sản phẩm quế của anh Thành trong những ngày mưa rét cuối năm, không khí lao động vẫn hừng hực khí thế quyện với mùi quế thơm lan tỏa khắp nơi. Từ những mảnh vỏ quế, thân quế vô tri vô giác với vóc dáng xù xì, qua bàn tay tài hoa của anh Thành, chúng trở thành những vật trang trí vô cùng giá trị. Một góc xưởng là nơi để những thành phẩm từ bình trà, lục bình, hộp đựng trang sức, hộp tăm… được làm từ quế, mùi thơm nhẹ nhàng mà lưu luyến mãi không thôi.
Người thường nhìn những sản phẩm quế ấy, ắt hẳn ai cũng sẽ trầm trồ ngạc nhiên. Nhưng hơn ai hết, chính người thợ làm ra, mới hiểu hết những thăng trầm và vất vả để tạo nên sức sống cho các sản phẩm. Anh Thành từ những ngày đầu là người nông dân chân chất với cảnh nghèo khó quanh năm, nay đã thực sự đổi đời với cây quế quê hương.
Anh Thành miệt mài để tạo ra những sản phẩm quế thơm nức và có giá trị nghệ thuật. |
Để làm ra những sản phẩm quế có sức hút mê hoặc, người thợ phải kỹ càng qua nhiều công đoạn. Từ việc lựa chọn mua vỏ, thân cây quế tươi về phơi khô. Sau đó, quế được nướng ép thẳng với nhiệt độ vừa phải. Lúc này, dưới bàn tay khéo léo của người thợ, việc vào keo, chế tác hết sức tỉ mỉ, những sản phẩm vô tri vô giác đã hóa thân thành những vật dụng có hồn và đẹp đẽ.
“Cũng may mình có bàn tay lành lặn và quyết tâm rằng, cây quế Trà Bồng rất quý hiếm và cần phải được biến hóa để nhiều người biết đến. Cách chế tạo thân, vỏ quế thành vật dụng trang trí, lưu niệm là cách tốt nhất để người tiêu dùng dang tay đón nhận”- anh Thành tâm sự.
Cứ như vậy, trải qua 10 năm lao động, xưởng quế của anh Thành từ chỗ chỉ có 1-2 người làm, nay đã phát triển đông đúc với hơn 15 công nhân có tay nghề cao. Điểm đặc biệt, nơi xưởng quế của anh, các lao động trước khi vào đây làm đều có hoàn cảnh khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định. Nhưng nay, các công nhân đều an tâm với kinh tế khá, đầu ra sản phẩm quế ngày càng mở rộng.
Gắn bó với nghề, nhiều công nhân có công ăn việc làm ổn định. |
Anh Nguyễn Văn Phi cũng đã gắn bó với xưởng quế của gia đình anh Thành hơn 3 năm nay. Với anh, từ ngày có công việc gắn với cây quế, cuộc đời dường như thay đổi. “Giờ lương tháng của em cũng được 5 triệu đồng/tháng. Với mức lương vậy thì em có thể xoay sở việc ăn học cho 2 con nhỏ và để dành được ít tiền tiết kiệm”- Anh Phi cho hay. Thế nhưng, cũng chính những công nhân trong xưởng cho biết rằng, anh Thành luôn đón nhận những hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên, không phải ai cũng có thể gắn bó với nghề.
Sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, với anh Thành, đó chính là chìa khóa dẫn đến thành công. Anh cũng luôn truyền đạt những điều này đến các công nhân. “Cây quế quê hương không bạc đãi ai bao giờ, nhưng để gắn bó và làm giàu với quế, thì phải hết sức kiên trì và cẩn trọng”- Anh Thành chia sẻ.
Hiện nay sản phẩm của anh Thành không chỉ tiêu thụ ở trong tỉnh mà còn được nhiều khách hàng trong cả nước biết đến. Trong đó, thị trường tiêu thụ mạnh nhất là ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tùy theo loại sản phẩm, nhưng chủ yếu các sản phẩm có giá từ 100 đến 300 nghìn đồng. “Ban đầu vấn đề đầu ra của sản phẩm cũng rất khó khăn, nhưng khi ai đã biết đến thì đều thích và muốn mua với số lượng nhiều. Hiện tại, đã có một số cửa hàng đặt sản phẩm để giới thiệu cho khách du lịch, vì vậy, tôi mong là sắp tới đầu ra sẽ được mở rộng. Sản phẩm từ vỏ quế tăng khoảng 30% giá trị so với vỏ quế thô, nên bình quân, mỗi tháng sau khi trừ chi phí, cơ sở thu khoảng 20-30 triệu đồng”- anh Thành cho biết.
Từ vỏ và thân quế, anh Huỳnh Ngọc Thành đã nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới lạ, tìm hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được việc làm cho lao động khó khăn ở địa phương. Với việc chế tạo ra các sản phẩm từ vỏ quế, anh thành đã góp phần khẳng định thương hiệu quế Trà Bồng ở mọi nơi.
Bài, ảnh: Thanh Phương