(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 3 tháng không sản xuất, đồng ruộng dày đặc cỏ dại, lúa chét, chuột và sâu bệnh… Vì vậy, hiện giờ nông dân khắp nơi trong tỉnh đã hối hả ra đồng để dọn cỏ, diệt chuột, cày đất phơi ải, đảm bảo xuống giống đúng lịch thời vụ…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mặc cho mưa phả vào người cùng cái lạnh buốt da buốt thịt của gió mùa đông bắc, nhưng lão nông Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Đức Nhuận (Mộ Đức) vẫn ra sức dọn cỏ dại, lúa chét đã cao quá đầu gối, vùi chúng xuống mặt ruộng. Cách làm này, theo lý giải của ông Hùng là “giúp gốc lúa chét, cỏ dại nhanh hoai mục để khi băm, đất sẽ được lật sâu hơn, ruộng vì thế cũng sạch và lúa sau này không bị lẫn”. Hơn nữa, thay vì bơm thuốc diệt cỏ như những hộ xung quanh, ông Hùng lại bỏ công đắp bờ giữ nước rồi dụ vịt chạy đồng đến ruộng để “vừa giẫm đất vừa ăn trứng ốc bươu vàng”.
Sau khi cắt cỏ dại, lúa chét, nhiều nông dân chọn cách cày ải để ruộng sạch. |
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Vân, ngụ thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) thì vừa dọn cỏ ngâm ruộng, vừa rải vôi để tiêu diệt sâu bệnh. Lý giải sự cẩn thận này, bà Vân bảo rằng vụ hè thu vừa rồi, gần 2 sào lúa bị nhiễm bệnh thối thân nên sản lượng thu được chẳng đáng là bao. Thế nên để tránh tình trạng thất thu trong vụ đông xuân này, bà Vân không chỉ cẩn trọng trong việc chọn giống, mà còn vệ sinh đồng ruộng thật kỹ.
Trái với sự bận rộn trên, nông dân các thôn Châu Thuận Nông, Phú Quý và Tân Đức của xã Bình Châu (Bình Sơn) lại thấp thỏm, rồi thở dài tiếc nuối khi nhìn tuyến kênh mương B1 đã hư lại khô quắt, khiến hơn 60ha diện tích ruộng ở đây phải bỏ hoang vì khát. Hẳn thế nên dù rất muốn đội mưa dọn cỏ, cày đất băm ruộng nhưng bà Trần Thị Nhung lại lo lúa chưa kịp lớn đã chết mặn hoặc khát. Nhưng “không làm thì tiếc lắm. Vì tôi thấy bà con miền núi phải lên núi kiếm đất trống trồng lúa. Còn mình thì ruộng bằng phẳng, gần đường, gần nhà mà phải bỏ hoang, thật phí!”, bà Nhung nói như than.
Dù nông dân đã nỗ lực, chủ động dọn đồng, mua giống để có một mùa bội thu nhưng hiện giờ, họ đang rất cần sự tiếp sức từ phía chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng. Trước hết là việc bố trí, sắp xếp máy băm đất.
Theo phản ánh của nông dân một số địa phương, trong khi họ đội mưa chịu lạnh để vệ sinh đồng ruộng, khơi thông kênh mương đảm bảo việc gieo sạ đúng lịch thời vụ thì lắm khi, những chủ máy băm đất lại khiến mọi nỗ lực của bà con trở thành công cốc. Chẳng là lâu nay, việc băm đất thường xảy ra tình trạng “ruộng thôn nào, các chủ máy thôn ấy đảm nhận”. Nhưng chẳng biết có phải vì diện tích xí phần quá nhiều nên chủ máy làm không xuể, hay do coi thường nông dân mà dù nước Thạch Nham đã về, lịch thời vụ đã cận kề nhưng nhiều diện tích vẫn nguyên mặt ruộng. Điều này khiến nông dân rất bức xúc vì “họ băm lấy tiền chứ có phải chúng tôi xin băm không đâu mà phải lên xuống cầu cạnh. Đã mất thời gian, xuống giống chậm lại rước thêm cái bực”, ông Phạm Minh, ngụ xã Bình Trung (Bình Sơn) bày tỏ.
Mặt khác là hiện giờ, nhiều tuyến kênh mương như N4 xã Phổ Hòa (Đức Phổ), 2A xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), S18-1 ở xã Đức Tân, Đức Thạnh (Mộ Đức)… bị hư hỏng hoặc sạt lở, bồi lấp phần cuối kênh nên mất khả năng dẫn nước. Điều này khiến nông dân thấp thỏm lo không biết liệu lúa có sống được đến khi bông chắc, hạt chín, hay lại chết khát giữa lúc chắc hạt khiến họ đã tốn công, lại mất tiền.
Chia sẻ lo lắng của nông dân, nhiều đại biểu đã chất vấn Sở NN&PTNT về nguyên nhân cũng như biện pháp giải quyết vấn đề này tại kỳ họp lần thứ 14 HĐND tỉnh khóa XI vừa qua. Theo đó dù Sở NN&PTNT hứa sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan là Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi và UBND các huyện Tư Nghĩa, Đức Phổ khẩn trương kiểm tra, khắc phục nhằm đảm bảo nước tưới cho diện tích lúa trong thời gian sớm nhất, nhưng nhiều nông dân vẫn bảo “chưa thể tin được”. Lý do theo bà Nguyễn Thị Lan, ngụ xã Đức Nhuận (Mộ Đức) là: “Lần nào tôi cũng nghe cán bộ hứa như thế nhưng nhiều năm rồi vẫn chưa thấy khắc phục”.
Quả thật, giữa lúc thời tiết có những biến đổi thất thường thì nông dân rất mong được chính quyền tiếp sức bằng cách sớm tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc để họ có thể gặt hái một mùa bội thu.
Bài, ảnh: MỸ HOA