Nâng giá trị gia tăng cho dăm gỗ

02:12, 01/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hàng loạt dự án chế biến sâu từ gỗ rừng trồng đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh là hướng đi mới của nhiều nhà đầu tư nhằm nâng giá trị gia tăng cho dăm gỗ, vốn lâu nay chỉ xuất khẩu thô.

TIN LIÊN QUAN

Cuối tháng 11, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam- Chi nhánh Quảng Ngãi và Công ty TNHH Thương mại sản xuất và dịch vụ Tân Thành Phú (thuộc Tập đoàn Hào Hưng) đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 100 tỷ đồng. Gói tín dụng sẽ được Tân Thành Phú đầu tư dự án Nhà máy sản xuất gỗ viên nén, với công suất mỗi năm 200 nghìn tấn gỗ viên nén. Đây là dự án sản xuất gỗ viên nén làm chất đốt sinh học thứ 2 được triển khai tại tỉnh Quảng Ngãi.

 

Việc xuất khẩu dăm gỗ sẽ hạn chế khi nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy viên nén gỗ và bột giấy.                    Ảnh: PV
Việc xuất khẩu dăm gỗ sẽ hạn chế khi nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy viên nén gỗ và bột giấy. Ảnh: PV


Trước đó, cũng trong năm 2014, Công ty Cổ phần Đức Phổ Xanh đã đầu tư 210 tỷ đồng xây dựng Nhà máy sản xuất viên nén sinh học Đức Phổ Xanh tại KCN Tịnh Phong. Quy mô Nhà máy sản xuất 200 nghìn tấn sản phẩm/năm, dự kiến hoàn thành (giai đoạn 1) và đi vào sản xuất trong tháng 7.2015. Ông Lê Hồng Hà-Phó trưởng Ban phụ trách Ban quản lý các KCN tỉnh cho hay, hiện nay viên nén gỗ ngày càng được sử dụng rộng trên thế giới. Việc đầu tư chế biến, xuất khẩu viên nén gỗ không những nâng giá trị gia tăng cho dăm gỗ, cũng như tận dụng hết phế phẩm của gỗ nguyên liệu mà còn giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu nguyên liệu gỗ trên địa bàn tỉnh vốn lâu nay chỉ xuất khẩu thô giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc”.

Ngoài 2 dự án nêu trên, Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Sơn Hà Xanh đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Sản xuất viên nén sinh học tại cụm công nghiệp Sơn Hạ (Sơn Hà). Và mới đây nhất, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho Tổng Công ty Vietracimex đầu tư Nhà máy sản xuất viên nén trên mặt bằng Nhà máy Bột – Giấy VNT19 tại KKT Dung Quất. Dự án này có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 456 tỷ đồng, công suất 120.000 tấn/năm; giai đoạn 2 mở rộng có công suất 380.000 tấn/năm, với tổng mức đầu tư 988 tỷ đồng.

Quảng Ngãi hiện là địa phương có diện tích rừng trồng  tương đối lớn so với các tỉnh. Khi các dự án này đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ được nguồn nguyên liệu dồi dào của địa phương, đồng thời gia tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Và điều đáng mừng nữa là cùng với việc đầu tư các Nhà máy chế biến viên nén sinh học, một số nhà đầu tư cũng đã đổ vốn đầu tư vào lĩnh vực chế biến bột giấy. Theo các nhà đầu tư thì để sản xuất được 1 tấn bột giấy cần 4 tấn dăm gỗ. Nhưng mỗi tấn bột giấy có giá 800 USD, cao hơn 6 lần so với giá bán 1 tấn dăm gỗ. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận.

Hiện nay dự án lớn nhất trong lĩnh vực chế biến bột giấy trên địa bàn tỉnh là Nhà máy Bột – Giấy VNT19 tại xã Bình Phước, thuộc địa bàn KKT Dung Quất. Dự án này do Tổng Công ty Vietracimex làm chủ đầu tư, với tổng vốn trên 7.900 tỷ đồng. Công suất thiết kế trong giai đoạn 1 là 250 nghìn tấn bột giấy tẩy trắng/năm. Ông Võ Nhật Tăng-Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vietracimex cho biết, hiện tại Công ty đang đặt hàng mua máy móc, thiết bị, công nghệ xử lý nước thải của Châu Âu để thực hiện dự án.  

Cũng tại Dung Quất, Tập đoàn JK (Ấn Độ) và Sojitz (Nhật Bản) đã lập liên doanh để xây dựng nhà máy bột giấy tại Khu kinh tế này. Nhà máy công suất 150.000 tấn mỗi năm, với tổng vốn đầu tư dự kiến 180 triệu USD. Ban quản lý KKT Dung Quất đã làm việc với nhà đầu tư để triển khai các bước tiếp theo của dự án này.

Việc đầu tư một số dự án chế biến sâu từ gỗ rừng trồng thời gian qua là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để cho các Nhà máy này phát triển bền vững, tỉnh cần quy hoạch phát triển rừng trồng, cân đối cấp phép các dự án đầu tư phù hợp với vùng nguyên liệu. Bởi bài học về sự ra đời hàng loạt nhà máy chế biến dăm gỗ trong khi nguồn nguyên liệu khan hiếm khiến cho các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ lao đao trong một vài năm gần đây vẫn còn đó.         
                                    

LINH KHA
 


.