Đập bồi lấp, dân khổ lây

08:11, 24/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa nắng thiếu nước, mùa mưa thấp thỏm sợ vỡ đập - đó là nỗi lo chung của hơn 100 hộ dân thôn Liên Trì, xã Bình Hiệp (Bình Sơn) kể từ khi đập Đồng Bình bị bồi lấp và thu hẹp lại hơn 2ha.

TIN LIÊN QUAN

Vật vạ mùa nắng, thấp thỏm mùa mưa

Đập chứa nước Đồng Bình có tổng diện tích trên 17ha từng là nơi cung cấp nước tưới cho gần 50ha đất sản xuất của hơn 100 hộ dân xóm Mỹ Tây, Mỹ Trung, Liên Mỹ, thôn Liên Trì. Tuy nhiên, ba năm trở lại đây do đập bị bồi lấp, lượng nước chứa giảm hẳn nên đập Đồng Bình chỉ có thể đảm bảo nước tưới vụ đông xuân, còn vụ hè thu thì người dân Liên Trì phải tự tìm nguồn nước khác.

Người dân đổ đất xuống lòng đập để cơi nới diện tích trồng keo
Người dân đổ đất xuống lòng đập để cơi nới diện tích trồng keo


“Cánh đồng Mỹ Tây trước đây vụ nào nước tưới cũng dồi dào, nhưng giờ bà con chúng tôi phải tự khoan giếng thì mới mong đủ nước tưới. Nhà tôi làm 6 sào ruộng nên phải bỏ ra 4 triệu đồng để khoan 2 cái giếng”, ông Phùng Duy Tiến cho biết. Không đành lòng bỏ hoang ruộng lúa, nên mặc dù nằm sát ngay dưới chân đập chứa nước, nhưng người dân xóm Mỹ Tây phải bỏ gần 150 triệu đồng để khoan hơn 70 cái giếng lấy nước sản xuất.

Không chỉ đối mặt với tình trạng thiếu nước vào mùa nắng, mà vào mùa mưa, các hộ dân sống dưới chân đập Đồng Bình còn đối diện với nguy cơ nước dâng, đập vỡ. Theo ông Lê Văn Đường - Bí thư Chi bộ thôn Liên Trì: “ Ba năm nay do lòng đập bị bồi lấp, nên đến mùa mưa bão, đập Đồng Bình không còn kham nổi lượng nước từ bốn phía đổ về. Nước dâng mấp mé bờ đập nên ban phòng chống lụt bão lúc nào cũng phải túc trực tại đây”. Dẫn chúng tôi đi xem nước rỉ ra từ chân đập, ông Đường lo âu: “Mưa chưa lớn mà nước đã thấm ra chân đập thế này. Lỡ đập vỡ thì không chỉ các hộ dân sống xung quanh đây, mà tuyến đường sắt ngay sát đập cũng có nguy cơ bị nước cuốn phăng”.

Bao giờ khắc phục?

Lý giải nguyên nhân chỉ trong ba năm mà đập Đồng Bình bị bồi lấp và thu hẹp hơn 2ha, ông Trần Trung Hậu - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp khẳng định: “Khi xây dựng cầu Sông Trường, địa phương đã tạo điều kiện cho đơn vị thi công đắp một tuyến đường đất qua đập để tiện cho việc vận chuyển vật liệu. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành cầu, đơn vị thi công không nạo vét, trả nguyên trạng. Vì vậy, cầu Sông Trường hoàn thành cũng là lúc đập Đồng Bình bị bồi lấp. Bức xúc về đơn vị thi công làm ẩu, gây ảnh hưởng đến công trình đập chứa nước Đồng Bình, người dân và UBND xã Bình Hiệp đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, nhưng đến nay vấn đề trên vẫn chưa được giải quyết.

Không chỉ bởi con đường, việc người dân trồng keo xung quanh đập Đồng Bình cũng là nguyên nhân khiến lòng đập ngày càng thu hẹp. Bởi cứ đến mùa thu hoạch keo, núi Đồng Bình bị “cạo trọc”. Chỉ cần vài trận mưa là đất đá trên núi lại sạt ngay xuống lòng đập. Rồi tình trạng người dân ngang nhiên đổ đất, cơi nới để trồng keo cũng là lý do khiến đập Đồng Bình giảm hơn 1/10 diện tích sau ba năm.

“Ngày trước, để làm được cái đập nước rộng gần 20ha này, cả thôn Liên Trì phải huy động sức người, sức của trong mấy năm ròng. Nên không thể vì đơn vị thi công không chịu nạo vét lòng đập mà làm ảnh hưởng đến đập nước, ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân”, các hộ dân thôn Liên Trì kiến nghị.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.