Làng hoa hy vọng

06:10, 08/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của cơn lũ lịch sử 2013, năm nay người trồng hoa ở hai xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Hà (Tư Nghĩa), nơi cung cấp cho thị trường hoa Tết lớn ở tỉnh ta đã có những phương án nhằm chủ động ứng phó với bão, lũ lớn. Họ hy vọng vào một vụ hoa Tết bội thu.

TIN LIÊN QUAN

    
Di chuyển đến nơi cao ráo

 Được xem là “thủ phủ” của hoa cúc chậu, vào những ngày này, người trồng hoa ở Nghĩa Hiệp đang tất bật xuống giống cho vụ hoa Tết Nguyên đán 2015. Cũng như nhiều hộ trồng hoa khác, tranh thủ tiết trời đang nắng ráo, gia đình ông Nguyễn Quân, thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp gấp gáp tưới nước, bón phân, trồng 700 chậu cúc pha lê. Không như những năm trước, lần này các chậu hoa được đặt ở vị trí cao ráo nhất trong vườn nhà.

 

Vụ hoa Tết năm nay, người trồng hoa ở xã Nghĩa Hiệp chủ động đặt chậu trồng hoa ở những nơi cao ráo, nhằm giảm thiệt hại khi có bão, lũ lớn.
Vụ hoa Tết năm nay, người trồng hoa ở xã Nghĩa Hiệp chủ động đặt chậu trồng hoa ở những nơi cao ráo, nhằm giảm thiệt hại khi có bão, lũ lớn.


Nhắc lại vụ hoa Tết năm ngoái, ông Quân chép miệng: “Năm ngoái lũ lên nhanh quá, nơi mình sinh sống lại là “vùng trũng”, nên gia đình không kịp trở tay. Mấy trăm chậu cúc bị chết do nước lũ nhấn chìm, may mà “cứu” được một ít, giá hoa lại đắt, nên cũng “vớt vát” lại được phần nào. Năm nay phải “tự vệ” thôi! Không thể mang vốn liếng ra đánh cược với ông trời được. Riêng khâu kỹ thuật thì người trồng hoa tụi tui nắm trong lòng bàn tay, chỉ mong trời chiều lòng người, thì sẽ có lãi”.  

Ông Trần Văn An- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết: “Năm nay, toàn xã có khoảng 400 hộ dân trồng hoa bán Tết, khoảng trên 20 ha, hầu hết đã xuống giống, số hộ trồng vẫn xấp xỉ như năm ngoái. Chúng tôi vẫn khuyên bà con lựa chọn những khoảnh đất cao ráo để trồng, tuy không thuận tiện trong việc chăm sóc, bảo vệ nhưng sẽ giảm đáng kể thiệt hại nếu có bão, lũ lớn xảy ra”.

Chủ động hơn về nguồn giống

Cúc pha lê hay đại đóa có nguồn giống từ Đà Lạt, được trồng nhiều nhất ở xã Nghĩa Hiệp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người dân đã biết cách nắm bắt được kỹ thuật nhân giống, giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho gia đình mình. Theo thông tin từ người dân, thông thường sau Tết Đoan Ngọ, người trồng hoa bắt đầu mua giống ở Đà Lạt, rồi tiến hành giâm ra đại trà, đến tầm giữa tháng 9, sẽ được cấy chiết, giống như mô hình keo lai giâm hom, trước khi được trồng vào chậu. Bà Lê Thị Thúy Yên, thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp chia sẻ: “Vì lý do thời tiết nên việc tự sản xuất nguồn giống là rất khó khăn. Gia đình trồng 800 chậu cúc pha lê, tự mua về với số lượng ít, rồi nhân giống lên, nên chỉ tốn 800 ngàn đồng tiền giống. Nếu mua toàn bộ số giống này mang về trồng, thì sẽ tốn kém gấp 3 lần”.

Không chỉ riêng Nghĩa Hiệp, mà người dân Nghĩa Hà cũng đang hối hả mua giống, làm đất, chuẩn bị xuống giống trong vụ hoa Tết năm nay, ông Trần Thanh Trạng- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà cho hay: “Toàn xã năm nay có khoảng 120 hộ trồng hoa, với diện tích khoảng hơn 30 ha. Chủ yếu là các loại hoa cúc vườn, lay ơn. Hy vọng, sau những thiệt hại trong cơn lũ lịch sử năm ngoái, làng hoa truyền thống Nghĩa Hà sẽ vươn dậy, đón một cái Tết đầm ấm, sung túc”.
      

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 


.