(Báo Quảng Ngãi)- Cuối năm sức mua trên thị trường tăng là thời cơ để hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại tràn vào thị trường. Với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, công tác ngăn chặn tình hình này, ổn định thị trường đang đặt ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Gia tăng vi phạm
Tình trạng buôn lậu, vận chuyển buôn bán hàng cấm, sản xuất – kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác mặc dù bị ngăn chặn song vẫn gia tăng. Thủ đoạn của các đối tượng này ngày càng tinh vi, tình hình diễn biến phức tạp, gây tác động xấu đến sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến mục tiêu bình ổn giá, ổn định thị trường trong tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389), 6 tháng đầu năm 2014, các cơ quan chức năng là thành viên Ban chỉ đạo đã tiến hành 910 vụ thanh tra, kiểm tra chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, phát hiện 874 vụ vi phạm. Qua đó, xử lý hành chính 662 vụ, đang tạm giữ 2 vụ chờ xác minh làm rõ để xử lý, nhắc nhở cảnh cáo 210 vụ. Số tiền xử phạt thu nộp ngân sách lên đến gần 18,5 tỷ đồng.
Trong đó, thanh tra chuyên ngành Sở KH&CN, NN&PTNT đã tiến hành 15 cuộc thanh tra chất lượng đo lường, sở hữu trí tuệ, ghi nhãn hàng hóa và chấp hành các quy định của nhà nước trong kinh doanh tại 774 doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh. Qua đó phát hiện 73 doanh nghiệp vi phạm (chiếm gần 10%), với một số hành vi vi phạm điển hình: 65 cân sức khỏe và huyết áp kế quá hạn kiểm định; 3 cột bơm xăng không đạt yêu cầu đo lường; 4 lô hàng đóng gói sẵn không đủ định lượng, 5 mẫu thực phẩm không đạt các chỉ tiêu công bố; 1 mẫu giống lúa không công bố hợp quy, 1 mẫu thức ăn chăn nuôi không đạt như chất lượng công bố của sản phẩm.
Các cơ quan chức năng khác đã thanh tra, kiểm tra phát hiện số vụ vi phạm lên đến 802 vụ, qua đó nhắc nhở 210 vụ, xử phạt 592 vụ, thu nộp hơn 3,3 tỷ đồng. Đặc biệt gia tăng mạnh là các hành vi gian lận thương mại về thuế, với số tiền xử phạt và truy thu lên đến hơn 13,3 tỷ đồng; truy hoàn thuế gần 2 tỷ đồng; giảm khấu trừ gần 1,5 tỷ đồng; giảm lỗ hơn 12 tỷ đồng; truy thu thuế các loại hơn 2,4 tỷ đồng; phạt về thuế gần 900 triệu đồng.
Đủ kiểu luồn lách
Công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại mặc dù được tăng cường ngăn chặn song thực tế vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, kết quả đạt được so với thực tế của tình hình thị trường chưa cao. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã xác định nguyên nhân và đang tìm cách khắc phục trong những tháng cuối năm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đinh Thị Loan yêu cầu: “Cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vào mùa cao điểm. Các thành viên Ban Chỉ đạo 389 phải xác định rõ nguyên nhân để có hướng khắc phục hiệu quả, ngăn chặn hàng lậu, ổn định thị trường, đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt”.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh nhận định: Tình hình hàng cấm, hàng lậu, hàng giả đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc chưa được kiểm tra, xử lý ngăn chặn từ đầu mối nhập khẩu ở cửa khẩu biên giới, cảng biển. Đến khi đã được chia nhỏ, phân tán vào sâu thị trường nội địa phải tốn nhiều thời gian, công sức để kiểm tra, xử lý nhưng hiệu quả đạt thấp.
Công tác thông tin, dự báo tình hình về thị trường và tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng chưa theo kịp diễn biến thực tế ngoài thị trường. Các doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, làm nhái phần lớn chưa chủ động hợp tác, kết hợp cùng cơ quan chức năng trong việc chống hàng giả sản phẩm của doanh nghiệp mình; chưa chú trọng thông tin giúp người tiêu dùng biết cách phân biệt hàng thật – hàng giả.
Tại các cảng biển trong tỉnh, theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, việc sang chiết cặp mạn buôn lậu dầu trên biển ngày càng diễn biến phức tạp. Mặc dù số lượng không lớn, chỉ khoảng 100 khối trở lại, chủ yếu theo tuyến Lý Sơn – Sa Kỳ - Dung Quất và ngược lại. Tuy nhiên, cách đối phó ngày càng tinh vi, tàu buôn lậu cặp mạn sang chiết dầu có thể vươn xa 15 đến 20 hải lý, nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Việc dán tem chống hàng giả cũng lắm gian truân. Cục Thuế tỉnh cho biết, tỉnh nhận về hơn 30.000 tem, nhưng chỉ “dán” được khoảng mấy ngàn, sau đó phải đem trả lại nơi phát hành. Nhiều mặt hàng quy định phải dán nhãn, nhất là mặt hàng rượu, chủ kinh doanh đối phó bằng cách báo cáo là hàng này hiện tại không bán. Song, thực tế là “cất” chờ thời cơ vào lúc cao điểm như Tết, lễ mới đem ra tiêu thụ.
Bài, ảnh: THANH NHỊ