(Báo Quảng Ngãi)- So với kế hoạch, Dự án Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ, TP.Quảng Ngãi (Dự án) chậm tiến độ gần 3 tháng. Điều này không chỉ khiến Dự án bị “đội” chi phí mà còn ảnh hưởng đến việc neo đậu trú bão của tàu thuyền cũng như kêu gọi đầu tư phần trên cạn…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2009 đến 30.6.2014 với tổng mức đầu tư trên 82,7 tỷ đồng (vốn ngân sách TƯ hơn 79,4 tỷ đồng) để xây dựng các hạng mục: Công trình thủy công (bến cập tàu, kè bãi cảng và các đoạn phía trước khu nước, khu nước của bến), công trình hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hậu cần nghề cá (tôn tạo bãi, làm đường giao thông, bể xử lý nước thải…). Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án chỉ thực hiện được 1/4 gói thầu và để hoàn thành, ước tính dự án phải “ngốn” thêm 28 tỷ đồng!
Đã chậm còn sai
Hiện giờ, Dự án chỉ mới mở thầu và thi công gói thầu số 6 thực hiện nạo vét luồng và khu nước đậu tàu, tôn tạo bãi; xây dựng đường bãi và bến cập tàu, kè bảo vệ bờ, phao tiêu báo hiệu với khối lượng công việc đạt 97,3%. Riêng 70m đường vào cảng và 80m kè phía tây cũng như toàn bộ các gói thầu 7, 8, 9 vẫn chưa tiến hành triển khai vì thiếu vốn cũng như vướng 8 hộ dân trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Chỉ một phần kè bảo vệ bờ hoàn thành, riêng kè phía tây vẫn còn bỏ ngỏ. |
Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được biết, ngoài chuyện tranh chấp quyền sử dụng đất thì người dân không đồng ý giao mặt bằng, cản trở thi công vì cho rằng ngành chức năng áp giá và chi trả tiền bồi thường chưa thỏa đáng; thậm chí sai đối tượng. Theo khiếu kiện của ông Võ Cảnh thì: “Phần diện tích đất được bồi thường cho bà Phạm Thị Hữu là thuộc quyền sở hữu của tôi. Cán bộ chưa điều tra kỹ đã trả cho bà Hữu hơn 47,6 triệu đồng. Giờ bà qua đời, con bà không chịu hợp tác xác minh đất thì ai chịu”. Còn ông Võ Đình Phu cũng cho rằng: “Trong quá trình thi công, dự án đã…lấn thêm diện tích đất của tôi mà không chịu bồi thường”, vì lý do ấy mà kè phía tây và tuyến đường vào cảng hiện vẫn còn bị “gãy khúc”!
Trong khi tiến độ thi công chậm vì… 8 hộ dân thì trong quá trình thực hiện dự án cũng để xảy ra nhiều sai sót. Ấy là dù nằm ngoài phương án bồi thường (PABT) đã được cấp trên phê duyệt, nhưng hơn 353,9 triệu đồng vẫn được giải ngân, chi đền bù cho người dân. Hậu quả là 131 triệu đồng “có khả năng đủ điều kiện để lập PABT bổ sung”, còn lại gần 223 triệu đồng thì phải…vận động người dân hoàn trả! Điều này khiến dư luận quan tâm đặt câu hỏi: Với những hộ đã qua đời như hộ Phạm Thị Hữu thì nhỡ khi xác minh nguồn gốc đất không thuộc quyền sở hữu của bà, ai sẽ chịu trách nhiệm hoàn lại số tiền đã chi trả sai trước đó? Đến bao giờ, số tiền chi sai này mới được thu hồi? Rồi việc xử lý các cá nhân, đơn vị sai phạm như thế nào?
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo nhận định của Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Huy Hoàng thì vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án là “không hề phức tạp”. Nhưng vì chính quyền cơ sở không tập trung giải quyết rốt ráo vấn đề nên mới xảy ra chuyện người dân khiếu nại, khiếu kiện và cản trở thi công. Cụ thể, nhiều hộ như ông Võ Đình Phu, Võ Hướng, Võ Ly bức xúc, nhiều lần gửi đơn khiếu nại yêu cầu UBND xã Tịnh Kỳ xác minh rõ nguồn gốc đất, cũng như đo đạc lại diện tích bị ảnh hưởng bởi dự án nhưng đến giờ, chính quyền vẫn chưa có văn bản trả lời. Đã thế, một số hộ dân dù được xác định là “không bị ảnh hưởng bởi dự án ” cũng rủ nhau cản trở thi công. “Rõ ràng, sự lỏng lẻo trong quản lý đất đai cũng như việc tắc trách trong cách giải quyết của UBND xã Tịnh Kỳ đã khiến vụ việc thêm phức tạp”, ông Hoàng khẳng định.
Đối với hơn 353,9 triệu đồng chi sai, ông Phan Huy Hoàng cho rằng: “Đó là do Hội đồng bồi thường huyện Sơn Tịnh (cũ) thực hiện việc đo đạc đất bị ảnh hưởng không chính xác, khiến diện tích vượt so với diện tích trong bản đồ giải thửa - tức tổng diện tích được đền bù thực tế lớn hơn diện tích mặt bằng dự án”. Có điều lạ là, vì sao trong quá trình đo đạc, Hội đồng bồi thường huyện Sơn Tịnh lại không kiểm tra, rà soát, rồi lập PABT trình phê duyệt mà tự ý chi trả tiền bồi thường? Thế mới có chuyện người dân so bì, rồi cản trở thi công vì “đất tôi nhiều mà họ trả ít tiền, còn đất người khác ít thì được nhiều tiền là sao”, ông Võ Đình Phu nói.
Bài, ảnh: MỸ HOA