(Báo Quảng Ngãi)- Cứ đến mùa mưa bão những người dân sống ven sông, suối, núi, biển lại lo sông lở, biển xâm thực, núi sạt; nhất là hiện giờ tình trạng này xảy ra với cường độ và tần suất mạnh hơn, hiểm nguy vì thế cũng cao hơn…
“Chúng tôi chỉ mong được yên ổn chứ không phải nhìn nước sông mà sống, rồi cứ có mưa là…chạy! Đã nhiều năm rồi, bà con trong thôn mong chờ chính quyền dựng kè chống sạt lở, hoặc kiếm chỗ nào an toàn rồi chuyển hẳn chúng tôi đến ở nhưng đến giờ, tâm nguyện ấy vẫn chưa thành hiện thực”, ông Võ Văn Thanh, ngụ KDC 17, thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) trải lòng.
Ám ảnh thiên tai
Mỗi khi nghe tin có áp thấp nhiệt đới, mưa bão hay nước sông Vệ trở màu đỏ đục, bà Lê Thị Lợi ở KDC 17, thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp lại buồn rười rượi, đêm ngủ thì giật mình thon thót. Nguyên do chỉ vì hàng tre phía trước dày đặc thuở nào giờ thưa thớt, còn con đường đất chi chít những vết lõm sâu; trong khi căn nhà của bà Lợi lại hướng mặt ra dòng sông Vệ và cách mép của nó chỉ trên dưới 30m. Ấy nên mỗi khi nhìn nước sông Vệ cuồn cuộn chảy, bà Lợi lại khắc khoải lo… tre mất, đường trôi. “Nếu nó mà bị nước cuốn nữa là nhà này cũng ra… sông luôn”, vừa nói, bà Lợi vừa chỉ vào hàng tre xập xệ, nửa trên bờ, nửa dưới nước.
Sông Vệ khoét sâu vào đường, uy hiếp tính mạng và tài sản của hơn 250 hộ dân KDC 17, 18 thôn Nghĩa Lập.. |
Sông Vệ hung thế, biển cũng chẳng vừa, thậm chí còn dữ hơn vì ngay cả trong mùa nắng, nó cũng có thể đập vào bờ những con sóng cao, hất bọt trắng xóa vào tận sân hoặc bếp nhà dân. Ấy nên dù đã gắn bó với biển từ bao đời nay, nhưng người dân thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn) vẫn thảng thốt mỗi khi nghe… sóng biển! Bởi, “nhà ở sát mép biển, mà chồng lại đi bạn dài ngày nên mỗi khi nghe tin biển động, mẹ con lại ôm nhau… thức. Nhiều khi thấy gió to sóng mạnh, tôi lại dắt con chạy vào xóm trong ở nhờ chứ sợ nó đánh sập nhà như năm 2009 lắm”, chị Đỗ Thị Tý ngụ xóm 2 chia sẻ. Không riêng chị Tý, nỗi lo “biển ngoạm, sóng phủ” cũng ám ảnh hơn 300 hộ dân sống dọc bờ biển thôn Thanh Thủy (chủ yếu là xóm Hải Hòa) và Phước Thiện. Hẳn thế nên khi mưa bão về, giấc ngủ của họ cũng chập chờn cùng những con sóng vỗ.
Còn với người dân miền núi, nỗi lo sạt lở dường như cũng chưa bao giờ dứt, thậm chí nó còn ám ảnh họ cả trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Nói như ông Hồ Văn Sơn, ngụ tổ 1, thôn Tây, xã Trà Sơn (Trà Bồng) thì: “Sống ở đây mấy chục mùa rẫy, nhưng mới đây mình mới thấy núi đổ đất xuống đường, may mà nó chưa lấp nhà. Ai nhìn cũng sợ”. Hẳn thế nên khi được chính quyền thông báo “gia đình mình nằm trong vùng nguy hiểm vì nguy cơ sạt lở núi”, ông Sơn đã xếp đồ, gác lúa lên cao để sẵn sàng... chạy khi có lệnh!
Mong được bình yên
Không chỉ người dân các khu vực trên mà hiện giờ, toàn tỉnh hiện có đến hơn 2.700 hộ sinh sống ở những điểm có nguy cơ cao về sạt lở núi, sông, suối và ảnh hưởng của triều cường cần được di dời. Có điều, việc này chỉ được thực hiện khi có nguy cơ xảy ra sự cố, chứ nếu di dời theo kiểu “chuyển nhà” để người dân an cư thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó phải kể đến kinh phí, độ an toàn, thuận lợi của vị trí và địa điểm nơi ở mới. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng muốn rời nhà, vì nói như ông Võ Văn Thanh, ngụ KDC 17, thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp thì: “Mỗi lần di dời cũng tốn kém lắm, mà đi chỗ khác thì tôi cũng không ưng vì ở đây quen rồi. Chi bằng Nhà nước đầu tư làm cho dân một cái kè chắc chắn để sông Vệ nó không lôi tre, xói đất nữa là được”.
Đồng quan điểm này, người dân thôn Phước Thiện, Thanh Thủy cũng mong mỏi “Nhà nước dựng cho chúng tôi cái kè y như chỗ thôn An Cường ấy”. Vậy nên Chủ tịch UBND xã Bình Hải Bùi Trạng mới nói rằng: “Giá như các vùng sạt lở trong xã đều được dựng kè như An Cường thì tốt quá. Nhưng mà để kè An Cường phát huy trọn vẹn hiệu quả, tôi nghĩ nên tiếp tục đầu tư xây dựng hết 150m còn lại sẽ bảo vệ nó khỏi bị nước “lột”, cũng như tránh tình trạng “xây chỗ này, lở chỗ kia”.
Có lẽ, một cái kè chắc chắn hay một lần di dời để mãi an cư là nguyện vọng của hơn 2.700 hộ dân trong tỉnh-những người cứ đến mùa mưa bão lại…lo vì phải sống trong vùng sạt lở hay bị ảnh hưởng của triều cường!
Bài, ảnh: MỸ HOA