Xây dựng khu liên hợp đô thị - Công nghiệp VSIP: Bài học từ Bình Dương

01:08, 05/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hạ tuần tháng 7.2014, Đoàn công tác gồm cán bộ lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và cơ quan Báo, Đài của tỉnh do Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Thanh Hải làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo VSIP Bình Dương. Qua các cuộc trao đổi và thực tế tại VSIP1 và VSIP2 của tỉnh Bình Dương đã có những bài học kinh nghiệm quý về quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thu hút đầu tư... vào các khu đô thị - công nghiệp VSIP này, có thể ứng dụng tại Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN

Thành công nối tiếp thành công

Ngày 14.5.1996, Bình Dương khởi công xây dựng khu công nghiệp VSIP 1 trên diện tích 500ha. Khu VSIP 1 đã nhanh chóng thu hút 220 dự án sản xuất kinh doanh, lấp đầy 100% diện tích. Sau thành công này, từ năm 2005, Bình Dương tiếp tục hợp tác xây dựng VSIP 2 với diện tích 2.045ha. Sau Bình Dương, VSIP mở rộng và xây dựng VSIP thứ ba tại tỉnh Bắc Ninh, VSIP thứ tư tại thành phố Hải Phòng và VSIP thứ năm tại tỉnh Quảng Ngãi.

 

Đồng chí Phạm Thanh Hải - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (thứ hai từ trái sang) tìm hiểu tình hình đền bù, tái định cư, hoán đổi nghề nghiệp của một hộ dân trong vùng dự án VSIP 2 Bình Dương.
Đồng chí Phạm Thanh Hải - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (thứ hai từ trái sang) tìm hiểu tình hình đền bù, tái định cư, hoán đổi nghề nghiệp của một hộ dân trong vùng dự án VSIP 2 Bình Dương.


Trong quá trình mở rộng, phát triển, VSIP đã chuyển từ khu công nghiệp truyền thống thành khu liên hợp đô thị - công nghiệp. Thực tế tại hai khu VSIP ở Bình Dương cho thấy, VSIP đã có sự quy hoạch tổng thể mang tầm quốc tế. Hạ tầng xây dựng khá đồng bộ, hiện đại, bền vững; thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài sản xuất giá trị gia tăng cao hơn. VSIP đã thực hiện được cam kết: “Phát triển dự án theo hướng sạch và xanh”.

Dọc ngang trong hai khu VSIP Bình Dương như đi trong một đô thị. Đường sá thênh thang, thẳng tắp, rợp bóng cây xanh. Nước thải công nghiệp được thu gom, xử lý trước khi thải ra môi trường… Yếu tố môi trường của khu đô thị xanh, sạch, đẹp, hiện đại của VSIP Bình Dương gần như lấn át hoàn toàn khu công nghiệp. Gần 20 năm qua, khi hợp tác đầu tư phát triển tại Việt Nam, VSIP luôn tự hào “là nơi làm việc lý tưởng cho người lao động, kỹ thuật viên, kỹ sư, các nhà quản lý và các chuyên gia”…

Ông Nguyễn Phú Thịnh  – Tổng Giám đốc VSIP Bình Dương cho rằng, các dự án VSIP có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC), giải quyết việc làm (GQVL) cho người dân. VSIP1 và VSIP2, của Bình Dương có tổng diện tích 2.545 ha đã thu hút trên 500 doanh nghiệp từ 24 quốc gia vào đầu tư, trong đó có những nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật, Thụy Sỹ, Singapore… Hai khu VSIP của Bình Dương đã giải quyết trên 100.000 lao động của địa phương và các tỉnh.

Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng có lợi

Về bồi thường GPMB, qua tiếp xúc, nhiều người dân cho rằng: “Đền bù thỏa đáng và có lợi cho dân”. Một nông dân cho biết, hộ của ông bị thu hồi 10.000m2 vuông cao su, được bồi thường về đất, nhà và các khoản hỗ trợ khác trên 3 tỷ đồng. Số tiền đó, ông đã mua lại trang trại cao su với diện tích nhiều hơn, xây dựng nhà cửa khang trang, mua ô tô sử dụng trong gia đình. Ngoài nhận đất tái định cư, ông còn được mua lại diện tích đất nền ưu đãi với diện tích bằng 11% diện tích đất bị thu hồi. Số đất nền này ông có thể cho con cháu, hoặc sang nhượng. Tính ra, người bị thu hồi đất “lợi kép”.

Hạ tầng kỹ thuật tại các khu TĐC phục vụ Dự án VSIP ở Bình Dương khá đồng bộ và hiện đại. Người dân vào xây dựng nhà cửa ở khu TĐC như vào sinh sống tại một tiểu đô thị.  Tại khu TĐC, người dân có thể mở dịch vụ sinh sống hoặc tiếp tục làm trang trại ở khu vực mới mà họ mua lại từ tiền đền bù thu hồi đất sản xuất. Ngoài ra, con em họ là những đối tượng được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc ở nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp. Vì vậy, đời sống, việc làm của gia đình họ khá ổn định.

Đối với những hộ dân chờ xây dựng nhà cửa mới di dời, VSIP cho họ mượn tạm nhà để ở. Hoặc những hộ dân yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn không thể xây dựng nhà, VSIP bố trí cho họ ở luôn nhà của VSIP xây trong khu tái định cư và tạo điều kiện giải quyết việc làm cho con em của họ… Những chính sách an sinh xã hội này của VSIP Bình Dương nhận được sự cảm kích của người dân trong vùng dự án.

Đối với doanh nghiệp và Nhà nước, nhờ có mặt bằng sạch, VSIP có điều kiện đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, thu hút nhà đầu tư. Đối với tỉnh, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Phú Thịnh, các khu VSIP đã góp phần tích cực đưa công nghiệp chiếm đến 96% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Dương. Khi công nghiệp phát triển thì việc giải quyết việc làm cho người dân thuận lợi. Nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển mà thu ngân sách của Bình dương tăng lên trên 35.000 tỷ đồng (năm 2013); đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống 0%... Bình Dương trở thành điểm rất sáng trong phát triển công nghiệp và đô thị của cả nước.

Vài suy ngẫm đối với Quảng Ngãi

Ông An Thony Tân - Tổng Giám đốc VSIP Quảng Ngãi cho biết: Tiến độ xây dựng VSIP Quảng Ngãi là rất nhanh. Sau gần một năm, VSIP Quảng Ngãi đã có 7 nhà đầu tư được cấp phép và tiến hành xây dựng nhà máy, xí nghiệp chuẩn bị đi vào hoạt động. VSIP đã tuyển dụng một số con em của Quảng Ngãi vào làm việc tại đơn vị. Khả năng giải quyết việc làm cho người lao động trong khu đô thị - công nghiệp VSIP Quảng Ngãi là rất lớn. VSIP Quảng Ngãi sẽ thực hiện tốt cam kết với lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi là kêu gọi đầu tư hiệu quả, bảo vệ môi trường, góp phần cải thiện đời sống nhân dân trong vùng dự án.

  Nhà xã hội giá rẻ ở Bình Dương đã góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở của người lao động thu nhập thấp.                 Ảnh: THANH TOÀN
Nhà xã hội giá rẻ ở Bình Dương đã góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở của người lao động thu nhập thấp. Ảnh: THANH TOÀN


Theo ông An Thony Tân, Khu tái định cư  Thế Long do VSIP trực tiếp xây dựng đã hoàn thành. Đây là khu TĐC đẹp và dễ phát triển loại hình dịch vụ. Tuy nhiên, trong vùng dự án hiện còn một số hộ dân chưa di dời và việc xây dựng các khu TĐC khác chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của VSIP Quảng Ngãi.  

Sau chuyến thực tế tại VSIP Bình Dương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Thanh Hải cho rằng: Từ khâu quy hoạch, tổ chức quản lý, xây dựng theo quy hoạch của VSIP Bình Dương rất bài bản. Điều đáng ghi nhận và thành công lớn nhất là việc kêu gọi đầu tư vào hai khu VSIP này. Đặc biệt là môi trường ở các khu VSIP rất tốt. Quá trình giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư… nhận được sự đồng tình của người dân. Qua thực tế, một vấn đề đặt ra là giữa VSIP, ngành lao động – thương binh – xã hội tỉnh, huyện Sơn Tịnh cần “ngồi lại với nhau” trong việc dự báo nhu cầu lao động, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân trong vùng dự án…

Đối với Quảng Ngãi, nhiều năm qua đã thực hiện một số dự án lớn, nhất là việc giải tỏa, đền bù, di dời dân với quy mô lớn phục vụ xây dựng KCN, KKT Dung Quất. Vì vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh đã ít nhiều rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác này để phục vụ tốt hơn cho Dự án VSIP hiện nay cũng như mở rộng KKT Dung Quất thời gian đến. Các cơ quan chức năng cần tham khảo thêm cách làm, hình thức áp dụng của các tỉnh, thành phố để tham mưu tốt hơn cho UBND tỉnh trong việc ban hành những cơ chế, chính sách thông thoáng hơn; việc đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng khoa học, hợp lòng dân hơn. Tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp cũng như chỉnh trang đô thị, cải tạo, nâng cấp mạng lưới giao thông, xây dựng công trình cộng cộng....

Các doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Ngãi hiện nay hay phàn nàn là ngành nghề đào tạo không theo sát nhu cầu thực tế; công nhân còn làm việc theo kiểu nông dân, tác phong công nghiệp không đảm bảo; một vài hộ dân yêu sách phi lý, gây cản trở tiến độ dự án… Đây là những vấn đề cần sớm tháo gỡ để các dự án đầu tư nói chung và VSIP Quảng Ngãi nói riêng có thêm điều kiện thuận lợi để triển khai.

 

Bài, ảnh: THANH TOÀN
  
 


.