Vực dậy cây quế Trà Bồng

02:08, 24/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quế Trà Bồng là một trong những đặc sản được xác lập kỷ lục Châu Á. Thế nhưng, giai đoạn 2008 -  2011, nhiều địa phương ở  Trà Bồng “quay lưng” với cây quế để trồng các cây lâm nghiệp khác hiệu quả kinh tế cao hơn.  Những năm gần đây, nhờ các chính sách 30a, 135 của Chính phủ,  Trà Bồng từng bước vực dậy và phát triển cây quế...

TIN LIÊN QUAN

Một thời lao đao

Giai đoạn 2008 – 2011, người dân Trà Bồng đã chuyển một số đất trồng quế sang trồng keo vì keo cho thu nhập cao. Mặt khác, nguyên nhân dẫn đến diện tích quế bị thu hẹp là vì thời điểm này giá quế giảm xuống rất thấp và việc thu hoạch, bán cho các cơ sở chế biến của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Hồ Văn Cảnh, thôn 3, xã Trà Thủy (Trà Bồng) cho biết: “Lúc đó, giá quế tụt xuống đến chóng mặt, chỉ còn 3 đến 6 ngàn đồng/kg, trong khi cây keo thì rất được giá. Một cây quế giá trị chỉ bằng một phần mười cây keo nên chúng tôi không còn thiết tha với cây quế nữa và chuyển sang trồng keo. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không phá hết diện tích quế, vẫn trồng nhưng với diện tích rất ít so với trước kia”.

 

Ông Hồ Văn Luận, xã Trà Hiệp phấn khởi trước rừng quế đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển tốt .
Ông Hồ Văn Luận, xã Trà Hiệp phấn khởi trước rừng quế đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển tốt .


Trước đây, diện tích quế ở Trà Bồng có lúc lên đến 10.000ha. Thế nhưng, khi quế rớt giá và những cây trồng khác phát triển thì diện tích quế bị giảm xuống rất nhiều. Có năm, tổng diện tích toàn huyện chỉ còn hơn 3.000ha.

 Theo ông Hồ Văn Khương, thôn 2, xã Trà Thủy: “Thấy ít tốn công lại dễ trồng nên gia đình tôi trồng gần chục hécta keo trên diện tích trồng quế trước đó. Đến lúc thu hoạch giá cao nên ai cũng muốn trồng keo. So với keo thì quế tốn nhiều thời gian hơn. Từ khi trồng đến khi khai thác phải mất 10 - 12 năm, với lượng vỏ thu từ 3 – 4 kg theo thời giá lúc đó chỉ bán được 5 - 6 nghìn đồng. Trong khi đó nếu trồng cây keo chỉ mất 6 -7  năm, với trọng lượng bình quân khoảng 200kg/cây và giá bán được khoảng 720 đồng/kg, tính ra giá trị của nó cao gấp khoảng 10 lần so với trồng quế.

Vực dậy rừng quế

Ở các xã Trà Thủy, Trà Hiệp, Trà Sơn... hiện nay đã xanh ngút ngàn những rừng quế. Rẫy quế xen lẫn rẫy keo, mì. Những năm gần đây việc thu mua quế của các công ty, cơ sở, nhà máy trên địa bàn huyện tăng lên rất nhiều. Chính vì thế giá quế cũng bắt đầu tăng lên và ổn định hơn trước. Bên cạnh đó, việc cây quế Trà Bồng được xác lập kỷ lục Châu Á  cũng là một trong những “điều kiện đủ” để cây quế có chỗ đứng vững vàng hơn trên thị trường.

Ông Hồ Văn Luận - Bí thư Đảng ủy xã Trà Hiệp cho biết: “Hiện nay, trên 200ha quế của xã đang sinh trưởng và phát triển rất tốt. Các rẫy quế đã được vài năm tuổi rồi. Đó là những rẫy quế mới trồng, còn những rẫy đã trồng lâu thì được bà con ở các thôn chăm sóc để sớm thu hoạch...”.

 Hiện nay trên địa bàn huyện Trà Bồng có 15 công ty, cơ sở, nhà máy, xí nghiệp thu mua quế. Trong đó, có 3 công ty lớn hoạt động lâu năm ở đây. Các cơ sở sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ; cơ sở nhang quế; các xưởng kinh doanh xuất khẩu nhỏ lẻ ngày càng phát triển và  phân bổ rải rác khắp các xã trên địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thu mua, vận chuyển cho người dân. Bên cạnh đó, UBND huyện, các xã cũng đã khảo sát việc tiêu thụ trong nước cũng như nước ngoài để đảm bảo tốt nhất vấn đề đầu ra cho sản phẩm.

Ông Võ Sỹ Phi - Phó Trưởng Phòng NN&NT huyện Trà Bồng cho biết: “Huyện đã có định hướng mới trong việc quảng bá thương hiệu cho cây quế Trà Bồng. Bằng các nguồn vốn đã có, huyện tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương; hỗ trợ và đôn đốc các nhà máy hoạt động hiệu quả và tiêu thụ sản phẩm quế một cách hợp lý. Hiện nay, trên địa bàn huyện có thêm một nhà máy chế biến tinh dầu quế, dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay. Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng để khích lệ người dân trồng quế. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, chế biến quế hoạt động hiệu quả sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho người dân ở địa phương”.

 

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
 


.