(Báo Quảng Ngãi)- Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 7, Khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (tam nông) và 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân trong tỉnh có nhiều khởi sắc…
Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch dần theo hướng tập trung, gia tăng chất lượng sản phẩm, từng bước gắn kết với công nghiệp chế biến và nhu cầu thị trường. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông – lâm - ngư nghiệp bình quân đạt 5,1%/năm. Giá trị sản xuất đạt 39,4 triệu đồng/ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 48,3%. Kết cấu cơ sở hạ tầng đồng bộ với hàng loạt tuyến đường huyện, xã, thôn, xóm được cứng hóa, nhựa hóa. Nhiều công trình dân sinh ra đời đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân… Toàn tỉnh hiện có 17 xã đạt từ 12 tiêu chí trở lên trong Bộ tiêu chí NTM.
Sắc diện “tam nông”
Trở lại xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) những ngày này, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh nông dân tất bật nhưng không kém phần phấn khởi khi thu hoạch lúa hè thu. Trên khắp các con đường liên huyện, liên thôn; thậm chí một số tuyến đường vắt ngang cánh đồng cũng đã được nhựa hóa, cứng hóa với bề mặt rộng thênh thang đã giúp xe máy, xe công nông thoải mái ra vào tận ruộng để chuyển lúa. Chẳng thế mà dù mồ hôi nhễ nhại vì nắng gắt, nhưng lão nông Nguyễn Tải, ngụ thôn Phú Văn vẫn hồ hởi góp chuyện: “Công nhận chủ trương bê tông đường của Nhà nước quá đúng đắn. Vì từ ngày có nó, không chỉ nhà cửa, thôn xóm đẹp ra mà nông dân chúng tôi đi làm cũng sướng hẳn”.
Dù giúp nông dân tiết kiệm thời gian và chi phí thu hoạch lúa, nhưng không ít chủ máy lợi dụng điều này để làm khó, ép giá nông dân. |
Thế mà ông Phải bảo rằng, ở Phú Văn vẫn chưa sướng bằng bên đồng Lát của thôn La Châu hay Đạt 6, 10 ở thôn Điền Trang. Lý do, “bên đó ruộng được dồn rồi chia lại (ý là dồn điền đổi thửa-PV) nên ruộng nhà ai cũng to, đường lại rộng, nước cũng về nhiều, làm… sướng hơn”, ông Phải quả quyết thế. Đồng quan điểm này, nông dân canh tác ở các cánh đồng Lát, Đạt 6, Đạt 10 cũng khẳng định từ ngày ruộng được cải tạo, rồi dồn điền đổi thửa (DĐĐT), việc sản xuất dễ dàng và thuận lợi hơn vì chủ động được nguồn nước. Năng suất lúa vì thế cũng cao hơn từ 2 - 3 tạ/sào lên 3,2 - 3,5 tạ/sào. Hẳn vậy nên dù gặp một số khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện, nhưng theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung Phan Văn Phải: “Việc cải tạo đồng ruộng, DĐĐT được người dân đồng tình, hưởng ứng. Nhờ vậy mà toàn xã đã DĐĐT thành công 50 ha đất ruộng”.
Trong khi nông dân vui với lúa tăng, mì nhiều, thì những hộ kinh doanh sản xuất nhỏ trên địa bàn cũng phấn khởi vì việc làm ăn ngày càng phát nhờ… đường đẹp! Bởi nói như chủ cơ sở sản xuất lồng chim Xuân Phú thì: “Đường rộng rãi, sạch sẽ, xe tải vào tận nhà để nhận, chuyển hàng nên đỡ tốn kém công, chi phí và thời gian. Lợi nhuận vì thế cũng hơn hẳn”. Thế nên, khi địa phương vận động hiến đất làm đường, xây dựng kênh mương, người dân nơi đây rất nhiệt tình hưởng ứng.
“Tam nông” thúc đẩy xây dựng NTM
Không chỉ góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... nhằm gia tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, mà tam nông và NTM đều tạo bước tiến mới về nhận thức và hành động trong cán bộ và nông dân, đơn cử như chuyện DĐĐT.
Nếu như trước đây, việc DĐĐT dậm chân tại chỗ vì vấp phải phản ứng quyết liệt của nông dân do họ sợ mất “bờ xôi ruộng mật”, thì giờ đây, bà con đã có cái nhìn dễ chịu hơn. Đó là miễn sao việc DĐĐT phải đảm bảo 3 yếu tố: Rõ ràng trong hành động, công bằng trong phân chia ruộng và hiệu quả trong sản xuất.
Để đáp ứng 3 yêu cầu trên, chính quyền phải tự “soi” lại mình trước khi bắt tay thực hiện. Thế nên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh khẳng định: “Không chỉ cải thiện bộ mặt nông thôn và cuộc sống người dân mà cái được lớn nhất của tam nông, NTM chính là ý thức, trách nhiệm của bà con trong việc chung vai góp sức cùng nhà nước thực hiện các chương trình, mục tiêu”. Điều này thể hiện qua việc hàng chục nghìn ngày công lao động công ích, hàng chục nghìn mét vuông đất, trên 2.000 tỷ đồng... được huy động đóng góp xây dựng NTM.
Rõ ràng, với sự đan xen và hỗ trợ cho nhau, có thể nói tam nông là cụ thể hóa của NTM, còn NTM là hành động cụ thể của tam nông. Nếu như sứ mệnh của tam nông là hiện đại hóa nông nghiệp, hoàn thiện hạ tầng nông thôn, gia tăng thu nhập cho nông dân thì NTM là bảng kế hoạch thực hiện chi tiết, cụ thể từng mục tiêu, nhiệm vụ thông qua 19 tiêu chí. Và đích đến của cả tam nông lẫn NTM chính là cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân.
Bởi như lời Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ trong buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành và 17 xã điểm NTM của tỉnh: “Nông dân có giàu thì mới có sức đóng góp, cùng Nhà nước xây dựng thành công NTM để hiện đại nông thôn. Do đó, quá trình xây dựng NTM phải gắn với tam nông. Cụ thể là việc đầu tư xây dựng NTM phải chú trọng vào tính thiết thực, hiệu quả của các công trình dân sinh, hạ tầng thiết yếu tại cơ sở gắn với nhu cầu sản xuất và đời sống người dân như điện - đường - trường - trạm, nước sạch, môi trường”.
Bài, ảnh: MỸ HOA