(Baoquangngai.vn)- Được thiên nhiên ban tặng trên 25 km đường bờ biển và nằm ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, Lý Sơn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển đảo. Với lượng khách đến tăng lên hàng năm trong thời gian qua, du lịch Lý Sơn đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Song theo đánh giá của các chuyên gia, du lịch Lý Sơn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có!
Cái tên Lý Sơn, giờ đây không còn quá xa lạ với khách du lịch trên mọi miền đất nước. Khách du lịch đến Lý Sơn không chỉ ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ, vẹn nguyên của thiên nhiên vùng biển đảo này mà còn rất ấn tượng với những giá trị văn hóa lịch sử, sự thân thiện của người dân, đặc biệt là sự can trường, gan dạ của ngư dân Lý Sơn ngày đêm vẫn đạp sóng ra Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác hải sản mưu sinh và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc
Theo báo cáo của huyện Lý Sơn, trong năm 2013, lượng khách du lịch đến với huyện đảo Lý Sơn khá đông, với khoảng gần 30 nghìn lượt khách, trong đó có gần 100 khách quốc tế. Và chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2014, đã có trên 15 nghìn lượt khách đến với đảo.
Xu hướng khách du lịch đến với Lý Sơn ngày càng tăng là điều đáng mừng. Song để ngành du lịch Lý Sơn phát triển bền vững và thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Lý Sơn đang là vấn đề được các cấp, ngành quan tâm. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay thì việc phát triển du lịch biển đảo gắn liền với việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Trong chuyến công tác về huyện đảo Lý Sơn mới đây, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, ngành du lịch ở Lý Sơn chỉ mới "đứng trước biển, chứ chưa tiến được ra biển". Trên nền tảng những giá trị tích cực, đặc sắc của văn hóa vùng biển đảo, chúng ta cần tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, xây dựng thương hiệu du lịch biển đảo xứng tầm với tiềm năng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch biển đảo.
Ngày càng nhiều du khách đến với huyện đảo Lý Sơn |
Ngoài các sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên, nét đặc biệt của Lý Sơn là ở đời sống văn hóa lễ hội, các di tích lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của đảo mà chỉ duy nhất có ở nơi đây. Trên huyện đảo Lý Sơn hiện còn lưu giữ và phát huy nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội như: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ hội đua thuyền thống... Hiện nay, trên đảo Lý Sơn có 3 di tích cấp quốc gia, 6 di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngoài ra, còn có nhiều dinh, miếu, đình, chùa cùng các danh lam thắng cảnh đẹp như: Chùa Đục, hang Câu, Tò Vò, hòn Đụn, di tích miệng núi lửa... Đây là những địa danh rất có giá trị, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của huyện.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Quốc Hưng nhấn mạnh: "Nếu chúng ta không có một sản phẩm du lịch cụ thể thì chắc chắn thu hút khách du lịch sẽ khó". Chính vì vậy, ông Nguyễn Quốc Hưng nhận định: Sản phẩm du lịch tiêu biểu nhất của Lý Sơn chính là nền tảng văn hóa ở huyện đảo với các di tích văn hóa và các lễ hội. Sản phẩm du lịch thứ 2 đó chính là thế mạnh biển đảo.
"Gắn với các giá trị văn hóa, chúng ta cần chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng biển đảo như các môn thể thao biển (hội thi câu cá, lễ hội đua thuyền, lặn biển...), hay với thế mạnh sản phẩm hành tỏi, hải sản, chúng ta cũng nên tổ chức các lễ hội, hội thi ẩm thực... nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch Lý Sơn, tạo nhiều sản phẩm để du khách có thể lựa chọn theo nhu cầu, thu hút du khách khắp nơi về"- ông Nguyễn Quốc Hưng- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch định hướng.
Cột cờ Tổ quốc trên huyện đảo Lý Sơn là một trong những điểm đến thu hút du khách thời gian qua. |
Cũng bàn về vấn đề phát triển du lịch ở huyện đảo Lý Sơn, Thứ trưởng Bộ VH TT&DL Vương Duy Biên đề xuất: Chúng ta phải có định hướng xây dựng, bên cạnh các sản phẩm du lịch đặc trưng của đảo thì các đồng chí lãnh đạo cần quan tâm đến đầu tư cho văn hóa. Việc khôi phục các lễ hội, di tích là rất cần thiết. Bởi suy cho cùng văn hóa là sản phẩm du lịch thu hút được nhiều khách du lịch.
Theo Thứ trưởng Bộ VH TT&DL Vương Duy Biên, ngoài việc bảo tồn các giá trị văn hóa, các yếu tố tâm linh, thì các lễ hội chúng ta có thể phục dựng, diễn xướng để phục vụ cho hoạt động du lịch. Ví như Lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa nếu được người dân bản địa tổ chức diễn xướng phục vụ cho du khách khi đến với huyện đảo sẽ rất hấp dẫn, gây được hứng thú, thu hút khách du lịch. Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại, hệ thống dịch vụ du lịch trên huyện đảo còn thiếu và yếu nhất là cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực và công tác tuyên truyền quảng bá.
Chính vì vậy, điều cần làm hiện nay là xây dựng và áp dụng cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng để nhanh chóng hình thành cơ sở hạ tầng đồng bộ đi kèm với đó là các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Đồng thời, đi đôi với việc phát triển du lịch cộng đồng, cần đào tạo chất lượng nguồn nhân lực cho du lịch ở Lý Sơn; xác định mục tiêu, thị trường du khách mà Lý Sơn đang nhắm đến để đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp, các hình ảnh quảng bá, tiếp thị tác động vào thị hiếu và nhu cầu của loại khách đó mới có sức thu hút được du khách...
Với thế mạnh vốn có, nếu được được quan tâm đầu tư đúng mức, Lý Sơn sẽ là một điểm đến lý tưởng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước |
Có thể nói, với tiềm năng to lớn đó, nếu được các cấp chính quyền, bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư khai thác hợp lý, Lý Sơn sẽ trở thành địa điểm du lịch biển đảo hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo Lý Sơn.
PV