(Baoquangngai.vn)- Nằm cách trung tâm hành chính của xã chỉ khoảng 1km, vậy mà nhiều năm qua, hơn 70 hộ dân ở thôn Trà Xanh Trong, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng vẫn phải sống biệt lập với người dân trong xã vì bị chia cắt. Từ ngày dự án đường Trà Lâm - Trà Hiệp chạy ngang qua thôn được thi công, người dân phấn khởi vô cùng, bộ mặt nông thôn mới ở đây đang khởi sắc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ mơ ước…
Là một trong những thôn có địa hình “đặc biệt” nhất trong xã, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, cùng với các thôn khác trong xã, thôn Trà Xanh Trong từng bước tranh thủ mọi điều kiện để xóa đói giảm nghèo, phát triển đời sống văn hóa, xã hội, trình độ dân trí.
Tuy nhiên, việc đi lại khó khăn trong những năm qua đã làm mọi thứ như đang dậm chân tại chỗ. Người dân muốn giao lưu với bên ngoài thôn phải phụ thuộc hoàn toàn vào đôi chân.
Bà Võ Thị Hoa, 51 tuổi, ở tổ 6 vẫn không quên khoảng thời gian cách đây 10 năm khi vợ chồng đùm túm nhau lên núi làm kinh tế. Hình ảnh con đường vào thôn rộng bằng sải tay cứ “ám ảnh” trong đầu bà mãi đến tận bây giờ. Đường hẹp, đầy sỏi đá, dốc núi cheo leo, bốn phía cây cối um tùm... Gia đình bà Hoa có một cửa hàng tạp hóa nhỏ bán tại nhà, để vận chuyển hàng vào thôn, vợ chồng bà không phải chở hay thồ mà là cõng hàng.
Đường Trà Lâm - Trà Hiệp, đoạn đi qua thôn Trà Xanh Trong ở xã Trà Lâm sắp sửa hoàn thành. Đây là niềm mơ ước từ nhiều năm nay của người dân trong thôn. |
Nhà nào có xe máy, muốn đi đâu xa phải gửi nhờ nhà người quen ở gần trung tâm xã, rồi đi bộ ra đó lấy xe. Nếu đi xe máy vào thôn, chiếc xe máy cứ gầm rú, hồng hộc trườn lên, lao vào những hốc, những tảng đá lởm chởm. “Ngồi trên xe mà thần kinh căng như dây đàn. Mặt ngửa lên trời, nghiêng người theo con dốc gập ghềnh đá núi. Không cẩn thận, là có thể lao thẳng xuống vực mà không ai biết”, bà Hoa kể tiếp.
Vào mùa mưa lũ, trẻ em trong thôn hầu như đều nghỉ học vì đường bị ngập nặng, nhất là đoạn qua cầu Nước Xang. Người dân như sống biệt lập hoàn toàn với các thôn khác, cuộc sống khó khăn đủ điều. Vì thế, ước mơ về một con đường bê tông thông suốt, không bị chia cắt từ thôn ra xã là niềm khát khao không bao giờ tắt của người dân ở vùng quê nghèo này.
Đến hiện thực…
Được sự đầu tư của UBND huyện Trà Bồng từ nguồn vốn 30a, tháng 8/2009, dự án đường Trà Lâm - Trà Hiệp đi qua hai xã Trà Lâm và Trà Hiệp chính thức được khởi công giai đoạn 1, với hai hạng mục chính: làm đường đất và thi công các công trình thoát nước. Đến tháng 7/2013, giai đoạn 2 của dự án được bê tông hóa với chiều dài gần 5.000m, rộng gần 4m.
Con đường mới có tầm quan trọng đặc biệt, nhất là trong việc tạo đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. |
Những ngày này, âm thanh rộn ràng từ cỗ máy trộn bê tông làm không gian vốn bình lặng của thôn nghèo trở nên ồn ào, náo nhiệt. Từ đỉnh đèo cao, phóng tầm mắt về Trà Xanh Trong, nơi có con đường bê tông mới quanh co, uốn lượn, anh Nguyễn Văn Tuấn, nhân viên kỹ thuật thi công dự án vui vẻ cho biết: “Các công nhân làm đường đang nỗ lực hết mình để hoàn thành 20% còn lại của dự án. Tuy nhiên, tại thời điểm này, người dân đã có thể đi lại và không gặp bất kỳ trở ngại gì”.
Trước đây, người dân muốn đi từ Trà Lâm đến Trà Hiệp phải mất khoảng 30km. Bây giờ thông được với nhau, khoảng cách từ hai xã này rút ngắn còn một nửa. Với riêng người dân thôn Trà Xanh Trong, chạy xe từ thôn ra trung tâm xã chưa đầy 1km và đi chỉ trong vòng 5 phút.
Cả đời nhọc nhằn trên con đường đất núi, từ hôm con đường bê tông đầu tiên trong thôn thành hình, ông Hồ Văn Luận, 66 tuổi, tổ 5 như thấy mình trở lại thời trai trẻ. Ông bảo, lòng dạ bồi hồi, chân cẳng không thể ngồi yên ở nhà được. Mỗi ngày ít nhất hai lần, ông cứ đi tới, đi lui mấy lượt thăm con đường. “Cứ tưởng ước mơ có một con đường bê tông đi qua thôn này không thể “rờ” tới được, vậy mà giờ đã thành hình rồi”, ông Luận nói trong niềm xúc động.
Mơ ước đã lâu lắm rồi, nay đã có được. Mùa mưa lũ sắp tới, không còn phải đi trên đường đất trơn trợt, lầy lội, trẻ em đã an tâm đến trường. Người dân bớt khó nhọc hơn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm. “Cứ dùng xe máy chạy vèo, không còn phải gồng gánh, ngại xa xôi, cách trở nữa”, anh Hồ Văn Phóng, trưởng thôn Trà Xanh Trong hồ hởi nói.
Rời thôn Trà Xanh Trong khi trời đã về chiều, chúng tôi cảm thấy rất mừng cho bà con nơi đây, nhất là khi bà Hồ Thị Liễu, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Lâm cho biết thêm: "Con đường khi hoàn thành sẽ phá vỡ thế độc đạo, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương. Rồi đây, cùng với các thôn lân cận khác trong xã, trình độ dân trí và đời sống của người dân trong thôn chắc chắn sẽ có những đổi mới…"
Bài, ảnh: Th.Hậu