Chống hàng lậu, hàng giả: Doanh nghiệp không thể đứng ngoài

04:07, 25/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tình hình hàng lậu, hàng giả ngày càng có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa nhận thức đúng để  hợp tác chặt chẽ cùng cơ quan chức năng đẩy lùi hàng lậu, hàng giả.       

TIN LIÊN QUAN

Hợp tác chống đường lậu

Công ty CP Đường Quảng Ngãi được xếp hạng thứ 172 trong tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Mục tiêu của Công ty trong năm 2014 đạt mức doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 700 tỷ đồng và phấn đấu trở thành doanh nghiệp mía đường hàng đầu Việt Nam. Để đạt được thành quả đó, đơn vị xác định, phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường trong chống đường nhập lậu, tạo điều kiện để Công ty phát triển.

 

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường.


Hiện tại, sản phẩm đường của Công ty đang phải chịu sức ép từ hai nguồn cung không chính thống là đường nhập lậu qua biên giới và đường tạm nhập nhưng không tái xuất. Đường nhập lậu chủ yếu theo các hướng từ Châu Đốc – An Giang về các tỉnh miền Đông, miền Tây và đi ra khu vực Khánh Hòa, Phú Yên, Đắc Nông, Đắc Lắc; hoặc từ Lao Bảo – Quảng Trị, cầu Treo – Hà Tĩnh về các tỉnh miền Trung.

Số lượng đường nhập lập ngày càng không ngừng gia tăng. Các chủ hàng luôn dùng nhiều biện pháp đối phó với cơ quan chức năng, chủ yếu là thay đổi bao bì từ bên kia biên giới. Sau đó lén lút vận chuyển vào các “kho” ven sông theo tuyến dọc biên giới, hợp thức hóa giấy tờ, thủ tục nên rất khó phát hiện. Cá biệt, một số địa phương còn cấp phép cho nhà máy đường hoạt động trong khi họ không có vùng nguyên liệu mà chỉ có phương tiện sang bao. Các cơ sở này thường nhập lậu đường từ Thái Lan về, in nhãn hiệu sang bao, rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Theo Tổ chức Đường thế giới (ISO), hằng năm đường nhập lậu vào thị trường Việt Nam chiếm đến 1/3 sản lượng, tương đương 500.000 tấn. Thực trạng này kéo dài nhiều năm đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường đường, đến doanh nghiệp sản xuất đường trong nước làm ăn chân chính, làm thất thu thuế cho ngân sách. Nghiêm trọng hơn, đường nhập lậu đã khiến hàng triệu nông dân trồng mía rơi vào cảnh khốn đốn. Trước thực trạng này, Công ty CP Đường Quảng Ngãi xác định phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của tỉnh và cả khu vực duyên hải miền Trung – Tây Nguyên chống đường lậu.

Tại Hội nghị sơ kết công tác phối hợp lực lượng quản lý thị trường 16 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung – Tây Nguyên, đại diện Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã kiến nghị: Lực lượng quản lý thị trường cần ngăn chặn triệt để hơn nữa với “đường lậu”; không cấp phép cho việc tạm nhập – tái xuất mặt hàng đường. Nếu cấp phép thì cần phải kiểm soát chặt chẽ để không bị lợi dụng chính sách đưa đường lậu vào thị trường trong nước. Đồng thời xử lý kịp thời trường hợp đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt, đẩy giá đường lên cao, gây bất ổn thị trường.

Vẫn còn doanh nghiệp né tránh

Mỗi năm, lực lượng quản lý thị trường của tỉnh phát hiện, xử lý hàng trăm vụ hàng giả, hàng lậu, xử phạt nhiều tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện hơn 100 vụ, xử phạt hơn 1 tỷ đồng. Đáng báo động là tình trạng hàng giả có chiều hướng gia tăng, phức tạp. Không chỉ giả hàng quần áo may sẵn có thương hiệu mà các mặt hàng như mỹ phẩm, nhớt xe máy, phụ tùng xe máy... cũng bị làm giả. Thủ đoạn làm giả tinh vi, số lượng lớn đã xuất hiện.

Tuy nhiên, không ít vụ hàng giả sau khi báo cho lực lượng quản lý thị trường can thiệp, thì doanh nghiệp lại “đề nghị” cho phía doanh nghiệp… rút lui, không tham gia gửi mẫu hàng thật để đối chứng với hàng giả! Thậm chí có vài doanh nghiệp kinh doanh hóa mỹ phẩm khi phát hiện bị làm giả, cơ quan chức năng đề nghị gửi mẫu hàng chính hiệu để đối chiếu, thì doanh nghiệp lại gửi mẫu hàng hiện nay doanh nghiệp đã không còn sản xuất bán ra thị trường.

Ông Trần Quang Toản – Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh cho biết: “Công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm kiểu dáng công nghiệp không hề đơn giản. Để xác định rõ, có cơ sở xử lý buộc phải có doanh nghiệp tham gia cung cấp hàng chính hãng thì mới lật tẩy được hàng giả, hàng nhái”. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại chưa mặn mà với việc cung cấp hàng chính hãng. Đơn giản chỉ là vì các doanh nghiệp này sợ khi thông tin hàng hóa chính hiệu bị làm giả sẽ gây tâm lý hoài nghi, hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng, doanh thu của doanh nghiệp.

Tăng cường chống hàng lậu, hàng giả nhằm bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng, giữ vững sự ổn định của thị trường. Tuy nhiên, sự né tránh của doanh nghiệp đã gây khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động chống hàng giả, hàng nhái, vô tình tiếp tay cho tình trạng kinh doanh phạm pháp này nảy nở, sinh sôi. Thay vì né tránh, doanh nghiệp hãy chọn giải pháp hợp tác để chống hàng giả, hàng lậu, hàng nhái vì quyền lợi của chính doanh nghiệp.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.