Trồng cúc trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao

09:06, 04/06/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Thời gian qua, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên địa bàn xã Nghĩa Hà (Tp.Quảng Ngãi), nhiều người đã đầu tư trồng hoa cúc trái vụ hiệu quả. Đây được xem là loại hoa chủ lực, giúp kinh tế nhiều người dân trong xã vươn lên khá giả.
 
 
Trưa, cái nắng hầm hập đổ trên con đường bê tông chạy ngang qua các cánh đồng cúc đang vào thời chớm nụ ở xã Nghĩa Hà. Những nụ cười lẫn trong hoa, tiếng í ới gọi nhau chuẩn bị chuyển hoa lên xe cho thương lái làm náo nhiệt cả cánh đồng.
 
Ở xã Nghĩa Hà trước đây, người nông dân chỉ biết đến rau màu và lúa, cây hoa chỉ được chăm bẵm vào những độ Tết đến, xuân về. Và rồi, hơn chục năm trước, lần đầu tiên, cây hoa cúc được đưa từ Đà Lạt về và được một số hộ dân tiên phong trồng trái vụ. Từ đó, loài hoa này có đất “diễn” quanh năm, tập trung nhiều ở các thôn Hổ Tiếu, Bình Đông…
 
Không còn cảnh đem hoa lên chợ bán lẻ, nhiều thương lái ở các huyện trong tỉnh đã kéo nhau về trực tiếp Nghĩa Hà thu mua hoa. Hơn nữa, nhiều hộ trồng hoa còn cho đóng xe lớn đem tiêu thụ ở các tỉnh bạn như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế, Ninh Bình và tận Hà Nội...
 
Trồng cúc trái vụ để bán vào các dịp mùng một và ngày rằm và bán theo đơn đợt hàng đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.
Trồng cúc trái vụ để bán vào các dịp mùng một, ngày rằm và theo đơn đặt hàng đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.
 
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, bằng nghị lực và sự cần cù, ông Nguyễn Hữu Bằng, 56 tuổi, ở thôn Hổ Tiếu đã làm giàu với nghề trồng hoa cúc trên chính mảnh đất quê hương mình từ 10 năm nay. Không chỉ thu lời nhiều vào các dịp Tết, nghề trồng hoa cúc trái vụ, phục vụ cho ngày mùng một, ngày rằm hàng tháng cũng đã đem đến cho gia đình ông “bộn tiền”.
 
Hằng năm, trung bình với 4 sào đất, ông trồng gần 150.000 cây giống, chia làm nhiều vụ và trồng xen kẽ với các loại cây rau màu khác. Năm nào khó khăn lắm, ông cũng thu về cũng được 50 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí.
 
“10 năm trồng cúc nhưng chưa bao giờ tôi thấy lỗ. Dù giá cả có bấp bênh thế nào nhưng so với việc trồng các loại cây rau màu khác, trồng cúc vẫn có lời”, ông bộc bạch. Sắp tới, ông Bằng còn dự định sẽ thuê 3 sào đất (1.500m 2) nữa để mở rộng diện tích.
 
Thực tế, từ chỗ dám nghĩ, dám làm trong việc thay đổi giống cây trồng, nhiều hộ dân ở đây đã xóa đói giảm nghèo, ăn nên làm ra. Ông Phạm Tấn Lành, thôn Hổ Tiếu, là một trong những người đi đầu trong việc trồng hoa cúc trái vụ ở Nghĩa Hà. Với bản chất anh bộ đội cụ Hồ, cần cù, siêng năng, không ngại khó, ông đã gặt hái nhiều thành công từ công việc này. Chỉ riêng từ 2009 đến 2014, ông trồng được 6 sào, thu không dưới 80 triệu đồng mỗi năm. 
 
Gia đình ông giờ đây, không chỉ xóa được đói nghèo mà nhà cửa khang trang hơn, phương tiện đi lại và các vật dụng trong gia đình tương đối đầy đủ. Con cái đều học hành đến nơi đến chốn.
 
Trong tháng 8.2013, thu nhập từ việc trồng hoa quanh năm còn giúp ông mở được một cửa hàng vật tư nông nghiệp, với tổng số vốn trị giá hơn 200 triệu đồng. Ngoài buôn bán ra, đây còn là nơi để ông cùng bà con trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mà mình đã làm được.
 
Thách thức thời tiết, những những ruộng cúc trái vụ vẫn được trồng để kịp bán cho thương lái
Thách thức thời tiết, những ruộng cúc trái vụ vẫn được trồng để kịp bán cho thương lái.
 
Đầu tư trồng cúc trái vụ, một vốn có thể thu ba lời. Đầu ra không quá hạn hẹp. Hoa mà đẹp thì thương lái tranh nhau mua, không sợ bị ế. Tuy nhiên để có hiệu quả cao là chuyện không hề đơn giản.
 
Thời tiết thuận lợi và hoa nở đúng dịp thì may ra mới “có ăn”. Vì thế, với mỗi vụ hoa, người dân luôn phải tính toán thời gian kỹ lưỡng để có sản phẩm bán đúng dịp.
 
Ngoài ra, để có những vụ hoa cúc như ý thì người trồng hoa còn phải kiên trì, tỉ mỉ, thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt chú trọng đến việc phòng trừ sâu bệnh. Mùa hè, phải có vòm lá che chắn mưa nắng; mùa đông, thời gian đầu phải thắp điện cho cây phát triển tốt.
 
Từ một vài hộ nhỏ lẻ, đến nay toàn xã có hơn 100 hộ trồng hoa cúc. Riêng việc trồng cúc trái vụ, bán quanh năm có hơn 30 hộ. Người trồng ít nhất khoảng một sào (500m 2). Nhiều nhất có khi lên đến hai mẫu (tương đương với 10.000m 2) như hộ gia đình nhà ông Dương Văn Hòa cũng ở thôn Hổ Tiếu. 
 
“Cùng với các ngành nghề khác trong sản xuất nông nghiệp, nghề trồng cúc ở xã Nghĩa Hà đã giải quyết công ăn việc làm, đem lại thu nhập cao cho hơn 300 hộ dân với gần 8 hécta. Nhiều người không có nghề và kinh nghiệm trồng hoa còn chuyển sang làm thương lái... ”, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà khẳng định.
 
 
Bài, ảnh: Th.Hậu
 

.