(Báo Quảng Ngãi)- Cây đót từng được xem là một trong những nguồn thu nhập của người dân huyện nghèo nhất nước Tây Trà. Đã có một vài dự án thử nghiệm khoanh vùng trồng đót được triển khai. Thế nhưng, trước “hào quang” của cây keo đã khiến cho diện tích đót ngày càng bị thu hẹp và đang mất dần vị thế.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Lộc rừng” ...
Tây Trà, một huyện nghèo nhất nước. Đời sống của người dân nơi đây rất khó khăn. Theo ông Đỗ Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện. “Hơn 10 năm trước, cây đót chính là “phao cứu sinh” của hàng nghìn người dân trong huyện. Cây đót đã giúp phần lớn người dân không rơi vào cảnh thiếu ăn sau tết”.
Người dân thu hoạch đót trở về. |
Không chỉ 10 năm trước mà những năm gần đây, cứ sau Tết Nguyên đán, hàng nghìn người dân Tây Trà liên tục trúng “lộc rừng” khi năng suất và giá đót đều tăng. Có trường hợp người dân giàu lên nhờ cây đót. Như anh Hồ Văn Miên ở thôn Trà Linh, xã Trà Lãnh. Anh Linh từng được xem là “đại gia đót”. Bởi gia đình anh có 2ha chuyên trồng đót và mỗi năm anh thu vào gần trăm triệu đồng.
... mất dần đất sống
Cách đây chừng 5 năm, cây đót được xem là lâm sản số một của bà con người Cor ở Tây Trà. Bởi ngoài giá đót cao, thì đa phần người dân không biết làm gì để có thu nhập ngoài chặt đót bán. Thế nhưng, vài năm trở lại đây khi cây keo “có thương hiệu” và việc trồng, chăm sóc cũng dễ hơn nên người dân ồ ạt phá đót trồng keo. Thậm chí những rừng đót tự nhiên cũng được dọn sạch để trồng keo.
Trước kia đi dọc các trục đường chính của huyện Tây Trà dễ dàng bắt gặp những rừng đót ngút ngàn. Thế nhưng, giờ hình ảnh ấy đã được thay thế bằng những rừng keo lai.
Theo ông Phan Văn Hiền- Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tây Trà, thì nguyên nhân dẫn đến diện tích cây đót giảm là do người dân chạy theo phong trào, vì cái tức thời mà không tính toán, nghĩ đến cái lâu dài. “Mặc dù xưa nay người dân ở đây thu hoạch đót chủ yếu là từ rừng tự nhiên, cây hoang dại và chỉ có một số ít là từ những rẫy đót đã được quy hoạch ở xã Trà Lãnh. Việc người dân ồ ạt thay đổi cây trồng khiến cho diện tích cây đót giảm đáng kể. Dù trong năm 2014 người dân thu hoạch hơn 250 tấn đót, nhưng tôi e rằng, thời gian tới sẽ giảm” – ông Hiền nói.
Phục hồi vùng đót nguyên liệu
Theo ông Phan Văn Hiền, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tây Trà: “Năm 2014, Chương trình RUDEP đưa vào hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy trình như cắt, tỉa, chăm sóc, trồng mới cây đót. Tôi nghĩ chúng ta cần phải giữ lại vùng nguyên liệu đót vì nó mang tính lâu dài, còn cây keo nguyên liệu chỉ mang tính nhất thời”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, ông Đỗ Minh Lâm cho biết, chủ trương của huyện là khoanh vùng trồng đót. Tuy nhiên, những năm trước giá đót hạ trong khi giá gỗ keo nguyên liệu tăng nên người dân ồ ạt phá đót để trồng keo. “Đến thời điểm hiện tại huyện Tây Trà không còn hộ dân nào khoanh vùng trồng đót, mà chủ yếu đi hái từ rừng tự nhiên. Chủ trương của huyện có nhưng người dân lại không thực hiện mà chạy theo phong trào...” - ông Lâm nói.
Cũng theo ông Lâm, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục kêu gọi người dân khoanh vùng trồng đót. Huyện có nguồn vốn 30a để đầu tư. Vùng quy hoạch trồng keo không được thì trồng đót. Mặc dù giá đót nguyên liệu không cao nhưng nó ổn định. “Địa phương cũng đã có hướng phát triển cơ sở làm chổi đót và đã mở lớp tập huấn nghề này. Tuy nhiên, khi mở cơ sở thì không thể bán lẻ mà phải có đầu ra. Chúng tôi đang kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc để mở cơ sở làm chổi đót tại địa phương”- ông Lâm cho hay.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC