Ngư dân giúp nhau trên biển

09:06, 09/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những ngày lênh đênh hành nghề trên biển, hơn ai hết ngư dân là những người hiểu nỗi nhọc nhằn và phải đối diện với những nguy cơ, bất trắc không may xảy ra. Dù chung tiếng nói, hay bất đồng ngôn ngữ, dù là cùng người Việt Nam hay công dân của những quốc gia khác nhau, thì ngư dân các nước trong khu vực hành nghề trên Biển Đông luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau khi gặp hoạn nạn.

TIN LIÊN QUAN

Những con tàu đầy tôm, cá trở về góp phần mang lại thu nhập ổn định cho các gia đình vùng biển. Nhưng cũng có những phiên biển trở về tay không hoặc thu nhập ít hơn khi tàu cá không may gặp phải sự cố. Ngư dân trẻ Huỳnh Ngọc Xum ở thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) cho biết, các tàu cá ra khơi theo tổ đội đều sẵn sàng, đồng lòng giúp đỡ nhau. Trước khi ra khơi, ngoài việc chuẩn bị chu đáo lương thực, nước ngọt... các tàu còn sắm thêm một số dụng cụ, máy móc khác. Khi có tàu nào bị hỏng máy móc, thông qua Icom liên lạc đến các tàu bạn để nhờ sự giúp đỡ. Hoặc có tàu cá không may bị mất lưới thì các tàu thuyền khác chia bớt những tấm lưới để cùng đánh bắt cá.

Ông Huỳnh Văn Minh làm lại ký hiệu “Việt Nam số 1”  mà ngư dân các nước hay nói mỗi khi gặp tàu cá Việt Nam.
Ông Huỳnh Văn Minh làm lại ký hiệu “Việt Nam số 1” mà ngư dân các nước hay nói mỗi khi gặp tàu cá Việt Nam.


Ông Huỳnh Văn Minh (Nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa An) cho biết, các tàu đang hành nghề trên biển giúp đỡ lẫn nhau là “nhanh nhất, gần nhất”. Nghĩa là khi nghe thông tin tàu nào cần sự giúp đỡ, ngay lập tức tàu gần nhất đến cứu giúp. Trong trường hợp bị hỏng máy, tàu gần nhất không có dụng cụ để thay thế thì liên lạc cho các tàu khác trong tổ đội mang đến. Trường hợp nặng hơn, tàu cá phải lai dắt tàu bị nạn trở về cảng, thì các tàu trong tổ đội sẽ cùng nhau tìm cách bù đắp lại những phí tổn cho chủ tàu, bạn tàu. Việc phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ công việc lẫn nhau đã khuyến khích động viên nhiều ngư dân an tâm bám biển, góp phần mang lại những phiên biển “no”, đem lại niềm vui cho nhiều gia đình ngư dân.

Ông Nguyễn Văn Quang, xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) chỉ mới nghỉ đi biển 4 năm gần đây vì sức khỏe yếu. Trong câu chuyện về những năm tháng đi biển, ông Quang không chỉ nhớ rành rọt từng hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, mà còn truyền đạt kinh nghiệm đi biển cho lớp trẻ. Ông Quang còn nhớ đã từng chia sẻ những gói mì tôm, can nước ngọt với các ngư dân nước ngoài. Dù chưa rành ngôn ngữ của nhau, ngư dân nước ngoài mỗi khi gặp tàu cá Việt Nam luôn giơ ngón tay cái lên làm biểu tượng, nói “Việt Nam số 1...  Việt Nam số 1”.

Cách đây 6 năm, tàu của ông Huỳnh Văn Minh gặp tàu cá của ngư dân Philippine bị chìm. Ba ngư dân Philippine đang cố gắng đu người trên chiếc tàu nhỏ để giữ mạng sống. Thấy thế, tàu của ông Minh liền chạy đến cứu họ lên. Theo hướng chỉ tay của ngư dân Philippine vừa được cứu sống, tàu ông Minh đưa họ đến nơi an toàn.

Những năm trước đây thông tin liên lạc còn khó khăn, khi nghe sắp có bão, tàu của ngư dân các nước thường dùng ký hiệu “xi nhan” để cùng nhau chạy về nơi trú bão. Cùng câu chuyện chia sẻ về lương thực, nước uống trên biển, ông Minh kể tàu cá của mình hay giúp ngư dân các nước Indonesia, Philippine như cho mì tôm, nước uống, đường, bột ngọt, quần áo, chăn màn...

Dù không còn đi biển, nhưng điều tâm niệm ông Minh hay chia sẻ với các con của mình, bạn tàu, các ngư dân trẻ trong xóm là ngoài việc cố gắng làm việc đạt năng suất cao thì tình người, sự chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau nơi biển cả mênh mông là điều rất đáng quý. Cùng là ngư dân sống bằng nghề biển, trong lúc hoạn nạn, khó khăn việc cứu người là ưu tiên hàng đầu, dù đó là ngư dân Việt Nam hay ngư dân các nước láng giềng.

Bài, ảnh: Bảo Hòa
 


.