(Báo Quảng Ngãi)- Qua gần 3 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay diện mạo của xã Trà Bình (Trà Bồng) đã có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Diện mạo mới
Bước trên con đường bê tông phẳng lì dài 3 km từ thôn Bình Đông đi thôn Bình Tân, ông Nguyễn Văn Điệu ở thôn Bình Tân phấn khởi chia sẻ: “Ngày trước, nhiều tuyến đường ở đây đầy ổ voi, ổ gà. Hễ trời mưa xuống là nhão nhẹt bùn, người đi xe máy té ngã liên miên. Cuối năm 2013, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, nhân dân chúng tôi góp thêm công sức và tiền của đổ bê tông hết nên bây giờ việc đi lại thuận tiện lắm. Con cháu đi học cũng dễ dàng hơn”.
Tuyến đường Bình Đông – Bình Tân, xã Trà Bình được xây dựng từ chương trình nông thôn mới. |
Cùng với phong trào hiến đất mở đường, góp công, góp của xây dựng đường bê tông nông thôn, người dân ở hai thôn Bình Đông và Bình Thanh, xã Trà Bình còn tự nguyện mua bóng đèn, dây điện để thắp sáng đường làng, ngõ xóm trên tuyến đường dài khoảng 2 km, góp phần đưa diện mạo nông thôn thêm đổi mới. “Từ ngày có điện đường tôi thấy thôn xóm vui hẳn lên. Việc đi lại vào ban đêm trở nên thuận tiện. Đặc biệt là nạn trộm cắp đã giảm hẳn. Bà con ở đây ai cũng phấn khởi”, chị Nguyễn Thị Thúy, thôn Bình Thanh cho biết.
Ông Đỗ Tấn Bình - Chủ tịch UBND xã Trà Bình khẳng định, thành công lớn nhất trong việc xây dựng nông thôn mới của xã Trà Bình là người dân hưởng ứng nhiệt tình. Trong đó, phong trào tham gia làm giao thông nông thôn được dấy lên mạnh mẽ, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.
Theo ông Bình, trong gần 3 năm qua, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” về cơ sở hạ tầng, xã Trà Bình hoàn thành 3 km đường bê tông Bình Tân - Bình Đông với kinh phí trên 24 tỷ đồng; công trình thủy lợi đập cây Sanh trên 11 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu nước tưới cho hơn 21ha ruộng lúa nước và hoa màu cho nhân dân thôn Bình Trung. Hiện tại, xã đang xây dựng đường Bình Đông - Bình Trung với chiều dài gần 2 km và tuyến đường Bình Đông - Bình Thanh với tổng chiều dài 3 km, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân.
Ngoài ra, từ nguồn vốn 30a và nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ chương trình nông thôn mới, Trà Bình đã đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả như mô hình trồng nấm, trồng ớt phủ bạt; mô hình vỗ béo bò thương phẩm; mô hình làm vườn ươm keo giâm hom… đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt trong năm 2012, xã đầu tư 130 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng thanh long ruột đỏ; năm 2013 hỗ trợ 250 triệu đồng tiếp tục thực hiện mô hình trồng thanh long ruột đỏ, hiện nay cây đang sinh trưởng phát triển tốt.
Thu nhập bình quân đầu người ở Trà Bình năm 2013 đạt 13 triệu đồng/người/năm. Phổ cập giáo dục tiểu học và THCS được duy trì, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS hằng năm đạt cao; các tiêu chí về y tế, giáo dục đều được nâng cao. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và không ngừng nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Cần tiếp tục nỗ lực
Ông Đỗ Tấn Bình cho biết thêm: Qua 3 năm xây dựng nông thôn mới, xã Trà Bình đã có nhiều khởi sắc, góp phần đưa diện mạo của xã ngày một đi lên. Tuy nhiên, Trà Bình là xã miền núi có xuất phát điểm thấp, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn nhiều khó khăn. Vì vậy để hoàn thành xã điểm về nông thôn mới theo lộ trình đã đề ra thì xã Trà Bình cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa. Trong đó sự ủng hộ của Nhà nước, của các cấp, các ngành, sự đồng tình của nhân dân sẽ là động lực để xã Trà Bình hoàn thành các tiêu chí còn lại trong năm 2015.
Tính đến thời điểm này, xã Trà Bình đã đạt được 5/19 tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm 2014, xã sẽ đạt thêm 6 tiêu chí nữa. Hy vọng rằng, với định hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, cùng với sự phát huy tối đa nội lực, tranh thủ sự ủng hộ từ nhiều phía, xã Trà Bình sẽ sớm về đích xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: HỒNG HOA