(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được tỉnh ta triển khai thực hiện trong 3 năm qua (2011 - 2013). Nhờ có Chương trình này mà nông thôn Quảng Ngãi ngày càng khởi sắc. Kết quả của Chương trình thể hiện rõ nét trên nhiều lĩnh vực.
Đạt nhiều tiêu chí...
Trong điều kiện khó khăn về ngân sách nhưng thời gian qua, các cấp, ngành hữu quan của tỉnh và các huyện, xã đã cố gắng tạo nguồn, chủ động bố trí ngân sách đầu tư thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Đường nông thôn ở Thạch An, xã Bình Mỹ (Bình Sơn) do dân tự lực làm. |
Một số xã có giải pháp tốt trong huy động nguồn lực của cộng đồng, đặc biệt là huy động nguồn đóng góp của con em quê hương đang sinh sống, làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước tham gia cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng, đóng góp ngày công, tiền của, hiến đất và có cách làm hay trong việc huy động người dân trong khu vực hưởng lợi góp vốn làm đường giao thông với sự hỗ trợ bằng xi măng từ nguồn huy động khác của xã…
Kết quả toàn tỉnh đã huy động trên 3.482 tỷ đồng để thực hiện Chương trình. Trong đó vốn trực tiếp từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gần 425 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là 1.862 tỷ; vốn huy động từ doanh nghiệp 214 tỷ; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư gần 176 tỷ; vốn huy động từ nguồn khác trên 195 tỷ đồng...
Nguồn lực huy động được một phần đầu tư vào phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển giáo dục, y tế, văn hoá, bảo vệ môi trường… Nhờ đó số tiêu chí đạt được theo Bộ tiêu chí Quốc gia ở các xã ngày càng nhiều, bình quân 2,4 tiêu chí/xã. Nhiều xã có số lượng tiêu chí nông thôn mới đạt được tăng nhanh như: Xã Bình Dương (Bình Sơn) tăng 9 tiêu chí; Sơn Thành (Sơn Hà), Tịnh Giang (Sơn Tịnh) tăng 8 tiêu chí; Phổ Vinh (Đức Phổ), Tịnh Trà (Sơn Tịnh), Hành Nhân, Hành Minh (Nghĩa Hành) tăng 7 tiêu chí…
Trong số các tiêu chí đạt được nhiều nhất là tiêu chí về an ninh trật tự xã hội; hệ thống chính trị; bưu điện; điện; văn hoá; y tế; hình thức tổ chức sản xuất và nhà ở dân cư. Nhưng nhìn chung số tiêu chí mà các xã đã đạt được đều là những tiêu chí cần đầu tư kinh phí ít, còn các tiêu chí cần đầu tư nhiều kinh phí thì có rất ít xã đạt được.
Nhưng khoảng cách còn xa
Mục tiêu trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh ta đề ra là đến năm 2014 có 1 xã đạt chuẩn, đó là xã Bình Dương và phấn đấu đến cuối năm 2015 có 33 xã đạt chuẩn theo 19 tiêu chí nông thôn mới. Các xã còn lại đạt 8 tiêu chí/xã và số tiêu chí đạt chuẩn bình quân chung của toàn tỉnh là 10 tiêu chí/xã.
Trong khi hiện nay tỉnh ta mới có một xã Bình Dương thuộc nhóm 2 (đạt từ 15-18 tiêu chí); 32 xã nhóm 3 (từ 10 - 14 tiêu chí); 64 xã nhóm 4 (từ 5-9 tiêu chí) và 75 xã nhóm 5 (từ 0 - 4 tiêu chí). Từ thực trạng này so với mục tiêu của tỉnh đề ra thì khoảng cách giữa mục tiêu và thực tế còn khá xa.
Khó khăn hơn nữa là các tiêu chí còn lại phải thực hiện trong thời gian tới tại các xã phần lớn cần đầu tư nhiều kinh phí mới thực hiện được. Do vậy, để đạt được mục tiêu kế hoạch đã đề ra, vấn đề huy động nguồn lực và bố trí nguồn lực xây dựng nông thôn mới phải được các cấp, ngành của tỉnh đặc biệt quan tâm và tập trung thực hiện bằng các giải pháp cụ thể.
Việc huy động đa dạng các nguồn lực, chú trọng đến huy động vốn trong dân, vốn tín dụng, vốn lồng ghép từ các chương trình khác và vốn của các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn cần được các địa phương quan tâm; ưu tiên nguồn lực thực hiện các công trình, dự án có tác động đến nâng cao đời sống vật chất, chăm lo phát triển giáo dục, y tế để từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn...
Nếu không tập trung huy động mạnh các nguồn lực để thực hiện Chương trình này thì mục tiêu đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 33 xã đạt tiêu chí nông thôn mới như kế hoạch đã đề ra là khó có khả năng thực hiện.
Bài, ảnh: Nguyễn Khâm