(Báo Quảng Ngãi)- Ra đời năm 1994 từ “Đề án thí điểm thành lập Quỹ tín dụng” theo Quyết định số 390/TTg của Thủ tướng Chính phủ, 20 năm qua, Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) đã không ngừng lớn mạnh, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ khi có Quỹ TDND, nhiều người dân Hành Thịnh bảo rằng họ không còn phải vất vả, lặn lội vượt từ 15 - 23km đến các ngân hàng đóng ở huyện, tỉnh để vay vốn hay gửi tiền tiết kiệm. Lý do, Quỹ TDND gần nhà nên việc đi lại dễ dàng, thuận lợi; trong khi lãi suất huy động và cho vay giữa Quỹ TDND với ngân hàng chênh lệch không lớn. Chẳng thế mà bà Nguyễn Thị Cam, ngụ thôn Xuân Ba mới nói rằng: “Ở đây giấy tờ thủ tục đơn giản, cán bộ cũng gần gũi nhiệt tình nên cứ đến Quỹ tín dụng gửi tiền cho yên tâm”.
Khách hàng giao dịch tại Qũy tín dụng nhân dân Hành Thịnh. |
Đồng quan điểm với bà Cam, ông Nguyễn Lại ngụ thôn Vạn Xuân 1, xã Hành Thiện cũng hồ hởi khi nói về Quỹ TDND. Số là trước đây, muốn vay vốn hay gửi tiền tiết kiệm, ông Lại đều phải nhờ con cháu chở ra ngân hàng ở tận huyện. Vừa xa lại mất thời gian và mang thiếu giấy tờ là chạy đi chạy lại nhiều lần. Thế nên, từ khi Quỹ TDND Hành Thịnh mở điểm giao dịch tại xã Hành Thiện(tháng 7.2010), ông Lại đã tự mình đi giao dịch mà không còn phiền đến con cháu.
Trong khi những người như bà Cam, ông Lại phấn khởi vì được Quỹ TDND “giữ” hộ tiền, thì nhiều hộ vay vốn lại thoải mái với những gói dịch vụ vay, trả “mềm”. Tức là họ trả góp hàng tháng để giúp các thành viên có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế theo hướng “lấy ngắn nuôi dài” để vừa tạo vốn sản xuất, vừa có tiền trả nợ. Phương thức này không chỉ giúp Quỹ TDND Hành Thịnh “sống khỏe”, mà còn tạo động lực để các thành viên vay vốn nâng cao ý thức sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Vì những lý do trên nên từ khi được UBND huyện Nghĩa Hành thí điểm thành lập với nguồn vốn 10 triệu đồng do nhân dân tự đóng góp, đến nay, Quỹ TDND Hành Thịnh đã có 1.457 thành viên (tăng 30 lần), tổng nguồn vốn vượt con số 17,3 tỷ đồng. Trong đó, số dư huy động đạt 15,7 tỷ đồng (tăng 108 lần), dư nợ tín dụng đạt hơn 14,5 tỷ đồng (tăng 97 lần) và vốn điều lệ đạt hơn 458 triệu đồng (tăng 46 lần); kéo lợi nhuận tăng dần đều theo từng năm, từ 63 triệu đồng năm 2009 lên 193 triệu đồng vào cuối năm 2013.
Đây là những con số mơ ước của các Quỹ TDND giữa lúc lãi suất liên tục biến động và các ngân hàng lớn đua nhau tung ra những gói dịch vụ hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng. Nhưng so với ngân hàng, Quỹ TDND Hành Thịnh lại có lợi thế “sân nhà”, đứng ngay trên địa bàn dân cư, thành viên là bà con trong xã, nên việc xác minh điều kiện, giám sát mục đích sử dụng vốn, hay công tác thu hồi vốn gặp nhiều thuận lợi.
Hơn nữa, đối tượng mà Quỹ TDND Hành Thịnh hướng tới chủ yếu là nông dân với nhu cầu vay vốn sản xuất nông nghiệp, nên ngoài cơ chế cho vay phù hợp, lãi suất thỏa thuận, thì cách thức trả nợ linh hoạt đã khiến các thành viên yên tâm tìm đến Quỹ TDND mỗi khi thiếu vốn. Việc trả nợ góp hàng tháng giúp bà con đỡ khó khăn khi phải thanh toán “một cục”, nhất là với những người có mức thu nhập thấp.
Tuy gặt hái được nhiều thành quả như đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới của địa phương, góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu hiện tượng cho vay nặng lãi... nhưng theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ TDND Hành Thịnh Nguyễn Tấn Năm thì hiện giờ, hệ thống Quỹ TDND nói chung, Quỹ TDND Hành Thịnh đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Những khó khăn đó là hành lang pháp lý hoạt động của Quỹ TDND chưa thực sự thông thoáng; lãi suất ngân hàng biến động theo chiều giảm khiến Quỹ TDND không đuổi theo kịp. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động và sự phát triển của Quỹ TDND khi mà việc cho vay lẫn huy động tiền gửi đều hạn chế do người dân e dè, ngần ngại.
Khó khăn là vậy nhưng với bề dày thành tích lẫn phương thức kinh doanh linh hoạt, phù hợp với nhu cầu khách hàng, Quỹ TDND Hành Thịnh vẫn vững tin vượt khó để khẳng định mình, góp phần khẳng định vị thế và ý nghĩa của hệ thống Quỹ TDND.
Bài, ảnh: MỸ HOA