Sơn Tây: "Chợ di động" thành "đại chợ di động"

04:03, 25/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Chợ di động” từ lâu đã xuất hiện trên vùng cao Sơn Tây và ở các huyện miền núi. Đơn giản chỉ bằng chiếc xe máy chở theo phía sau các loại rau, cá, thực phẩm mang lên bán cho bà con miền núi. Nay, những chiếc “chợ di động” ấy đã trở thành những chiếc “đại chợ di động” bởi được vận chuyển bằng xe ô tô có tải trọng nhỏ với đầy đủ các loại hàng hóa.

TIN LIÊN QUAN

Từ đầu năm 2014 trên địa bàn huyện Sơn Tây đã có hơn 3 chiếc xe tải như vậy hoạt động liên tục trên địa bàn hai xã Sơn Dung, Sơn Mùa. Từ sáng sớm, những chiếc xe này đã có mặt ở khắp các địa điểm đông dân cư sinh sống để bày bán. Các mặt hàng ở đây được bán với giá rẻ hơn từ 5.000 - 10.000 đồng so với các mặt hàng cùng loại được bày bán ở chợ trung tâm huyện Sơn Tây nên đã thu hút rất nhiều người dân đến mua hàng.

 

Tại một địa điểm có đến 2 chiếc “đại chợ di động” đang hoạt động ở huyện Sơn Tây.
Tại một địa điểm có đến 2 chiếc “đại chợ di động” đang hoạt động ở huyện Sơn Tây.


Vợ chồng chị Trần Thị Cảnh, chủ một “đại chợ di động” đang hoạt động ở huyện Sơn Tây cho biết: “Vì nắm bắt được tâm lý của nhiều người dân là ngại đi xa và lựa chọn nơi bán với giá rẻ để mua hàng nên vợ chồng tôi đã quyết định đầu tư mua xe ô tô để làm phương tiện mua bán. Ngoài việc bán hàng cá, rau củ quả, khi về chúng tôi còn nhận chở hàng từ Sơn Tây về đồng bằng nên vừa đi và về cũng có được một khoản thu nhập kha khá”. Vừa rẻ mà không phải mất công đi một đoạn đường xa đến tận chợ trung tâm huyện để mua nên ai cũng đồng tình ủng hộ. Bà Nguyễn Thị Hiền - người dân ở thôn Huy Măng xã Sơn Dung cho biết: “Tôi thường mua các loại thức ăn ở đây vì giá cả rẻ hơn so với mua ở chợ, vừa tiện lợi là không phải đi xa”.

Tuy nhiên, những chiếc “đại chợ di động” này không phải nơi nào cũng có thể đậu đỗ làm địa điểm mua bán. Đã có lần cán bộ phụ trách quản lý địa bàn đến nhắc nhở vì đậu đỗ ở nơi đông người và bị những tư thương khác trên địa bàn phản ánh. Các chủ chợ phải di chuyển đến những nơi nhỏ hẹp hơn để hoạt động. Dù thế vẫn không làm giảm lượng khách đến mua hàng. Có khi ở một địa điểm có đến hai chiếc xe hoạt động.

Trong khi đó, tại khu vực chợ trung tâm huyện Sơn Tây, các mặt hàng được bày bán không được phong phú. Giá cả ở đây cũng cao hơn. Khách đến đây đều là các mối quen nên lượng người mua đã giảm hẳn so với trước kia. Hầu hết các diện tích trong khu vực chợ được các hộ dân thuê lại để làm chỗ ở hoặc làm nơi bán thức ăn và giải khát. Hệ thống chợ trung tâm huyện không hoạt động hiệu quả đã tạo điều kiện để nhiều “chợ di động” và “đại chợ di động” hoạt động như hiện nay. Tuy nhiên, loại hình kinh doanh này các cơ quan chức năng như Thuế, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Đội quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát.

Ông Tô Văn Sơn – Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sơn Tây cho biết: “Những chợ di động này rất khó quản lý. Vì cấm đậu đỗ xe, mua bán chỗ này thì nó lại di chuyển đến chỗ khác và cứ thế di chuyển liên tục nên rất khó xử lý, mà cũng không thể cấm người ta mua bán được”. Cũng theo ông Tô Văn Sơn, vì chợ trung tâm huyện Sơn Tây đã được quy hoạch lại ở nơi khác trong bản đồ quy hoạch chi tiết trung tâm hành chính huyện nên khu vực chợ bây giờ không được nâng cấp, sửa chữa.

Việc tự do kinh doanh, mua bán theo loại hình “đại chợ di động” cũng đang tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo VSATTP, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nhất là đang có nhiều loại bệnh dịch xuất hiện tràn lan như hiện nay, đặc biệt là dịch cúm A H5N1, H7N9, và các loại bệnh dịch khác có thể xâm nhập vào địa bàn huyện Sơn Tây qua các “chợ di động” này. Các cơ quan chức năng cần có những giải pháp quản lý hiệu quả đối với loại hình kinh doanh này.

 

Bài, ảnh: Thiên Bảo
 


.