(Baoquangngai.vn)- Việc Quảng Ngãi từ vị trí thứ 27 vươn lên vị trí thứ 7/63 tỉnh thành năm 2013 về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một tin vui, khẳng định những nỗ lực của Quảng Ngãi trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, để giữ vững danh hiệu cũng như tiếp tục tăng bậc thứ hạng trong thời gian đến là một thách thức không nhỏ.
Bứt phá ngoạn mục
Sau những tụt hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong năm qua, Quảng Ngãi đã đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư. Và rồi hàng loạt hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư được tổ chức trong và ngoài tỉnh qua đó khẳng định sự quyết tâm cũng như thiện chí của Quảng Ngãi trong việc gọi mời các nhà đầu tư vào Quảng Ngãi.
So với nhiều tỉnh thành trong cả nước, Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt. Tuy nhiên, đây chưa phải là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp đến đầu tư tại Quảng Ngãi. Biết rõ điều này, Quảng Ngãi đã quyết tâm cải thiện môi trường đầu, trong đó mạnh dạn cải cách hành chính, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư bằng những chính sách thông thoáng, chất lượng dịch vụ phục vụ hành chính công, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư vào Quảng Ngãi.
|
Năm 2013, đã có tới 5 doanh nghiệp được cấp chứng nhận đầu tư và chấp thuận đầu tư vào VSIP Quảng Ngãi. |
Sau những nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, từ một tỉnh có vị trí 27/63 tỉnh thành trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012, Quảng Ngãi đã bứt phá ngoạn mục, vượt lên 20 bậc để đứng vào vị trí xếp hạng thứ 7/63 tỉnh thành năm 2013 và được đánh giá nằm trong nhóm xếp hạng chất lượng điều hành rất tốt với 62,60 điểm.
Trong đánh giá các chỉ số thành phần của Quảng Ngãi năm 2013, có 7 chỉ số đều tăng là tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Trong đó, có 2 chỉ số tăng đáng kể là chỉ số thiết chế pháp lý (tăng 4,23 điểm) và chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 1,86 điểm). Tuy nhiên, có 2 chỉ số giảm điểm là gia nhập thị thường (giảm 0,91 điểm) và chi phí không chính thức (giảm 1,08 điểm).
Một trong những minh chứng rõ nhất trong việc cải thiện môi trường đầu tư của Quảng Ngãi, đó là dự án Khu phức hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP ở xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh. Hiện dự án này đã có 6 nhà đầu tư đăng ký, trong đó đã có 3 dự án FDI, với tổng vốn hơn 115 triệu USD đang triển khai xây dựng như Công ty URC Central (Philippines) xây nhà máy sản xuất khoai tây chiên, với vốn đầu tư khoảng 35 triệu USD. Tập đoàn Kingmaker Footwear, đầu tư 20 triệu USD xây nhà máy chuyên gia công giày dép. Công ty Dệt may Hebei Xindadong (Trung Quốc) cam kết xây nhà máy dệt may với quy mô 60 triệu USD…
Phát huy lợi thế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Việc Quảng Ngãi vượt lên 20 bậc để đứng vào vị trí xếp hạng thứ 7/63 tỉnh thành năm 2013 là kết quả của những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư của Quảng Ngãi. Đây cũng là cơ hội mới của Quảng Ngãi trong việc thu hút, kêu gọi đầu tư. Song để duy trì, giữ vững thứ hạng trong đánh giá PCI và tiếp tục tăng hạng trong những năm tiếp theo và để Quảng Ngãi luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư thì quả là một thách thức không nhỏ mà Quảng Ngãi cần phải có những giải pháp căn cơ và lâu dài.
|
Quảng Ngãi có những thuận lợi về hạ tầng giao thông, cảng biển đồng bộ, thông suốt để thu hút các nhà đầu tư. |
Theo ông Phạm Như Sô- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng BQL KKT Dung Quất thì thời gian đến, Quảng Ngãi cần tiếp tục tận dụng và phát huy những lợi thế sẵn có của mình, đó là phát huy lợi thế của một tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung năng động, với thuận lợi về hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt (vừa có cảng biển, vừa có đường quốc lộ, vừa có đường sắt Bắc - Nam, gần sân bay). Ngoài ra, với ngư trường rộng lớn trên 11.000 km2 và với đường bờ biển dài 130km, tỉnh Quảng Ngãi cũng có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển và du lịch biển, đảo.
Quảng Ngãi là địa phương hội tụ nhiều điều kiện để phát triển, hấp dẫn các nhà đầu tư, là nơi lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường đến đến cả hai miền Nam - Bắc và khu vực miền Trung rộng lớn. Từ Quảng Ngãi, các doanh nghiệp còn có thể mở rộng tiếp cận thị trường sang Lào, Đông Bắc Thái Lan và Campuchia… Đây là những lợi thế nổi trội và là cơ hội mới cho các nhà đầu tư khi chọn Quảng Ngãi làm địa điểm đầu tư.
Cùng với đó, Quảng Ngãi có lợi thế về nguồn nhân lực dồi đào, là điều kiện lý tưởng cho các nhà đầu tư cần nhiều lao động, các ngành sản xuất hàng hóa tiêu dùng nhanh, thực phẩm, đồ uống, may mặc, giày dép. Những năm qua, Quảng Ngãi cũng đã có nhiều chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực cao, sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về tỉnh công tác. Có lẽ, đây chính là thuận lợi mà khi các doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Ngãi có thể yên tâm.
|
Nguồn nhân lực dồi dào, là điều kiện lý tưởng cho các nhà đầu tư cần nhiều lao động |
Theo kế hoạch, trong năm 2014, Quảng Ngãi sẽ có rất nhiều dự án đầu tư, tập trung vào các dự án FDI. Theo đó, sẽ có khoảng 5 dự án FDI đầu tư và 3 dự án sẽ đi vào hoạt động, qua đó sẽ góp phần giải quyết cho từ 12.000-15.000 lao động. Tỉnh cũng đang tiến hành các thủ tục cấp phép cho Tập đoàn Liwayway Marketing và OceanMaster Engineering (Philippines) xây nhà máy sản xuất thực phẩm và thiết bị lạnh hàng hải. Rồi Nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200 MW, với tổng vốn 2 tỷ USD của Tập đoàn Sembcorp (Singapore) làm chủ đầu tư cũng đang hoàn thành các thủ tục trình các bộ, ngành TƯ.
Một luồng đầu tư nữa là từ Nhật Bản. Hiện nay cũng đang hoàn thiện các thủ tục để trình các bộ, ngành TƯ để tiếp tục thực hiện Nhà máy thép Dung Quất trên cơ sở tích hợp Tập đoàn thép JFE của Nhật Bản và Nhà máy thép Quảng Liên. Đây là dự án khá lớn với tổng vốn đầu tư dự kiến 4-5 tỷ USD.
Có thể nói, Quảng Ngãi đang đứng trước nhiều cơ hội lớn về thu hút đầu tư. Tin rằng, với những lợi thế sẵn có cùng những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của mình, Quảng Ngãi sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Bài, ảnh: M.Toàn