(Baoquangngai.vn)- Tuy chưa vào cao điểm mùa nắng nóng, nhưng nhiều ruộng lúa đã "chết khát" vì thiếu nước tưới. Bởi thế mới thấy rằng, biến đổi khí hậu nhanh đến mức không còn chờ chúng ta ngồi một chỗ để khuyến cáo mà phải bắt tay vào hành động ngay.
TIN LIÊN QUAN
Sạ lúa, gặt rạ
Những ngày này, đi khắp các cánh đồng, đặc biệt ở những chân ruộng không chủ động được nước, ăn nước trời đều thấy cảnh ruộng khô, lúa cháy, nông dân ngậm ngùi cắt lúa về cho bò. Tình cảnh này đã xảy ra từ vụ hè thu năm ngoái chứ không phải bây giờ. Mặc dù đã được khuyến cáo từ trước, nhưng nhiều nông dân vẫn "cố đấm ăn xôi" gieo sạ lúa để rồi gặt rạ.
Dưới cái nắng chang chang đổ lửa, hàng chục nông dân có mặt trên cánh đồng thôn Phước Thọ, xã Bình Phước (Bình Sơn) hì hục cắt lúa. Trên lưng ai cũng thấm đẫm mồ hôi. Lúa gặt xong, mỗi người gánh hai bó hoặc mang lên xe đạp đèo về cho bò mà thấy mà xót xa!
Chị Nguyễn Thị Kim Liên cười như khóc: “Mấy chục năm, nay mới có cảnh này. Đã cắt về cho bò còn phải tốn công tuốt hết hạt nó mới chịu ăn chứ không nó chẳng thèm vì rát lưỡi. Làm ruộng khổ quá cô ơi!”.
Theo bà con nông dân, đây là ruộng nước nhỉ, cứ sau mỗi mùa mưa, nông dân thấy ruộng có nước nên sạ lúa rồi chờ trời mưa xuống. Vụ đông xuân mọi năm, ai cũng trúng mùa nên năm nay không ngần ngại sạ lúa tiếp. Ai ngờ, vừa xuống giống chưa đầy 1 tháng thì cả làng đã phải giồng mình chống hạn bằng cách ngày đêm thay nhau bơm nước từ giếng đồng đến giếng nhà mà vẫn chẳng thể cứu vãn được.
Sạ lúa, gặt rạ, tình cảnh mà nhiều nông dân phải gánh chịu. |
Ngừng tay cắt, lão nông Phan Ngọc Anh thở hổn hển: “Nhà nông chỗ nào có nước vẫn muốn làm lúa kiếm gạo ăn cho chắc chứ mấy cây trồng khác bấp bênh lắm. Với từ hồi giờ, chưa bao giờ chúng tôi nghe địa phương hướng dẫn chuyển sang cây trồng nào cụ thể và khả thi”.
Không chỉ riêng xã Bình Phước mà hầu hết các chân ruộng nước trời trên địa bàn tỉnh đều rơi vào tình cảnh này. Riêng huyện Bình Sơn, nơi có diện tích không chủ động được nước lớn nhất tỉnh có tới hơn 250/853 ha lúa ăn nước trời trổ không tạo hạt, mất trắng sản lượng.
Trong đó, Bình Phú 62ha, Bình Tân 30ha, Bình Hòa 40ha, Bình Phước 67ha, Bình Hải 13ha, Bình Thuận 60ha... Hiện nay, diện tích lúa chân cao đang trổ bông bị thiếu nước, nguy cơ tiếp tục mất sản lượng sẽ tăng nhanh nếu những ngày tới trời không mưa.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn, qua thực tế nguồn nước ở các sông, suối, hồ, đập trên địa bàn huyện, thì diện tích cả vụ đông xuân, hè thu và vụ mùa có khả năng thiệt hại lên đến 7.034 ha. Không chỉ cây trồng, mà 4.760 người dân và 2.000 con vật nuôi cũng đứng trước nguy cơ “khát” nước.
Tại anh, tại ả, tại cả đôi bên!
Chỉ tay về phía ruộng bắp, đậu phụng đang xanh mơn mởn sát những ruộng lúa khô ráp, tôi hỏi: “Tại sao không chuyển đổi giống cây trồng, trồng bắp hay đậu?”.
Chưa nói dứt lời, anh Nguyễn Quang Vũ- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phước lý giải: Diện tích này bao đời nay đã có số phận khá đặc biệt. Trước đây, toàn bộ diện tích này ưu tiên cho cây mía, nhưng rồi mía rẻ, nên người dân lkhông trồng nữa. Nếu chuyển sang bắp hay đậu, lỡ gặp mưa nhiều sẽ bị hư. Cây lúa là số 1, tuy sản lượng không cao lắm, nhưng cũng có lúa ăn. Mà thiếu nước thế này thì cây gì sống nổi?
Cứ băn khoăn về chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, tôi hỏi: “Cây nào cũng không hợp lý, quan điểm của xã là bỏ ruộng?”
Sau hồi suy nghĩ, anh Vũ nói thật, lâu nay, mình cũng chưa nghĩ đến việc chuyển đổi vì không nghĩ tình cảnh lại trớ trêu thế này. Như mọi năm sẽ có mưa thì cây lúa vẫn sống khỏe. Lâu nay bà con mình lúc nào cũng ưu tiên cho cây lúa nên ai cũng ngại việc chuyển đổi. Đó là chưa kể giá cả của cây trồng cạn sẽ ra sao nếu đồng loạt chuyển đổi trên diện tích lớn?
Bắp, cây trồng được khuyến khích chuyển đổi thay cho diện tích lúa kém hiệu quả. |
Nếu chuyển sang đậu phụng hay bắp ổn hơn vì chúng ít sử dụng nước hơn lúa. Lúc đó, mình sẽ lên mương, lên rãnh để phòng trường hợp mưa lâu, ngập úng. Phương án chống hạn tối ưu nhất là đào ao.
Ông Ngô Văn Thành- Phó phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn cho biết, vụ này có hơn 80ha lúa mà địa phương không đưa vào phương án chống hạn vì đây là diện tích trên đất đồi trống, đã khuyến cáo, nhưng bà con không chịu thực hiện.
Vụ hè thu năm 2013, toàn tỉnh chỉ 300/2.500 ha diện tích lúa không chủ động được nước chuyển sang cây trồng cạn. Năm nay, diện tích có nguy cơ “khát” lên đến gấp đôi.
Rõ ràng, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra là rất rõ, dù đã được khuyến cáo từ nhiều năm trước, nhưng người dân vẫn chưa mặn mà vì cả chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp chưa có phương án chuyển đổi. Ở một số nơi, địa phương yêu cầu dân đăng ký chuyển đổi sang cây trồng phù hợp nhất mà họ thích. Thế này, chẳng khác nào làm khó cho dân nếu họ không có sự hợp sức từ nhiều phía.
Hiện nay đầu ra cho sản phẩm là điều khiến nông dân chưa mạnh dạn trong việc chuyển đổi cây trồng. Để chuyển đổi thành công, cần xây dựng những mô hình trình diễn, có chính sách hỗ trợ về vốn, cây giống cho người sản xuất. Tăng cường mối liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, có sự quan tâm, chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa người sản xuất với nhà doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho người sản xuất…
Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, toàn tỉnh có khoảng 5.133 ha lúa cần phải chuyển đổi. Hiện tại, huyện Đức Phổ đã xin phương án trong vụ hè thu tới sẽ sạ trước thời vụ 1 tháng vì không đủ nước.
Tình hình hạn hán được dự báo sẽ còn khắc nghiệt nên các địa phương cần khẩn trương lên phương án chuyển đổi và cương quyết ngay trong vụ hè thu tới. Ở những diện tích chủ động được 1/3 lượng nước tưới, bà con nên chuyển sang trồng bắp, đậu, còn lại nên trồng mè. Ngành NN sẽ đề nghị tỉnh hỗ trợ bà con giống để chuyển đổi.
Về giá cả và đầu ra của các loại cây ngắn ngày, ông Tô cho rằng, đây là vấn đề bà con không cần quá lo ngại vì hiện nay Việt Nam là nước đang nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Việc nhập khẩu đã diễn ra trong nhiều năm qua dù tiềm năng sản xuất trong nước rất lớn. Việc đẩy mạnh chuyển đổi những diện tích lúa kém năng suất, lúa vụ ba sang trồng bắp, đậu... để giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo, tăng nguồn cung cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Bài, ảnh: Ái Kiều