(Báo Quảng Ngãi)- Để con cá tươi quê mình có giá trị kinh tế cao hơn, nhiều người ở vùng biển Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) mở các lò hấp để chế biến các loại cá khô. Nghề làm cá khô ở vùng biển này hình thành và phát triển hàng chục năm qua, góp phần tiêu thụ sản phẩm cá tươi của ngư dân, vừa tạo việc làm cho hàng trăm lao động nghèo...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Gần trưa, vùng quê biển Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) càng trở nên oi bức. Cái mùi hăng hắc đặc trưng của xứ biển càng trở nên gắt hơn, bởi hàng chục tấn cá hấp được bày khắp nơi để được phơi mình dưới nắng. Hàng ngàn vỉ cá chạy dài tít tắp ở những bãi đất trống, sân vận động, ven các con đường vào khu dân cư…
Mặn mòi cá khô
Chúng tôi ghé vào bãi phơi cá cạnh chợ Tịnh Kỳ và được nhiều chị em tham gia phơi cá ở đây cho biết, họ là những người làm công để kiếm thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình. Sau những lời hỏi thăm, chị Nguyễn Thị Ly giới thiệu các công đoạn phơi cá của mình rồi chỉ đường cho chúng tôi đến chủ lò cá hấp mà chị cùng hàng chục chị em ở đây đang làm công. Đó là lò hấp cá của ông Trần Hải Trí (Hai Trí), nằm cạnh cảng cá Tịnh Kỳ.
Phơi cá công việc thường ngày của chị em phụ nữ xã Tịnh Kỳ. |
Lúc này mới 9 giờ sáng nhưng cơ sở hấp cá của ông Trí trở nên vắng lặng. Thấy chúng tôi băn khoăn, ông Trí liền giãi bày: Phải xong trước 9 giờ sáng để cá được hưởng cái nắng đẹp nhất trong ngày. Có như thế con cá mới có giá vì ngon, đẹp. Mỗi ngày cơ sở của ông Trí hấp khoảng 5 tấn cá tươi, chủ yếu là cá nục và cá cơm. Công việc nhộn nhịp nhất là những tháng trước và sau Tết, bởi thời điểm này là mùa của 2 loại cá trên. Theo ông Trí, ở khu vực này có hơn chục lò hấp giống cơ sở của ông. Tùy theo giá cả của cá tươi mua vào mà giá cá khô cũng biến động theo. Từ sau Tết đến nay, giá mỗi ký cá nục tươi mua vào từ 8 – 12 ngàn đồng. Cá cơm thì nhỉnh hơn chút ít. Để làm ra 1kg cá khô phải cần 3- 4 kg cá tươi. Trung bình mỗi ký cá khô bán với giá từ 50 – 60 ngàn đồng. Thị trường tiêu thụ cá khô không còn bó hẹp trong nước mà được các lò hấp cung cấp cho các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc…
Nhiều ngư dân có tàu đánh bắt ở đây cho biết, vào mùa cá nục và cá cơm, đánh bắt về nhiều nhưng không lo bị ế. Ngoài số cá tươi mang đi cung cấp cho các chợ, số còn lại bao nhiêu các lò hấp ở đây cũng thu mua hết để chế biến cá khô. Vào mùa, số lượng cá đánh bắt nhiều nên giá cá tươi hạ, nhưng bù lại là cá được bán hết ngay để tiếp tục phiên biển sau nên đời sống của ngư dân cũng được nâng lên.
Giải quyết cái nghèo
Đối với phụ nữ ở vùng biển thì tìm việc làm không khó. Tuy nhiên, để có công việc ổn định và phù hợp với sức khỏe thì không nhiều. Nếu làm nghề bán cá thì phải thức khuya dậy sớm, tranh giành những chỗ cá tươi. Còn làm các dịch vụ hầu cần cho tàu cá thì rất nặng nhọc. Vì vậy, làm nhân công cho các lò hấp cá được nhiều người lựa chọn. Công việc làm cá khô rất đơn giản. Sau khi được hấp chín, cá sẽ được sắp lên những tấm vỉ hình vuông chừng 1m2 phơi ngoài nắng. Công việc làm cá khô được lặp đi lặp lại với quy trình, sáng mang cá ra phơi, canh thời gian trở cá nhiều lần, chiều thu gom cá vào kho. Nếu trời nắng to thì thời gian phơi ít nhất là 3 ngày.
Những lò hấp làm cá khô ở Tịnh Kỳ hoạt động liên tục gần như cả năm, trừ những ngày mưa, bão lớn, nên những phụ nữ nghèo ở vùng biển này có công ăn việc làm và thu nhập tương đối ổn định. Trung bình mỗi lò hấp cá ở Tịnh Kỳ cần đến chục lao động. Nhờ vậy có hơn 100 lao động là phụ nữ ở đây có việc làm thường xuyên. Chị Nguyễn Thị Hương, một người làm cá khô cho biết, mỗi ngày các chị được trả công 150 ngàn đồng. Nếu làm thêm buổi tối thì được trả thêm tiền. Đây là khoản thu nhập không phải ngành nghề nào cũng có được.
Ngoài những chị em làm việc thường xuyên cả ngày thì có cả những người chỉ làm thêm vào buổi tối bằng cách vặt đầu cá đã phơi khô để kiếm tiền. Tiền trả cho công việc lặt đầu cá khô được tính 1.000 đồng/kg. Nghề làm cá khô ở đây vừa thích hợp với phụ nữ, vừa có thu nhập tương đối, giúp chị em nghèo trang trải cuộc sống hằng ngày, tích góp cho con cái học hành nên nhiều người chọn nghề làm cá khô để gắn bó. Bà Trần Thị Huệ, một người đã đứng tuổi trong số những phụ nữ làm công cho biết, công việc hàng ngày tuy có vất vả nhưng không nặng lắm, phù hợp với sức khỏe nên tôi gắn bó với nghề này gần chục năm rồi.
Ở vùng biển Tịnh Kỳ, ngoài việc khai thác, đánh bắt và làm các dịch vụ cho nghề cá thì nhiều người chọn nghề làm cá khô để tạo thêm giá trị gia tăng cho các loại thủy sản quê mình. Hàng trăm phụ nữ nghèo có việc làm quanh năm. Tàu thuyền đánh bắt của ngư dân nơi đây cũng không lo bị dư thừa cá tươi khi được mùa. Có lẽ vì thế mà cuộc sống người dân vùng biển Tịnh Kỳ ngày càng khấm khá hơn, nhà cửa được xây dựng khang trang, nhiều gia đình có điều kiện lo cho con cái học hành và có việc làm ổn định.
Bài, ảnh: X.Thiên