(Báo Quảng Ngãi)- Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (dự án FDI) đang trở thành niềm hy vọng thúc đẩy nền kinh tế Quảng Ngãi bước vào giai đoạn phát triển bền vững. Trong năm 2014 và những năm tới, dự báo nguồn vốn từ nước ngoài đổ vào Quảng Ngãi sẽ không ngừng tăng, tập trung chủ yếu ở KKT Dung Quất và Khu phức hợp công nghiệp – đô thị - dịch vụ VSIP Quảng Ngãi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngay trong những ngày đầu năm, hàng trăm phương tiện xe cơ giới tất bật thi công trên “đại công trường” Khu phức hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh). Mặc dù thời gian “bén rễ” ở đất Quảng Ngãi chưa đầy 6 tháng, nhưng VSIP Quảng Ngãi đã có 3 dự án FDI, với tổng vốn hơn 115 triệu USD được cấp chứng nhận đầu tư và đồng loạt triển khai. Đó là Công ty URC Central (Philippines) xây nhà máy sản xuất khoai tây chiên, với vốn đầu tư khoảng 35 triệu USD. Tập đoàn Kingmaker Footwear niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) đầu tư 20 triệu USD xây nhà máy chuyên gia công giày dép. Công ty Dệt may Hebei Xindadong (Trung Quốc) cam kết xây nhà máy dệt may với quy mô 60 triệu USD.
VSIP Quảng Ngãi đang tập trung phương tiện san lấp mặt bằng tại xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh). |
Trong năm 2014, có khoảng 5 dự án FDI sẽ được triển khai trên địa bàn Quảng Ngãi, trong đó có 3 dự án sẽ đi vào hoạt động. Ông Phạm Như Sô- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Theo kế hoạch, đến giữa và cuối năm nay, 3 dự án này hoàn thành, đưa vào hoạt động, tạo ra 11.000 việc làm cho người dân địa phương. Con số này tương đương với số lao động đang làm việc ở hai Khu công nghiệp Quảng Phú và Tịnh Phong hiện nay. Tỉnh cũng đang tiến hành các thủ tục cấp phép cho Tập đoàn Liwayway Marketing và OceanMaster Engineering (Philippines) xây nhà máy sản xuất thực phẩm và thiết bị lạnh hàng hải tại Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư hơn 44 triệu USD.
Ông Lê Văn Dũng - Phó Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất, cho hay: Ban Quản lý KKT Dung Quất đang phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư điều chỉnh, làm rõ các vấn đề về nhà máy luyện thép 4,5 tỷ USD trình Thủ tướng xem xét ngay từ đầu năm. Dự án này do Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) liên doanh với E-United đầu tư xây dựng tại Khu Kinh tế Dung Quất. “Dự án được điều chỉnh có công suất 7 triệu tấn sản phẩm mỗi năm, diện tích xây dựng 714ha (bao gồm cả mặt nước), một số cơ chế chính sách đặc thù do Tập đoàn thép JFE nắm giữ khoảng 90% cổ phần. Nếu Thủ tướng thông qua thì dự án sẽ khởi động ngay trong năm 2014” - ông Dũng cho hay. Cũng theo ông Dũng, năm 2014, Ban Quản lý KKT Dung Quất tập trung giải tỏa, chuẩn bị “quỹ đất sạch” giao cho Tập đoàn Sembcorp (Singapore) xây dự án nhà máy nhiệt điện có vốn đầu tư 2 tỷ USD tại Dung Quất.
Trong chuyến thăm cấp cao Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giữa tháng 5.2013, đối tác Nga là Công ty Gazpromneft (GPN) đề nghị mua 36% cổ phần về việc nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Chính phủ cũng đã đồng ý dự án này. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và GPN đang thỏa thuận hợp tác nâng cấp, mở rộng công suất nhà máy lên 10 - 12 triệu tấn mỗi năm với nguồn dầu thô đầu vào ổn định.
Hiện nay, các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn đã thu hút 27 dự án FDI với tổng vốn hơn 4 tỷ USD. Trong đó, 11 dự án đã đi vào hoạt động và giải quyết việc làm cho hơn 8.500 lao động. Năm 2014 và những năm tới, Quảng Ngãi ưu tiên xúc tiến, tạo sức hút đầu tư các dự án FDI từ các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Những tín hiệu lạc quan này, cùng với quyết tâm của tỉnh trong việc thu hút đầu tư từ nước ngoài mang đến những hy vọng về sự phát triển đồng đều, bền vững của tỉnh.
Bài, ảnh: MINH TRIỀU