Dự báo thu hút vốn FDI năm 2014 -2015 sẽ tăng cao

02:08, 30/08/2013
.

Dự báo mới nhất về kinh tế Việt Nam 2014-2015 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết: Trên cơ sở tính toán (áp dụng mô hình kinh tế lượng) mức tăng sản lượng tiềm năng vào thời điểm hiện tại là khoảng 5,3%, với những nhận định về thuận lợi và khó khăn trên và với giả định tăng trưởng 5,3% và lạm phát 7%  trong năm 2013, UBGSTC đề xuất các chỉ tiêu chủ yếu cho kế hoạch phát triển kinh tế năm 2014-2015, gồm:


Giá than và điện vẫn gây áp lực cho lạm phát

Dự báo về lạm phát năm 2014-2015, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, có một số yếu tố thuận lợi như: Kinh  tế vĩ mô 2013 đã được duy trì ổn định, với tổng cầu trong phạm vi kiểm soát, không gây áp lực lớn lên lạm phát và giúp ổn định kì vọng về lạm phát của dân chúng;  Giá giá hàng hóa thế giới được dự báo không có biến động lớn, thậm chí giảm, trong hai năm tới. Ngân hàng thế giới dự báo trong năm 2014-2015, giá năng lượng giảm tương ứng 1% và 0,8%, giá hàng hóa phi năng lượng giảm tương ứng 0,3% và 0,9%.

Song, cũng có một số nhân tố trở ngại, gồm: Áp lực điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản (giá than và điện) và dịch vụ công vẫn lớn; Nhập khẩu có thể tăng cao hơn năm 2013 với xu hướng tăng trưởng khá hơn; Lãi suất và tỷ giá USD/VND tăng do những thay đổi chính sách tiền tệ của FED và một số nước có thể tác động phần nào đến cung cầu ngoại tệ và qua đó gây sức ép lên tỷ giá.

Tuy nhiên, áp lực trên có thể được giảm bớt do chính sách kiểm soát ngoại tệ và quản lý thị trường vàng đang phát huy hiệu quả.    

Thu hút FDI năm 2014 -2015 sẽ tăng cao

Về tăng trưởng kinh tế năm 2014-2015, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chỉ ra rằng, có thuận lợi ở ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện thu hút đầu tư. Đầu tư nước ngoài gia tăng do kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn trong năm tới (Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong hai năm 2014-2015 tương ứng là 3,0% và 3,3%, cao hơn mức 2,2% trong năm 2013).

Đồng thời, khả năng thu hút đầu tư cao hơn với triển vọng TPP được kí kết trong năm 2015. Đầu tư tư nhân trong nước cũng sẽ cải thiện nhờ những giải pháp chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh  đã  triển  khai  trong  thời  gian  qua  sẽ  phát  huy  tác  dụng  trong  năm  tới, và những biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu giúp hệ thống tài chính cải thiện và nâng cao khả năng cấp tín dụng.

Và, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá từ những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, còn một số thách thức, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, vì: Mặc dù kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng khá hơn trong 2014-2015 nhưng với mức tăng thấp, đồng thời vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như vấn đề nợ công ở châu Âu hay suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ;

Doanh nghiệp trong nước vẫn còn khó khăn, nhất là khu vực nông nghiệp; Cân đối NSSN tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng bố trí vốn đầu tư phát triển (30% GDP), trong khi tăng trưởng kinh tế trong 2014 vẫn chủ yếu dựa vào vốn đầu tư do chưa cải thiện được nhiều năng suất và hiệu quả.

Xuất khẩu vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng

Vì thế, để đạt các mục đề ra, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng, giải pháp cần thực hiện, gồm: Trong ngắn hạn, từ nay đến cuối năm 2013 và năm 2014, các chính sách cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu (đầu tư và tiêu dùng) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục tăng sản lượng sản xuất kích thích kinh tế. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần được quan tâm (không nên thấp dưới 30% GDP) để  tạo điều kiện cân đối cung cầu hàng hóa, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong trung hạn, các chính sách cần hướng tới việc cải thiện cung cầu của nền kinh tế, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Do đó, việc đẩy nhanh  tái cơ cấu kinh tế đóng vai  trò quan  trọng và cần phải tập trung thực hiện trong vòng 2-3 năm tới để tạo bước chuyển biến mới.

Bên cạnh đó, trong vài năm tới, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, xuất khẩu vẫn giữ vai trò là động lực quan trọng cho tăng trưởng do đó việc thu hút vốn FDI cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất xuất khẩu.

Tuy  nhiên, về mặt dài hạn cần có những giải pháp từng bước cải cách khu vực nông nghiệp, nông  thôn, đồng  thời hỗ  trợ công nghiệp và khu vực doanh nghiệp trong nước./.

 


Theo Xuân Thân/VOV


.