Nguồn lực cho nông thôn mới

08:02, 27/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kể từ khi có Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành mức hỗ trợ từ ngân sách các cấp cho các hạng mục xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 695/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để làm cơ sở bố trí và huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới (NTM).

TIN LIÊN QUAN

Kết quả huy động

Dựa vào cơ chế hiện hành, thời gian qua các địa phương trong tỉnh đã chủ động bố trí ngân sách (huyện, xã) cho việc xây dựng nông thôn mới. Một số xã đã có giải pháp tốt trong huy động nguồn lực của cộng đồng, đặc biệt là kêu gọi con em quê hương đang sinh sống, làm việc tại các tỉnh, thành trong cả nước tham gia đóng góp cùng địa phương xây dựng NTM.

 Nhân dân trong tỉnh cũng đã tích cực hưởng ứng, đóng góp ngày công và tiền của để xây dựng nông thôn mới. Một số địa phương đã có cách làm hay trong việc huy động người dân góp vốn làm đường giao thông nông thôn với sự hỗ trợ bằng xi măng từ nguồn huy động khác của xã, như xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh), Bình Mỹ (Bình Sơn)...

Chợ mới Bình Dương (Bình Sơn) được xây dựng bằng nguồn đóng góp của những người con quê hương.
Chợ mới Bình Dương (Bình Sơn) được xây dựng bằng nguồn đóng góp của những người con quê hương.


  Kết quả trong 3 năm qua (từ 2011-2013), toàn tỉnh đã huy động được 2.847.733 triệu đồng để xây dựng NTM. Trong đó, vốn trực tiếp từ Chương trình MTQG xây dựng NTM là 421.743 triệu đồng;  ngân sách Trung ương: 50.540 triệu đồng;  ngân sách huyện: 182.439 triệu đồng; ngân sách xã: 45.410 triệu đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác: 1.432.151 triệu đồng; vốn tín dụng: 527.160 triệu đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp:164.665 triệu đồng; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư: 165.616 triệu đồng và vốn huy động từ các nguồn khác: 136 .398 triệu đồng.

Đối với các huyện miền núi và huyện đảo Lý Sơn do điều kiện kinh tế kém phát triển nên nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách xã, các doanh nghiệp và vốn dân đóng góp chiếm tỷ lệ rất ít mà chủ yếu là huy động từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện và vốn lồng ghép từ các chương trình khác. Trong đó, Ba Tơ là huyện huy động đạt mức cao nhất: 789.466 triệu đồng; Trà Bồng: 305.632 triệu đồng; Sơn Hà: 240.969 triệu đồng...
 
Đối với khu vực đồng bằng kết quả huy động đạt được khá hơn, đặc biệt là nguồn vốn đóng góp từ ngân sách huyện, xã và vốn huy động từ sự đóng góp của dân bằng cách góp công, hiến đất làm đường giao thông nông thôn,... Trong đó, cao nhất là huyện Mộ Đức nhân dân đã đóng góp được 109.871 triệu đồng; Sơn Tịnh: 27.697 triệu đồng; Nghĩa Hành: 14.130 triệu đồng; Bình Sơn: 3.963 triệu đồng; Tư Nghĩa: 8.190 triệu đồng...

Phát huy nguồn lực

Từ nguồn vốn huy động được, thời gian qua các địa phương trong tỉnh đã cố gắng đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Huyện ủy, UBND huyện và cấp ủy, chính quyền ở hầu hết các xã trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn.

Tổ chức bộ máy chỉ đạo, quản lý thực hiện Chương trình ở các cấp tiếp tục được kiện toàn. Các địa phương cũng đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện lập quy hoạch xây dựng NTM cấp xã và đã có 155/164 xã phê duyệt quy hoạch chung, đạt 94,5%. Sau khi hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM, phần lớn các xã đã tổ chức công bố quy hoạch kết hợp với việc phát động phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới".

  Kết quả triển khai thực hiện Chương trình từ việc huy động các nguồn lực là số lượng tiêu chí tăng thêm ở mỗi xã bình quân cả tỉnh đạt 1,6 tiêu chí/xã. Có một số xã lượng tiêu chí đạt được nhanh như Phổ Ninh (Đức Phổ) tăng 7 tiêu chí (đạt 13/19 tiêu chí); Sơn Thành (Ba Tơ) tăng 7 tiêu chí (đạt 9/19 tiêu chí). Các xã Phổ Vinh (Đức Phổ), Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) tăng 6 tiêu chí (đạt 12/19 tiêu chí)...

Hiện nay, trong tỉnh chưa có xã nào đạt nhóm 1 (xã đạt 19 tiêu chí) chỉ có 1 xã thuộc nhóm 2 (xã đạt 15 - 18 tiêu chí) đó là xã Bình Dương (Bình Sơn) và 31 xã thuộc nhóm 3 (xã đạt từ 10-14 tiêu chí); còn lại là các xã mới chỉ đạt từ 9 tiêu chí trở xuống.

Điều này cho thấy, do khó khăn về ngân sách, kết quả huy động nguồn lực về xây dựng NTM trong thời gian qua còn hạn chế nên đã ảnh hưởng đến tốc độ xây dựng NTM tại các địa phương, trong khi nhân dân đang đặt rất nhiều hy vọng vào chương trình này.

Cần có cơ chế đặc thù

Theo Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của tỉnh, tổng nhu cầu vốn đầu tư của 33 xã giai đoạn 2014 - 2015 là 1.233.690 triệu đồng. Trong đó ngân sách của Trung ương và tỉnh là 884.283 triệu đồng (đã bố trí trong năm 2014 là 41.900 triệu đồng).

Ngoài nguồn ngân sách tỉnh và Trung ương, các địa phương cần cân đối bố trí ngân sách huyện, xã cho việc thực hiện Chương trình theo quy định tại Quyết định số 10/2013/QĐUB ngày 7.2.2013 của UBND tỉnh về mức hỗ trợ từ ngân sách các cấp để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cấp xã...

Trên cơ sở đó, nên quan tâm bố trí tăng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh cho Chương trình MTQG xây dựng NTM hằng năm để tăng nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình nông thôn mới. Trước hết là tập trung cho 33 xã phấn đấu đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015, trong đó ưu tiên cho các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2014. Bên cạnh đó cần bố trí một phần vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh đến các xã không thuộc nhóm 33 xã (gồm 131 xã) để kích thích sự chuyển biến ở những xã còn lại, tạo phong trào chung của cả tỉnh về xây dựng NTM.

Bài, ảnh: Nguyễn Khâm
 


.