(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày này, vùng lộng Quảng Ngãi xuất hiện nhiều luồng cá. Tàu thuyền về bến nặng khoang. Nhiều ngư dân ví von, đó là món quà mà biển ban tặng cho dân nghèo ăn Tết.
TIN LIÊN QUAN
Rộn ràng những phiên biển
Sáng sớm của ngày giữa tháng chạp, bến cảng Sa Huỳnh nhộn nhịp. Người khuân, người cân cá đưa lên xe tải, xe ba gác chở đi khắp nơi. Tiếng máy tàu, tiếng í ới của bà con làm nóng cả làng chài. Tàu của lão ngư Châu Ngọc Thạch ở thôn Thạnh Đức 1 cập bến. Lập tức các thuyền viên vội vàng chuyển cá lên bờ. Cả tấn cá cơm còn tươi nguyên, nằm óng ánh trong nắng sớm. Ông Thạch bảo: "Chuyến biển này chỉ đánh bắt được 1,5 tấn cá cơm. Mỗi bạn thuyền cũng kiếm được 2,5 triệu đồng. Hơn hai tuần nay biển được cá nên có phiên biển, các tàu đánh bắt được 5 - 7 tấn. Mỗi bạn thuyền chia nhau cũng được 10 - 12 triệu đồng/chuyến/ngày".
Làng chài Sa Huỳnh nhộn nhịp cuối năm. ảnh: Trường An |
Mùa biển năm qua, các tàu công suất nhỏ đánh bắt vùng bờ, vùng lộng không được mùa. Những ngày cuối năm, không khí lạnh cứ tăng cường, nhưng từ 2 - 3 giờ sáng, ngư dân phải dong thuyền ra khơi. Nhiều ngư dân cho biết, có hôm tàu cách bờ khoảng 15 hải lý, mà trời vẫn còn tối, gió thổi hun hút. Nhưng anh em ai cũng trong tư thế sẵn sàng. Trong buồng lái, thuyền trưởng luôn đảo mắt theo dõi màn hình định vị. Màu đỏ nhạt, đậm cứ xuất hiện liên tục. Anh, em vui mừng, biết rằng biển đã có cá.
"Khi nghe tiếng: "Bổ!", lập tức 10 thuyền viên nhanh tay quăng lưới. 5 phút, 10 phút, 30 phút sau, giàn lưới đã gom gọn mẻ cá. Anh, em hè hụi đưa lên khoang thuyền. Lập tức tàu quay mũi về bến, bán được 3 tấn cá. Mỗi thuyền viên chia nhau được 13 triệu đồng. Đó là mẻ cá quyết định để các anh em liên tục ra khơi trong những ngày cuối năm, trong thời tiết lạnh giá này" - ông Châu Ngọc Thạch kể.
Kể từ ngày đánh bắt được mẻ cá lớn, ông Thạch biết rằng, biển đã ban tặng cho ngư dân nghèo nơi đây “lộc” cuối năm. Gần 2 tuần qua, ngày nào, ông và các bạn thuyền cũng ra khơi. Chủ tàu Võ Hiền thôn Thạnh Đức 1, phấn khởi: "Tranh thủ ra khơi để kiếm tiền lo Tết". Trước đây, bắt đầu một chuyến biển mới, anh, em thường đi từ lúc 2 - 3 giờ sáng. Nay, lịch ra khơi của các tàu công suất nhỏ dày hơn. Miễn rằng, tàu đánh bắt có cá đầy khoang là tức tốc vào bến. Sau khi chuyển cá lên bờ, tiếp nhiên liệu, là các tàu quay ra khơi ngay.
Phía bờ nhộn nhịp...
Ở phía bờ, làng cá Sa Huỳnh đã xôn xao trở lại, sau những tháng dài đìu hiu. Các lò hấp, sấy, các giàn phơi đã được trưng dụng. Những người phụ nữ thay vì ngồi xếp hàng ở một góc làng chài nhìn ra biển, thì nay luôn tay phân loại cá, cân, chất lên xe…. Chị Nguyễn Thị Vân, thôn Thạch Bi, nói vội vàng: "Các ổng đi thì mình cũng đi... nên mấy ngày này xuống biển, ra cảng không còn giờ giấc nữa. Có tàu đi 2-3 giờ sáng, có tàu đi 9-10 giờ. Bởi, sau khi chuyển cá lên bờ là đi ngay nên chuyện vào ra bến như giã gạo...".
Ở một góc khác, từng nhóm phụ nữ ngã giá cá khi có tàu cập bến. Bà Nguyễn Thị Ba, cho biết: "Phải tranh thủ, chứ người đông...!". Chuyện tranh thủ của bà không phải tranh giành mua cá như các chị khác mà tranh thủ chuyển cá từ khoang tàu xuống bến để kiếm tiền công. "Hôm nào khỏe, làm với mấy anh em thì cũng khuân được cá ở 2 tàu lên bờ, kiếm cũng được hơn 200.000 đồng. Hôm nào mệt thì kiếm được 100.000 đồng" - Chị Linh cùng nhóm với chị Ba nói chen vào.
Cuối năm, không khí lạnh tăng cường, nhưng trời cũng có hôm hửng nắng. Sau khi mua cá cơm, các chị đã tranh thủ phơi khô một nắng là có thể bán. Bà Lê Thị Bông, cho rằng: "Cửa biển bồi, nên các tàu công suất lớn đi đánh bắt ở vùng biển xa rồi trở về các cảng ngoài tỉnh neo đậu. Tàu công suất nhỏ đánh bắt phía bờ thì mấy tháng trước không có cá, nên chị em thất nghiệp. Nhu cầu tiêu thụ các loại cá cơm khô, mực nhỏ rẻ tiền cũng tăng cao, nên giờ bến có cá ai cũng tranh thủ làm để bán". Cứ thế, hơn hai tuần qua, ở làng chài Sa Huỳnh đàn ông đi biển, đàn bà ở phía bờ đi tiêu thụ cá. Ngày nắng thì họ mua đem phơi, ngày mưa thì bán ở các chợ hoặc muối mắm.
TRƯỜNG AN