(Báo Quảng Ngãi)- Trận lũ lớn vừa qua đã làm cho hàng ngàn hộ nông dân ở huyện Tư Nghĩa và Ba Tơ rơi vào cảnh khốn khó: Lúa gạo bị ướt, gia súc, gia cầm bị trôi. Bây giờ, khi vụ đông xuân đang đến gần thì nhiều cánh đồng lại "chìm" trong cát trắng bởi sa bồi, thủy phá quá nặng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tư Nghĩa – tập trung khắc phục nạn sa bồi thủy phá
Nghe hợp tác xã phổ biến lịch thời vụ, anh Võ Văn Hà ở đội 6, thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ đứng ngồi không yên. Sốt ruột, anh vác cuốc ra đồng để giải quyết nạn cát bồi. Nhìn đồng ruộng có đoạn chẳng thấy bờ, anh thở dài ngao ngán: "Năm sào ruộng của tôi đều bị cát bồi hết. Tôi đã nhờ bà con giúp khắc phục. Nhưng nhà ai sau lũ cũng bận rộn nên có nhờ được ai đâu!".
Cánh đồng Ổ Gà xã Nghĩa Hiệp bị sa bồi nghiêm trọng. Ảnh: MAI HẠ |
Không chỉ 5 sào ruộng của anh Hà bị bồi, mà hàng chục hộ dân ở thôn Phú Mỹ có ruộng ở đồng Ổ Gà dọc sông Cây Bứa đều bị bồi lấp. Bởi, trong cơn lũ lớn, nước ào ào chảy xuống cuốn theo đất cát dọc triền sông rồi bồi vô ruộng đồng. Có nơi sa bồi dày trên 0,3m, nơi bồi ít cũng chừng 0,1m, nên sau lũ cả cánh đồng ngập trong cát trắng. Chị Võ Thị Bạch Yến than thở: "Ruộng đồng thì bị cát bồi. Hoa thì bị nước lũ ngập chết. Mấy hôm nay tôi lo cứu hoa, còn chồng thì ra đồng dọn cát bồi. Cả nhà chỉ có vài sào ruộng, nếu không làm ruộng thì lấy đâu gạo ăn".
Dọc Quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn La Hà, xã Nghĩa Phương, nước lũ xói đường, cuốn đất đá xuống những thửa xuộng ven đường. Ở xã Nghĩa Mỹ, nhiều thửa ruộng mới hôm nào lúa chét mọc xanh, giờ cát, bùn phủ lên vài ba tấc. Còn ở xã Nghĩa Thắng, dọc sông Trà Khúc nhiều thửa ruộng cũng ngập chìm trong cát...
Theo báo cáo của UBND huyện Tư Nghĩa, trong cơn lũ lớn vừa qua, toàn huyện có 80 ha ruộng, đất bị sa bồi, thủy phá. Nông dân lại gặp nhiều khó khăn bởi nhà cửa bị ngập, lúa gạo bị ướt, hoa kiểng bị ngập chết, gia súc, gia cầm bị trôi. Ông Lê Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, cho biết: Trước cảnh sa bồi, thủy phá và 28,6 km kênh mương bị sạt lở, từ sau lũ, huyện đã chỉ đạo các xã vận động bà con có ruộng, mương bị cát bồi lấp ít thì tự khắc phục. Còn những nơi bồi lấp nặng thì các địa phương cần nhanh chóng triển khai đợt ra quân làm thủy lợi và khắc phục nạn sa bồi thủy phá để đảm bảo vào vụ sản xuất. Trong hoàn cảnh nông dân bị tổn thất nặng nề sau mưa lũ, thì vụ đông xuân 2013 - 2014 càng phải dồn sức để thực hiện đảm bảo diện tích và năng suất mới ổn định được cuộc sống của bà con nông dân.
Vựa lúa khu tây Ba Tơ có nguy cơ bị xóa sổ
Ở huyện Ba Tơ, những khoảnh ruộng sát bờ sông thì bị nước lũ bào mòn trơ lên những bãi đá cuội dày đặc. Những thửa ruộng bên trong thì phủ đầy cát trắng, có nơi dày hơn nửa mét.
Cánh đồng Mang Cà Rá bị cây gỗ và đất cát lấp đầy sau trận lũ. Ảnh: X.T |
Những ngày này hàng chục nông dân với cuốc, xẻng, xe rùa và cả thau chậu để vận chuyển cát bị bồi lấp với hy vọng sẽ có đất kịp xuống giống cho vụ sản xuất đông xuân. Quần quật trên 2 sào ruộng của mình, anh Phạm Văn Đởi, cho biết: Vợ chồng tôi làm gần một tuần rồi mà vẫn chưa xong. Ruộng nhà ai cũng bị bồi lấp nên không thể mượn được ai đến giúp. Thuê xe múc thì không có tiền. Nhiều hộ dân còn dựng lều tại ruộng để làm chạy đua với thời gian. Tuy nhiên, đó là những đám ruộng bị bồi lấp nhẹ. Còn những diện tích bồi lấp nặng, cây gỗ ngổn ngang thì không một bóng người, vì người dân cảm thấy quá sức.
Ông Đinh Nam Oang – Chủ tịch UBND xã Ba Xa cho biết, với sự tàn phá khủng khiếp thế này thì phần lớn diện tích bà con không có khả năng khôi phục được. Cánh đồng Mang Cà Rá trước đây có diện tích gần 100 ha, nhưng qua mỗi mùa mưa lũ thì bị thu hẹp dần do bị sông Liêng xâm thực, giờ chỉ còn lại khoảng trên dưới 60 ha. Đây là cánh đồng lớn nhất ở các xã khu tây của huyện, năng suất lúa bình quân đạt gần 50 tạ/ha. Hiện tại, dòng sông Liêng chảy qua cánh đồng này đã hình thành nhiều nhánh và dòng chảy chính lấn sâu vào vựa lúa này. “Nếu không có kè chống sạt lở thì không bao lâu nữa cánh đồng này sẽ bị xóa sổ, dân làng ở đây sẽ không có cái ăn”, ông Oang nói.
Ngoài cánh đồng Mang Cà Rá, ở các xã Ba Vinh, Ba Thành… cũng có nhiều diện tích bị sa bồi thủy phá khá lớn. Toàn huyện Ba Tơ có hơn 525 ha ruộng lúa nước bị sạt lở, bồi lấp nặng. Nếu thuê xe cơ giới để cải tạo lại thì mất 3 triệu đồng/sào. Ông Võ Hữu Dị - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết, cả huyện có khoảng 2.700ha diện tích lúa nước. Vụ đông xuân này, huyện dự kiến gieo sạ khoảng 2.000 ha, nhưng khó có thể đạt do nhiều vùng bị sa bồi thủy phá.
Hạ - Thiên