Ngư dân tiếp cận vốn vay ngân hàng

01:12, 30/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ thủ tục đơn giản và lãi suất hợp lý, nên hiện nay nhiều ngư dân trong tỉnh đã  vay tiền ngân hàng để đóng tàu lớn, mua sắm ngư lưới cụ vươn khơi.

TIN LIÊN QUAN

Ngư dân Nguyễn Quốc Vương ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) vừa kết thúc chuyến ra khơi sau bão trở về.  Anh chỉ hai chiếc tàu hành nghề  giã cào đôi, trong đó có chiếc còn mới toanh, bảo: "Chiếc tàu mới đóng là từ vốn vay của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) - Chi nhánh Quảng Ngãi..".  

 

Nhiều ngư dân Tư Nghĩa vay vốn ngân hàng đóng tàu lớn vươn khơi.
Nhiều ngư dân Tư Nghĩa vay vốn ngân hàng đóng tàu lớn vươn khơi.


 Ông  Vương trước đây có  đôi tàu đánh bắt ở vùng biển phía Bắc. Mùa đông năm 2012, trong một trận bão lớn, một trong hai chiếc tàu của ông bị chìm. Mất tàu, không hành nghề được, ông  Vương đưa chiếc còn lại về neo đậu ở bến Nghĩa Phú. Sau đó ông vay mượn người thân để đóng lại tàu. Nhưng vay người thân cũng không đủ tiền để đóng mới con tàu, còn vay "nóng" thì lãi suất quá cao.

 Trong lúc bế tắc thì ông Vương biết Vietcombank Quảng Ngãi cho vay với số tiền lớn, cơ chế thông thoáng, lãi suất chấp nhận được, nên ông tìm đến cán bộ tín dụng. Trong vòng một tuần, ông hoàn thành thủ tục và vay được 1 tỷ đồng với thời hạn 5 năm và lãi suất 1,1%/ tháng. Từ tiền vay ngân hàng cộng với vay mượn thêm, ông đã đóng con tàu mới trị giá hơn 2,5 tỷ đồng.  

Tháng 4.2013, chiếc tàu ông Vương hạ thủy, hợp thành một đôi với chiếc tàu cũ, vươn khơi. "Không có số tiền của Vietcombank cho vay thì tôi khó có thể hành nghề giã cào đôi được. Ngày trước muốn nâng cấp tàu, mua sắm ngư lưới cụ nhưng không có vốn. Nếu vay "nóng" cũng chỉ được khoảng 30 - 40 triệu đồng. Vay "nóng" không dám để lâu vì trả lãi không xuể. Giờ, ngân hàng cho vay vốn thì tốt cho ngư dân chúng tôi quá !", - ông Vương chia sẻ.

Anh Huỳnh Tấn Lâm ở thôn Cổ Lũy, xã Nghĩa Phú (Tư Nghĩa) trước đây làm thợ sửa máy tàu. Theo dõi nhiều năm, anh thấy nghề giã cào đôi phất lên trông thấy. Có nhiều hộ, sau một, hai mùa biển đã trả nợ được đôi tàu. Anh cũng khát khao được làm chủ đôi tàu ra biển, nhưng cũng không đủ vốn. May mắn cho anh, Vietcombank có chính sách mở rộng đối tượng cho vay. Anh mạnh dạn làm hồ sơ vay 1,8 tỷ đồng để đóng đôi tàu trị giá 6 tỷ đồng. Đôi tàu anh hạ thủy vào tháng 6.2013 đã cùng 16 lao động trên tàu ra biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắ thải sản. Đến nay, đôi tàu giã cào của anh đã đi được 6 - 7 chuyến biển, chưa có chuyến nào thất thu. "Sau những chuyến đi, trừ chi phí mình cũng tích cóp được 1,2 tỷ đồng. Nếu trời yên, biển lặng, thì tôi sẽ sớm trả hết nợ cho ngân hàng" - anh Lâm cho biết.
Cùng với ông Vương, anh Lâm, các chủ tàu Phạm Văn Định, Nguyễn Thế Lộc, Trần Ngọc Hải ở xã Nghĩa An và nhiều ngư dân ở Nghĩa Phú cũng vay được từ 1,7 tỷ đến 2 tỷ đồng để đóng mới tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ.

Ông Nguyễn Hồng Chung - Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Quảng Ngãi, cho biết: Năm 2013, Chi nhánh Vietcombank Quảng Ngãi đã mở rộng đối tượng cho vay. Trong đó, đơn vị chú trọng đến đối tượng là ngư dân. Đến nay đã giải ngân 130 tỷ đồng cho 130 hộ ngư dân Nghĩa An vay từ 300 triệu đến 2 tỷ đồng/hộ. Đa số các hộ ngư dân vay đóng tàu có công suất từ 400 CV - 1.000 CV. Lãi suất ngắn hạn là 10%/năm, trung hạn 11%/năm.

Muốn vay được nguồn vốn để đóng mới, cải hoán tàu thuyền, chủ tàu phải đảm bảo các điều kiện ràng buộc của ngân hàng. Người vay phải có tài sản thế chấp như nhà kiên cố, có bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tín dụng tàu thuyền. Với cách cho vay dù vẫn còn nhiều sự ràng buộc, nhưng bước đầu cũng đã tạo điều kiện cho một bộ phận ngư dân tiếp cận được nguồn vốn vay để nâng công suất, hoặc đóng mới tàu thuyền, đáp ứng nhu cầu vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc..


Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.