Nghiệp đoàn nghề cá: Kết nối sức mạnh ngư dân

08:06, 09/06/2013
.

(QNg)- Những năm gần đây, Biển Đông luôn “dậy sóng”. Thiên tai, nhân tai rình rập những con tàu trong từng chuyến ra khơi. Nghiệp đoàn nghề cá ra đời, trở thành ngôi nhà chung và  kịp thời hỗ trợ thủ tục pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân; hạn chế rủi ro và giúp ngư dân vay vốn đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu thuyền, ngư cụ vươn khơi bám biển. Nghiệp đoàn nghề cá đang phát huy vai trò kết nối sức mạnh của ngư dân, tạo hiệu quả trong đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.  

TIN LIÊN QUAN


* Chủ trương hợp lòng ngư dân  

Đứng ở cửa biển Mỹ Á, nhìn ra khơi thấy những con tàu trở về với những khoang cá đầy, ông Nguyễn Xếch -  Trưởng vạn thôn Hải Tân, xã Phổ Quang, nói: “Ban đầu, vận động ngư dân tham gia nghiệp đoàn nghề cá, bà con phân vân: Vào nghiệp đoàn để làm gì? Bởi, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng cũng thành lập hợp tác xã ngư nghiệp rồi làm ăn thua lỗ, một số bà con phải bán tàu... nhưng bây giờ thì khác. Ngoài 22 chủ tàu cá và 210 lao động tham gia nghiệp đoàn hồi tháng 7/2012 với các nghề lưới cản, lưới vây rút chì, thì hiện nay ở xã có 23 tàu, với 280 ngư dân đánh bắt hải sản vùng khơi xa tình nguyện tham gia nghiệp đoàn”.

Nhờ đánh bắt theo tổ đội
Nhờ đánh bắt theo tổ đội


Sở dĩ, nhiều ngư dân tình nguyện tham gia nghiệp đoàn là do họ đã nhận thấy vào nghiệp đoàn sẽ thuận lợi hơn trong việc phát triển kinh tế. Nghiệp đoàn đã tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến tận chủ tàu và người lao động; gắn kết ngư dân đánh bắt hải sản, tạo sức mạnh,  góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời, nghiệp đoàn đã đóng vai trò là tổ chức đại diện hợp pháp cho người lao động nghề cá, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng; giải quyết các tranh chấp xảy ra trong quá trình hoạt động đánh bắt; kịp thời hỗ trợ cho bà con ngư dân khi gặp rủi ro, tai nạn trên biển, ổn định nguồn nhân lực cho mỗi chuyến ra khơi đánh bắt xa bờ...
 

Ngày 15/9/2011, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với UBND huyện Lý Sơn thành lập Nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên của cả nước ở xã An Hải, với 428 ngư dân từ 35 con tàu tham gia. Ngày 15/3/2012 Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đã ban hành Công văn số 880-CV/TU chỉ đạo UBND tỉnh, các huyện có biển và LĐLĐ tỉnh tiếp tục thành lập nghiệp đoàn nghề cá. Đến nay, toàn tỉnh có 6 nghiệp đoàn nghề cá gồm 2.134 đoàn viên, với 355 tàu đánh cá  hoạt động chủ yếu ở các vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa và vùng biển tiếp giáp với các nước.

Thành viên nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa An Nguyễn Tấn Dũng bộc bạch: “Đã gần 30 năm đi biển, giờ gia đình mới sắm được tàu công suất 400 CV hành nghề giã cào đôi. Với đặc thù của nghề, tàu ngày đêm bám biển, mà Biển Đông những năm gần đây bão tố ngày càng nhiều, tàu nước ngoài lại ngang ngược xâm phạm vùng biển của nước ta, còn liều lĩnh cản trở hoạt động của ngư dân, nên gia nhập vào nghiệp đoàn ra khơi đánh bắt hải sản, anh em vững lòng hơn rất nhiều”. Còn ngư dân Trương Công Nhọn ở thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An nhận xét:  “Gia nhập nghiệp đoàn, anh em có trách nhiệm bảo vệ nhau hơn khi gặp thiên tai hoạn nạn”.

  Ở huyện Tư Nghĩa, Lý Sơn và nhiều địa phương ven biển trong tỉnh, ngư dân mưu sinh bằng các nghề giã cào đôi, lưới chuồn, câu khơi, vây rút chì. Việc gia nhập vào nghiệp đoàn nghề cá là điểm tựa của ngư dân, giúp bà con vững lòng tin vượt qua bão tố và “nhân tai” trên biển, đem lại hiệu quả cao trong việc đánh bắt hải sản.

* Cần nâng cao số lượng và chất lượng nghiệp đoàn

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có gần 5.750 chiếc tàu cá, với tổng công suất 624.570CV. Trong số này có 1.998 chiếc có công suất trên 90 CV đánh bắt xa bờ, nhưng hiện tại chỉ có khoảng 335 tàu vào nghiệp đoàn nghề cá. Số còn lại ngư dân tự liên kết thành lập các tổ đội để đánh bắt trên biển, nên chưa có sự hỗ trợ kịp thời về mặt pháp lý, cũng như về vật chất, tinh thần cho ngư dân. Do vậy, việc nâng cao số lượng nghiệp đoàn nghề cá trong tỉnh là vấn đề đang được ngư dân mong đợi.

Tàu thuyền về bến cá đầy khoang
Tàu thuyền về bến cá đầy khoang


 Một vấn đề nữa là chất lượng hoạt động của nghiệp đoàn. Trong buổi đầu mới thành lập, các nghiệp đoàn đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các ngành liên quan. Một số địa phương như Phổ Quang còn đề xuất phó chủ tịch UBND xã làm chủ tịch nghiệp đoàn, cho mượn văn phòng để làm việc. Các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng hỗ trợ  bằng tiền mặt hoặc bằng phương tiện phục vụ nghề cá để hỗ trợ về đời sống cho những đoàn viên nghiệp đoàn cuộc sống còn khó khăn, trang bị thêm phương tiện đánh bắt hải sản...

 Tuy vậy, trong hơn hai năm kể từ khi thành lập, các nghiệp đoàn chủ yếu là tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước về đánh bắt hải sản ở vùng biển xa, chia sẻ thông tin luồng cá, cứu giúp nhau khi bị nạn trên biển hoặc bị tàu nước ngoài đâm chìm, chứ chưa làm được nhiều trong việc giúp ngư dân tiêu thụ hải sản mà không bị tư thương ép giá.

Mặt khác, nhân sự của các nghiệp đoàn còn mỏng. Một số thành viên ban chấp hành vốn là ngư dân đã hết tuổi lao động có thừa kinh nghiệm hành nghề trên biển, nhưng chưa quen làm công tác nghiệp đoàn nên mỗi khi triển khai chủ trương của nghiệp đoàn còn lúng túng. Ngoài ra, nguồn quỹ đóng góp còn quá thấp nên hoạt động của các nghiệp đoàn gặp khó khăn. Không chỉ nghiệp đoàn nghề cá Phổ Quang mà hầu như các nghiệp đoàn khác như An Vĩnh, An Hải cũng chưa có văn phòng để làm việc...

Thành lập nghiệp đoàn nghề cá là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Trong hoàn cảnh tình hình Biển Đông phức tạp hiện nay thì việc tăng cường số lượng và chất lượng nghiệp đoàn đang là vấn đề mà chính quyền các huyện ven biển và ngư dân hết sức quan tâm. Thực tế này đòi hỏi  cần đánh giá lại tình hình hoạt động của các nghiệp đoàn và có biện pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục kết nối sức mạnh ngư dân khi hành nghề trên biển.
 

* Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn:  “Chính quyền luôn tạo điều kiện để nghiệp đoàn hoạt động”.
Huyện Lý Sơn hiện có hơn 420 tàu cá, trong đó, có hơn 200 tàu cá có công suất 90CV nhưng chỉ có gần 100 tàu tham gia vào Nghiệp đoàn nghề cá An Hải và An Vĩnh, với gần 1.000 đoàn viên. Huyện xác định phát triển kinh tế biển là mũi nhọn nên đặc biệt quan tâm và chú trọng đến hoạt động của nghiệp đoàn.  

Nghiệp đoàn nghề cá An Hải và An Vĩnh hiện đã được đầu tư 2 máy trạm bờ. Thông qua các máy này, ngư dân trên biển có thể liên lạc về đất liền và từ các trạm bờ, ngành chức năng có thể chỉ đạo, xử lý các tình huống ngư dân gặp nạn trên biển. Thời gian đến huyện sẽ bố trí mặt bằng và huy động nguồn kinh phí để xây dựng trụ sở, đầu tư thêm thiết bị cho nghiệp đoàn...  

* Ông Trần Em - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ: “Nghiệp đoàn phải phát huy vai trò của mình”.  
Huyện Đức Phổ chỉ mới thành lập được một nghiệp đoàn nghề cá. 11 tháng kể từ khi thành lập, nghiệp đoàn đã phát huy vai trò tích cực của mình nên ngư dân tự nguyện làm đơn xin gia nhập. Điều này chứng tỏ nghiệp đoàn phù hợp với nguyện vọng của ngư dân. Tuy vậy, để nghiệp đoàn phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình, sau giai đoạn hoạt động lâm thời, cần nhanh chóng tổ chức đại hội, bầu ra những người có tâm huyết, năng động vào ban chấp hành để họ gánh vác trách nhiệm, kết nối được sức mạnh của từng đoàn viên để đánh bắt hải sản có hiệu quả và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

* Ông Lê Văn Cường - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang (Đức Phổ):  “Rất mong sự hỗ trợ kiến thức hoạt động nghiệp đoàn”
Nghiệp đoàn ra đời và hoạt động đã kết nối sức mạnh của bà con ngư dân. Các đoàn viên nghiệp đoàn đã  giúp nhau làm ăn cũng như hỗ trợ nhau khi gặp hoạn nạn rủi ro trên biển, nhờ đó sản lượng đánh bắt đã tăng đáng kể. Tính từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013, sản lượng khai thác của các thành viên nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang đạt gần 1.100 tấn, trị giá hơn 14,4 tỷ đồng. Để phát huy sức mạnh của nghiệp đoàn, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của cấp trên về kiến thức hoạt động nghiệp đoàn. Chúng tôi cũng sẽ đáp ứng nguyện vọng của ngư dân kết nạp thêm nhiều đoàn viên mới; vận động đoàn viên đóng góp quỹ nghiệp đoàn để duy trì hoạt động một cách bền vững.

* Ngư dân Huỳnh Tấn Văn - xã Nghĩa An (Tư Nghĩa): “Sẽ tích cực tham gia hoạt động nghiệp đoàn và đóng góp quỹ”.
Vào nghiệp đoàn nghề cá bà con rất phấn khởi. Nhờ có nghiệp đoàn nên bà con phát huy tinh thần đoàn kết đánh bắt hải sản có hiệu quả, cải thiện thu nhập; giúp nhau khi có bão tố hoặc gặp trở ngại trên biển. Tuy vậy, bà con ngư dân nhìn chung còn nghèo nên rất cần sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương, tỉnh và các đơn vị hỗ trợ kinh phí, phương tiện để giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển. Về phía nghiệp đoàn phải phát huy vai trò của mình, giúp bà con tiêu thụ hải sản để không còn bị tư thương chèn ép giá.

 


Mai Hạ

 


.